Đình Chu "thoi thóp" chờ được "cứu"

ANTD.VN - Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, đình Chu (thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) là một ngôi đình bề thế, quý hiếm bậc nhất của vùng châu thổ Bắc bộ với lịch sử hơn 200 năm cùng những nét đặc sắc về kiến trúc… đang xuống cấp trầm trọng nhiều năm qua vẫn “thoi thóp” chờ được “cứu”. 

Với sự khắc nghiệt của thời tiết, từ năm 2016, chất liệu gỗ trong kiến trúc đình Chu bị xuống cấp nghiêm trọng. Mùa hè năm nay, cứ sau một cơn mưa là ngôi đình càng thêm tan hoang. Do mái đình nhiều chỗ sụt ngói, nước mưa thấm từ cột thấm xuống. Đầu cột nước lan theo rui, nước đùn từ trong cột đùn ra, bên trong hậu cung cũng bị xuống cấp nặng.

Sáng 30-8, mấy mảng chạm trong đình bỗng dưng rơi tự do, bức hoành bắt đầu nhả mộc, nhiều mảng chạm còn trụ được thì đang mủn dần. Sẽ là quá muộn nếu như chính quyền cơ sở không có biện pháp chống xuống cấp trước mắt.

Đình Chu "thoi thóp" chờ được "cứu" ảnh 1Vòm mái đình Chu hiện đang xuống cấp trầm trọng

Chậm trễ đúng quy trình

Việc đình Đình Chu xuống cấp không phải mới đây mà đã từ rất nhiều năm trước. Từ năm 2012, Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để lập dự án tu bổ tôn tạo đình. Đến năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo ngôi đình này với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch chia sẻ: “Trong quyết định phê duyệt dự án khi đó, nguồn kinh phí được bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong quá trình đó ngân sách Trung ương cũng không bố trí được để triển khai dự án. Dự án cứ “ngâm” ở đó, ngôi đình ngày càng xuống cấp, chậm trễ như vậy chúng tôi cũng rất đau xót”.

Năm 2016, huyện Lập Thạch tiếp tục có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh chấp thuận lập lại dự án tu bổ đình Chu và giao cho huyện Lập Thạch là cơ quan lập dự án. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Khi có tờ trình kèm theo hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng như của huyện Lập Thạch thì các chuyên viên ở UBND tỉnh sẽ báo cáo với lãnh đạo tỉnh để phê duyệt chủ trương đầu tư ngay, sau đó cho thiết kế, lập hồ sơ chi tiết”. Gói dự án này được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ theo báo cáo thẩm định nguồn vốn đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư là 9 tỷ đồng. Huyện Lập Thạch cũng đưa ra 2,9 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiện theo báo cáo thẩm định nguồn vốn là 11,9 tỷ đồng và dự án này sẽ được triển khai vào đầu năm 2018 khi mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt.

Về việc ngôi đình cũ kỹ, đầy vết tích thời gian và thiên nhiên nằm lọt thỏm giữa các công trình nhà văn hóa, UBND xã khang trang, theo ông Nguyễn Anh Tuấn là do: “Đầu tư tu bổ tôn tạo ngôi đình phải theo Luật Đầu tư công, đầu tư công có quy trình, các bước của nó, còn chuyển vốn sẽ có những cái khó khăn”.

Đình Chu "thoi thóp" chờ được "cứu" ảnh 2Người trông coi đình nhặt một mảng chạm bị rơi sáng 30-8

Chờ đến bao lâu?

Liệu di tích đình Chu có chờ được đến khi dự án triển khai hay không? Ông Nguyễn Anh Tuấn trả lời: “Trước mắt, trong quá trình lập hồ sơ dự án để tu bổ tôn tạo di tích, chính quyền địa phương xã và huyện sẽ có biện pháp làm nhà tạm, nhà che làm sao để tránh việc mưa nắng và đảm bảo cho các cấu kiện gỗ”.

“Trong quyết định phê duyệt dự án khi đó, nguồn kinh phí được bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong quá trình đó ngân sách Trung ương cũng không bố trí được để triển khai dự án. Dự án cứ “ngâm” ở đó, ngôi đình ngày càng xuống cấp, chậm trễ như vậy chúng tôi cũng rất đau xót”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch)

Ông Nguyễn Đức Năng, người trông coi đình Chu suốt 10 năm qua ngậm ngùi chỉ tay lên mái đình: “Toàn bộ phần nóc bị sụt ngói, mục nát. Tôi chứng kiến những viên ngói vỡ từ 2016, những viên ngói sụt hẳn xuống do những mưa bão. Cũng không có che gì, tất cả các việc tác động vào di tích thì phải có ý kiến cấp trên. Tình trạng đình như vậy cũng rất khó “giật gấu vá vai”, việc đảo ngói cho khỏi mưa dột cũng là không thể, bởi cấu kiện gỗ đã mục, thợ không dám trèo lên sợ mái sập xuống”.

Trên cột đình hiện đang gắn một biển nền đỏ, chữ màu trắng và vàng đan xen nổi bật với nội dung: “Khu vực đình hiện đang xuống cấp. Rất nguy hiểm, mọi người không có nhiệm vụ cấm vào”. Người dân xã Đình Chu hy vọng, cuối năm 2017 hoặc sang đầu 2018, đình sẽ được tu bổ, tôn tạo phục vụ đời sống tâm linh của cư dân trong làng. Họ là những người dân chân chất và còn nhiều khó khăn, và cũng nhiều năm qua, do đình bị sạt lở nghiêm trọng nên không thể tổ chức lễ hội được. Phần nào trong đời sống sinh hoạt không gian văn hóa cộng đồng của cư dân nơi đây trở nên thiếu thốn. 

Hàng ngày, những cụ bà mặc áo vải nâu vệ sinh quét tước nền đình, bởi kể cả không có mưa, qua một đêm đình vẫn đầy bụi bẩn. Nếu đêm mưa, sáng sớm phải quét nước lênh láng ngập, dù vậy, chỗ thờ cúng trong đình cũng không ngồi được. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước nhanh nhất để dự án sớm được khởi công, tu bổ nhằm giữ được giá trị gốc của di tích”.