Đôi mắt Pleiku

ANTD.VN - Tôi xuống Sân bay Pleiku, trên một chuyến taxi vào trung tâm thành phố theo một con đường dài buồn tẻ kiểu “lên dốc xuống đồi”, mới thoáng nghĩ: “Thế mà nhà thơ Văn Công Hùng ở đây mãi được!”. 

Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Pleiku 

“Em đẹp thế Pleiku ơi!

Trái tim tôi đã vỡ tan rồi”. 

Văn Công Hùng người gốc Bắc, chẳng biết cơn cớ thời tuổi trẻ nào khiến nhà thơ bén rễ mà ở Pleiku đến hết nửa đời người. Cái nắng đầu mùa khô heo hắt nhuộm vàng tất cả mọi thứ tôi gặp trên đường, khiến cho Pleiku đã thưa thớt càng thêm vắng người. 

Lặng lẽ quá Pleiku ơi!

Taxi thả tôi ở sảnh khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, bên kia đường cũng là trụ sở của đại bản doanh Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thương hiệu vốn cát cứ một vùng phố núi giờ đã vươn ra các nước Đông Nam Á xung quanh. Ngỡ khách sạn này nổi tiếng nhất thành phố nhưng sau tôi thất vọng vì nó cũ quá trời, từ sàn gạch đã ố màu cho đến đám mọt gỗ bắt đầu nhen nhóm tấn công vào các chân cửa. 

Chắc hẳn khách sạn phải xây dựng từ lâu đời lắm, nhìn cách chắp vá sàn gạch cổ lỗ sĩ đây thì biết. Nhưng bù lại Hoàng Anh Gia Lai lại nằm ở ngã tư đẹp nhất thành phố, nơi tỏa đi 3 quốc lộ và lối dẫn vào trung tâm sầm uất nhất Pleiku. Tuy nhiên đứng giữa ngã tư rộng lớn ấy, tôi chỉ nhìn thấy nắng và những chiếc xe tải chạy qua. Thuê chiếc xe máy xong rồi thấy lòng buồn buồn chẳng biết đi đâu, nhưng chạy tà tà một hồi mới thấy Pleiku đáng yêu quá trời. 

Đi trong đường phố Pleiku, ngay cả khi hai bên đường dập dìu nhà cửa, vẫn cứ chắc cú mình đang ở trên đất cao nguyên. Ấy bởi những con dốc lên xuống tứ bề cứ như thể trước đây đã từng là những quả đồi nhỏ. Thậm chí có ngọn dốc dựng đứng tới nỗi chẳng nhìn thấy bờ dốc bên kia đâu, và không hiểu sao ngã tư là đỉnh dốc mà người đỗ đèn đỏ phải nhất tề dừng cách tới hàng chục mét, có nhẽ là lên cao quá sợ ghì phanh không xuể xe sẽ trôi nên đành đỗ lưng chừng dốc.

Pleiku không có những trung tâm thương mại hiện đại, không mấy shop thời trang, tiệm sách hay quán cà phê ơ hờ vườn tược như Đà Lạt, không có nhà hát, còn rạp chiếu phim công nghệ thì mới xuất hiện một chiếc. Đường phố cũng không có nhà cao tầng. Công viên Diên Hồng chỉ là một con đường chạy vòng quanh hồ nước cho người đi tản bộ tập thể dục. Còn công viên Đồng Xanh nằm trên quốc lộ 19, xa trung tâm tới hơn chục cây số, vắng không thể tin được.

Phố núi Pleiku nhìn từ trên cao 

Cũng bởi bên trong cũ kỹ sơ sài, vài bức tượng nhà mồ, mấy vườn hoa nhỏ, dăm mái nhà rông… Tuy nhiên tôi nhớ mãi công viên Đồng Xanh, bởi vừa phóng xe đến cổng thì lóc nhóc lũ học trò bé da đen cháy mà miệng cười sáng loáng ríu rít chào khách lạ: “Con chào cô! Con chào cô!”... Học trò ở đâu mà dễ thương đến thế! Hẳn là những cô bé, cậu bé Ba Na, Gia Rai giờ tan học về, đang đứng tụ tập cổng công viên chơi trốn tìm trước giờ cơm chứ nào có tiền mà được mua vé vào cửa. 

Pleiku phút chốc bừng cháy

Pleiku dường như… không có gì cả, nhưng tôi yêu phố núi bình lặng này, nơi ban ngày ánh mặt trời gay gắt khiến những con đường đất đỏ ngoại thành quành quạch lên phát nản, song khi đêm đến, hương gió lành lạnh ùa về mùi thơm xa lắc có nhẽ từ tận Biển Hồ hay những rừng cao su nồng mùi nhựa. Bằng chiếc xe máy đi thuê, tôi đi lòng vòng trúng đâu thì trúng, và tình cờ quẹo ngang đường Trần Hưng Đạo.

Lúc ấy tôi hơi ngỡ ngàng, vì khúc phố dài lặng lẽ này khác quá. Có nhẽ là con đường đẹp nhất Pleiku. Những tòa nhà hành chính ẩn mình sau hàng cây long não và từ ấy dẫn ra quảng trường Đại Đoàn Kết, phải chăng là quảng trường đẹp thứ nhì nước Việt, chỉ sau mỗi quảng trường 1-5 của người Hà Nội, với tượng Bác Hồ bằng đồng nguyên chất lớn nhất thế giới. 

Vào buổi tối, quảng trường Đại Đoàn Kết như một điểm nhấn khiến Pleiku phút chốc bừng cháy trong ồn ào náo nhiệt. Dường như cả thành phố đổ về đây, bỏ lại những con dốc quạnh vắng không người buồn đến hiu hắt. Bao người trẻ hớn hở trong những quán xá vây quanh quảng trường. Lúc ấy thì con phố cà phê nổi tiếng của Pleiku có cái tên rất ngộ nghĩnh là đường Wừu cũng phút chốc bị “bạc đãi”.

Cà phê ngon đến đâu cũng chẳng bằng không khí sầm uất, vui tươi và lấp lánh nơi phồn hoa thoáng chốc này. Người Pleiku cả ngày lặng lẽ đã quen rồi, đến tối cuối tuần có nhẽ không đành ngồi nốt một trầm ngâm với ly cà phê đen nữa. Lúc ban ngày, quảng trường không một bóng người, chỉ còn không gian rộng lớn với sắc xanh tím bao quanh từ những bồn hoa… 

Nhà văn Di Li

Rừng cao su chưa thay lá

Người Pleiku ngồ ngộ, tôi hỏi đường đi Biển Hồ thì ai cũng hỏi lại tôi cho chắc “Biển Hồ nước hả?”. Ôi trời, chẳng nhẽ hồ không chứa nước mà chứa chè. Hóa ra khu vực ấy có tận… hai Biển Hồ thật, là Biển Hồ nước và Biển Hồ chè. Những đồi chè nên thơ mà chằng chịt như ma trận ở phía bên kia. Còn Biển Hồ nước thì bên này, lối vào phủ kín thông xanh. Đứng từ đồi thông nhìn xuống hồ thấy lòng tĩnh như nhung, và gió thì mát lạnh trong lành khiến người sống nơi đô thị ô nhiễm sắp muốn hóa thành tiên.

Vô khối đoàn khách mặc đồng phục kiểu Team building đang náo nhiệt cả một góc hồ. Trong tấp nập ấy tôi bắt gặp nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng mặc đồng phục mà đi lại lẩn thẩn, mắt mũi nhìn đi đâu. Trái đất này nhỏ đến thế, tới nơi nào trên thế gian cũng gặp người quen đang ngơ ngác giữa đàng, Kuala Lumpur, Quế Lâm, Bangkok rồi cả Pleiku nữa. 

Tôi chưa được vào rừng cao su bao giờ, bởi phải ghé qua miền Đông Nam bộ, tới Bình Phước, Đồng Nai mới ngập tràn cây cao su. Nghe nói đận tháng hai thì rừng cao su sẽ thay lá, mặt đất sẽ trải thảm vàng cam và nếu đứng giữa rừng mà chụp ảnh rồi bốc phét ở Canada cũng không sao. Nơi thứ hai có những rừng cao su đẹp nhất nước thì chính là Gia Lai. Cây cao su nơi này khi mùa lạnh tới còn có địa y bám từng mảng trắng thân cây khiến cả cánh rừng mang vẻ đẹp u uẩn như rừng Bạch Dương, rồi đứng đó bấm máy xong ba xạo thành đang ở nước Nga chắc cũng chẳng hề chi.

Nhưng Chư Sê cách thành phố tới non bốn chục cây đường, nhiếp ảnh gia chỉ đưa tôi tới Chư Păh mà bấm máy. Cậu bảo cũng thế cả thôi. Cậu đậu chiếc Chevrolet giữa lối, bắt tôi đứng tựa cửa, lại đốt lá mù mịt lên cho ra điều mờ ảo sương khói. Sau khi ảnh ra thì thấy cũng giông giống châu Âu thiệt. Song rừng cao su lên phim ảnh thì đẹp thế, cả trong những bức ảnh tôi chụp cũng lãng mạn đến điều, nhưng trên thực tế không được như tưởng tượng. Hay tại tôi vẫn chưa đến đúng mùa chăng?!