Đồng chí Xuân Thủy với báo chí cách mạng ngày đầu Tổng khởi nghĩa 1945

(ANTĐ) - Nhà báo Cách mạng Xuân Thủy (1942-1985) bị Pháp bắt tù đày nhiều năm (1938-1944), ông trải qua nhiều nhà tù đế quốc (thị xã Phúc Yên, Hỏa Lò - Hà Nội, thành phố Hà Đông, thị xã Sơn La, Bắc Mê - Hà Giang), bị tra tấn với nhiều đòn thù thâm độc, dã man...

Đồng chí Xuân Thủy với báo chí cách mạng ngày đầu Tổng khởi nghĩa 1945

(ANTĐ) - Nhà báo Cách mạng Xuân Thủy (1942-1985) bị Pháp bắt tù đày nhiều năm (1938-1944), ông trải qua nhiều nhà tù đế quốc (thị xã Phúc Yên, Hỏa Lò - Hà Nội, thành phố Hà Đông, thị xã Sơn La, Bắc Mê - Hà Giang), bị tra tấn với nhiều đòn thù thâm độc, dã man...

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh tỏ sự thán phục, trong thơ ông đã thể hiện các kiểu cực hình một cách hài hước, lạc quan cách mạng:

“Ăn thì chẳng thiếu thức chi

Gân bò, mắm ớt, lại khi mề gà

Chơi thì nức tiếng gần xa

Tàu bay, tàu thủy, lại pha tàu ngầm”.

Đầu năm 1944, Pháp đưa ông từ nhà tù Sơn La về quản thúc tại quê nhà: Xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh giao cho Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Hà Nội Lê Quang Đạo trực tiếp gặp nhà báo Xuân Thủy bàn kế hoạch cụ thể, trốn đi hoạt động bí mật. Sau đó, để đánh lạc hướng theo dõi của địch, đảm bảo chuyến đi được an toàn tuyệt đối, anh Cả Sao Đỏ Nguyễn Lương Bằng đã từng ở tù Sơn La với ông lại chuyển hướng, bố trí ông đi theo đường dây liên lạc bí mật của Trung ương, đến gặp thẳng Tổng Bí thư Trường Chinh.

Ông được giao phụ trách tuyên truyền và trực tiếp làm Chủ nhiệm Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh. Trung ương không đủ điều kiện nên giao Báo Cứu quốc về Xứ ủy chịu trách nhiệm, như cơ sở in ấn, giấy mực, phát hành, các chi phí khác và đảm bảo sự bí mật, an toàn cho tờ báo. Để Báo Cứu quốc cập nhật được đầy đủ tin tức và thông tin kịp thời, phát tán rộng rãi, tờ báo xoay quanh trung tâm chính trị quan trọng Hà Nội.

Báo Cứu quốc đóng ở Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây. Địa điểm cuối cùng là xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. ở đây, tòa soạn báo được đặt trong một chuồng lợn, chia làm hai gian thông nhau. Một bên nuôi lợn, một bên nấu cám, băm bèo cho lợn và dụng cụ nông nghiệp, có kê thêm một cái chõng tre.

Đó cũng là nơi cho ăn, ngủ, viết lách, họp hành của Chủ nhiệm báo với tài liệu, tin tức, bài vở các nơi gửi tới và các bài sửa, bài viết để đem in. Tờ báo lên khuôn rồi những tài liệu cần thiết “chôn” chặt trong đầu, còn lại cho hết vào bếp đun cám lợn. Ông làm thơ:

“Văn chương đã át hơi chuồng lợn

Khói lửa thêm nung chí diệt thù”

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Trung ương chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Mục tiêu chiến đấu không còn là đánh đuổi Nhật - Pháp hay Pháp - Nhật nữa mà tập trung vào đánh đuổi giặc Nhật. Nhiều chiến sỹ cách mạng đã trốn khỏi nhà tù về với hàng ngũ cách mạng, trong đó có nhà báo Trần Huy Liệu trốn từ nhà tù Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ra.

Ông từng ở nhà tù và làm Báo Suối Reo với nhà báo Xuân Thủy, nên được cử đến làm Báo Cứu quốc bí mật. Chiếc chõng tre thêm một áp lực nữa. Nghề báo chí phải nhạy cảm, thu thập được nhiều thông tin, phân tích, đánh giá chính xác. Do đó, khi tiễn nhà báo Trần Huy Liệu lên chiến khu, nhà thơ Xuân Thủy viết: “Giờ khởi nghĩa hẹn hò năm ất Dậu (1945)” như một tiên tri.

Tháng 5-1945 quân đội Liên Xô đã vào Berlin, cắm cờ đỏ búa liềm lên nhà Quốc hội Đức Quốc xã. 15-8-1945, Nhật Hoàng đã đầu hàng quân Đồng minh. Sáng 17-8-1945, Chính phủ thân Nhật vẫn ngoan cố tổ chức mít tinh lớn tại Nhà hát thành phố Hà Nội để giương thanh thế, lôi kéo quần chúng ủng hộ, nhưng đã bị Việt Minh phá tan. Thời cơ đã đến, Xứ ủy Bắc Kỳ họp, quyết định Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền tại Hà Nội vào ngày 19-8-1945. Nhà báo Xuân Thủy đi họp xứ ủy, nhưng đến không kịp.

Ông vội quay về tòa báo, họp bàn, phân công chuyển Báo Cứu quốc bí mật về Hà Nội, phát hành công khai và bàn giao công việc có liên quan đến địa phương. Công việc thì nhiều, thời gian gấp gáp, nhưng vui như Tết. Tờ mờ sáng, chưa rõ mặt người, Chủ nhiệm báo đã phải lên đường vào Hà Nội tham gia Tổng khởi nghĩa, cuốc bộ quãng đường dài hơn 20km.

Gia đình ông nằm trên đường đi, phụ thân đang ốm nặng thập tử nhất sinh, tình cảm ông day dứt: Có về thăm cha không? Đây là giây phút cuối cùng cha con được gặp mặt nhau! Nhưng ông quyết định đi. Ông vào Hà Nội lúc dân chúng đang tấp nập xuống đường, phải len mãi mới đến được chỗ các đồng chí lãnh đạo. Lúc đó đang phân công mới, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân phụ trách Đảng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách Hà Nội. Trưởng ban khởi nghĩa Nguyễn Khang làm Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời Bắc Bộ.

Nhà báo Xuân Thủy vẫn phụ trách tuyên truyền và Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh, đảm nhiệm thêm công việc ấy của Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ, có ý nghĩa to lớn, nức lòng nhân dân, cần thiết phải truyền tin đi nhanh chóng khắp cả nước, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân trong cả nước và trên thế giới, nhất là việc đón tiếp quân Đồng minh vào tước vũ khí, giải giáp quân Nhật ở Đông Dương.

Vì thế nhà báo Xuân Thủy đã nhanh chóng thành lập Thông tấn xã Việt Nam do đồng chí Chu Văn Tích phụ trách và Đài Tiếng nói Việt Nam do đồng chí Trần Lâm đảm nhiệm. Mặt khác, gấp rút đưa Báo Cứu Quốc bí mật về nhà in báo Action (Hành động) của Pháp ở 44 Lê Thái Tổ (trụ sở báo Hà Nội mới hiện nay). Trên Báo Cứu Quốc công khai, Xuân Thủy có thơ:

Ai qua Cứu quốc bờ hồ

Bốn tầng cao ngất hẹn hò trăm nơi

Hồ trong in rõ bóng người

Mỗi trang giấy trắng bao lời nước non”.

Báo chí cách mạng thời kỳ bí mật trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là một trang sử vẻ vang của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Năm nay kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố nhà báo Xuân Thủy (2-9-1912/2-9-2007), để tỏ lòng tôn kính và mến mộ, tôi ôn lại giai đoạn lịch sử mà ông đã giữ vai trò quan trọng.

Thọ Cao