"Đom đóm studio" và ước ao không quá lớn cho người khuyết tật

ANTD.VN - Sự hiểu nhau giữa người khuyết tật và người không khuyết tật có giá trị rất lớn, không chỉ là niềm vui, mà còn nâng đỡ tâm hồn. Bởi chắc gì người không khuyết tật hoàn toàn hạnh phúc.

Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật (NKT) và mang đến cho người không khuyết tật (NKKT) những cảm nhận, góc nhìn sâu sắc, cùng chia sẻ nỗi lòng của NKT, “Đom đóm studio” - dự án truyền thông đầu tiên do NKT sáng lập ở Việt Nam được xây dựng bởi Hoàng Văn Lý (sinh năm 1982) cùng các bạn sinh viên, học sinh đến từ nhiều trường tại Hà Nội, TP.HCM.

"Đom đóm studio" và ước ao không quá lớn cho người khuyết tật ảnh 1Hoàng Văn Lý - chủ nhiệm dự án truyền thông vì người khuyết tật “Đom đóm studio”

Mong muốn được thấu hiểu, hòa nhập

Hoàng Văn Lý vốn quen thuộc với khán thính giả Việt hơn 7 năm qua chương trình phát thanh “Niềm tin ánh sáng”  dành cho người khiếm thị được phát trên kênh VOV Giao thông.

Khi chương trình này phải khép lại vào năm 2016, anh không dành cho mình thời gian ngơi nghỉ mà bắt tay ngay vào xây dựng một kênh truyền thông mới với tên gọi “Đom đóm studio” trên mạng xã hội Facebook và Youtube cho NKT.

Lý giải về việc làm này, Lý bảo phần vì không muốn khán thính giả khiếm thị bị ngắt quãng với thông tin quá lâu, phần vì muốn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê mà anh dành cho truyền thông. 

Hoàng Văn Lý chia sẻ do kinh phí eo hẹp nên ngay từ đầu anh không thể xây dựng một website chất lượng tốt để đăng tải nội dung đầy đủ, thích hợp tra cứu. Nhưng tự đánh giá thì bước khởi đầu này không đến nỗi tệ. Điều khiến anh vui là một số chương trình còn có ngôn ngữ ký hiệu làm mở rộng phạm vi người tiếp cận, không chỉ người khiếm thị mà người mù, người câm, người điếc có thể nắm bắt dễ dàng thông tin. Tại đây, NKT có thể cập nhật các tin tức liên quan tới NKT đang diễn ra, cung cấp kiến thức sâu cho NKT từ cách giao tiếp, chăm sóc, hòa nhập…

“Cộng đồng NKT kém tự tin, thiếu những kênh truyền thông liên quan đến họ, NKKT chưa hiểu đúng về NKT nên xu hướng truyền thông về NKT trước nay thường “anh hùng hóa” hoặc “bi thương hóa” số phận NKT. 

Cả hai xu hướng đều phản cảm”, Hoàng Văn Lý cho biết. NKT mong muốn được thấu hiểu nên rất sợ bị viết sai, nói sai thực tế. Ví như người điếc sẽ thoải mái nhất nếu được gọi là “người điếc”, họ rất khó chịu nếu người khác hoa mỹ gọi họ là “người khiếm thính”, bởi điếc và khiếm thính khác nhau hoàn toàn. 

NKT không thích những ngôn từ chung chung hời hợt mà cần những câu chuyện cụ thể, mang tính chân thực. Ngay cả khi cuộc sống của họ bất hạnh, họ vẫn hướng tới sự tươi sáng và tích cực.

NKT cũng có những tính cách, những khó khăn và thuận lợi riêng. Họ không làm được tất cả nhưng nếu can đảm, thậm chí là “liều lĩnh” cố gắng, họ sẽ làm được rất nhiều. Tiêu biểu là stylish Nguyễn Thái Thành - một người điếc thành công trong lĩnh vực làm đẹp đã tạo mẫu tóc, trang điểm cho những hoa hậu, người mẫu là người điếc; nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình tác giả ca khúc “Tình yêu màu nắng” truyền cảm hứng cho người khiếm thị yêu âm nhạc...

"Đom đóm studio" và ước ao không quá lớn cho người khuyết tật ảnh 2Một buổi quay video của “Đom đóm studio” với khách mời Sơn Lâm, MC Hương Giang thực hiện

Ao ước về một chiếc máy quay

Không quá vội vã, ban đầu các thành viên “Đom đóm studio” xây dựng các chuyên mục có mốc thời gian, nhưng rồi lại bỏ qua áp lực định kỳ để khai thác sâu nội dung và làm thật cẩn thận. Trong dự án, bạn sinh viên khuyết tật và không khuyết tật hòa đồng, làm việc với nhau, cùng học hỏi các kỹ năng nghề nghiệp.

Một vấn đề dự án đề cập đến là mong muốn hòa nhập của NKT và khi hòa nhập, một số người vấp phải những khó khăn. Khó khăn có thể đến từ một trường hợp rất bình thường, ví như một người khiếm thị ngồi trước mâm cỗ mà không thể chủ động biết các món ăn, gắp món mình thích nếu mọi người cùng mâm không cởi mở giúp đỡ hay chính người khiếm thị không mạnh dạn nói ra mình thích ăn món gì. Hay các bạn trẻ khiếm thị ngại cầm gậy dò đường, như vậy rất dễ gặp nguy hiểm.

Hoàng Văn Lý khẳng định: Sự hiểu nhau giữa NKT và NKKT có giá trị rất lớn. Hai bên có thể cùng nhau chia sẻ và nỗi buồn, nước mắt sẽ vơi đi, niềm xót xa không còn đọng lại. Thêm vào đó, kỹ năng giao tiếp với NKT là một điều quan trọng, nếu vô ý có thể khơi lên nỗi đau, làm họ tổn thương. Vì thế, dự án thường ít bình luận, chỉ xử lý thông tin qua một video NKT trò chuyện”. 

Người sáng lập ra “Đom đóm studio” xúc động tâm sự: “Ao ước của chúng tôi là có một cái máy quay để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng mong ước này dường như quá lớn”. Anh cười, bùi ngùi “giá như”... về sau dự án có kinh phí mua được từng trang thiết bị của máy quay, đầu tiên là chân máy, thêm chút nữa là thân máy..., rồi về sau dự án sẽ thêm chuyên mục giải trí, đọc audio truyện ngắn, tản văn mà NKT là tác giả.

Những phản hồi, giúp đỡ ghi nhận từ xã hội đối với NKT là điều quý báu. Tất cả dự án đều làm tập trung, cống hiến bởi một cộng đồng NKT phát triển. Họ mong mỏi qua công việc, bản thân sẽ có giá trị, nền tảng kiến thức tốt hơn, biết đâu ai đó phát hiện tài năng của họ và việc thực hiện ước mơ sẽ không còn xa nữa.