Điều tôi muốn....
(ANTĐ) - Tết Trung thu mỗi năm một tưng bừng, rộn rã với những đồ chơi hiện đại đủ sắc màu, những màn múa sư tử nhộn nhịp phố phường, những lễ thả đèn trời lung linh, rực rỡ... Và mỗi người đều có những ước muốn riêng!
Các cháu ngày càng sung sướng hơn, no đủ hơn. Và trong mỗi chúng ta ai cũng muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ. Nhưng đâu đó vẫn còn những đứa trẻ không có Tết Trung thu, đâu đó vẫn có những điều làm phiền con trẻ. Những mong muốn, ước mơ giản dị đến ngây thơ của con trẻ lẫn những khát khao của bậc làm cha, làm mẹ có làm chúng ta suy nghĩ?
Tôi có hai đứa cháu mà mỗi lần đến trường hay vào bệnh viện thấy khổ quá. Đứa bé mới 2 tuổi nên có thẻ y tế nhưng thẻ chỉ dùng được ở bệnh viện tuyến dưới, muốn đưa lên tuyến trên phải xin giấy giới thiệu rất vất vả. Đứa lớn thì khổ sở lắm mới xin được vào trường học. Mà trường mẫu giáo công, tiểu học công bây giờ quá ít ỏi. Trường học còn thiếu thì làm sao thế hệ mầm non – tương lai của đất nước có thể phát triển toàn diện được? Xã hội phải làm thế nào để tất cả trẻ em đến tuổi đi học là được chào đón, được chăm sóc chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.
Bà Đỗ Thị Khánh
(Phường Quan Hoa, Cầu Giấy)
Hôm nay là Tết Trung thu rồi mà nào tôi đã mua được quà gì cho con đâu. Thằng út nhà tôi chỉ ao ước tôi ở nhà và mua cho nó một cái đèn ông sao với cái đầu sư tử. Cháu thích múa sư tử lắm, nó đi thi ở 7 xã và đã được giải đấy.
Nhưng tôi đã lấy hàng rồi, làm sao mà ở nhà được, mới lại phải đi thì mới có đồng ra đồng vào, mới có tiền cho các cháu đóng học chứ. Bố mẹ lo tiền đóng học còn chả xong, lấy đâu tiền mà mua đồ chơi. Đấy, mới đầu năm học mà thằng lớn đóng 900.000 đồng thằng nhỏ 700.000 đồng, đấy là còn chưa kể tiền mua sách vở, quần áo. Mỗi lần con xin tiền học mà cứ rát cả ruột, tôi chỉ ước ao tiền đóng học của các cháu bớt đi được thì tốt, nông dân chúng tôi đỡ khổ.
Chị Tạ Thị Vân
(Đắc Sở – Hoài Đức – Hà Tây – Bán hoa quả rong)
Nếu bây giờ cho cháu một điều ước cháu sẽ ước rằng không bị tắc đường. Vì không tắc đường mẹ cháu sẽ được về nhà sớm hơn, cháu được đến trường sớm hơn. Bố cháu đi công tác xa, mẹ cháu vừa phải đưa em cháu đi lớp mẫu giáo lại vừa phải đưa cháu đi học, rồi lại đi làm nữa.
Cháu thương mẹ cháu, cháu ghét tắc đường. Ngày nào cháu cũng phải dậy sớm, cháu buồn ngủ lắm. Hôm nọ khai giảng, cháu đã dậy sớm thế mà vẫn bị đến muộn, các bạn đã xếp hàng rồi, cháu mới đến, cháu ngượng lắm. Nhưng, tại sao mà đường cứ tắc thế nhỉ???
Cháu Vũ Việt Dũng
(B7 – Thanh Xuân Bắc)
Con tôi mới 5 tuổi, cháu đặc biệt thích đá bóng nhưng ngoài cái sân nhà bé cỏn bé con thì cháu không còn chỗ nào chơi cả. Công viên gần nhà thì tôi không dám cho ra đấy vì ở đó có nhiều hình ảnh không đẹp.
Thi thoảng hai vợ chồng cho cháu đi công viên nhưng những trò chơi ở đó cũng không phong phú và hấp dẫn. Tôi ao ước có một khu công viên dành riêng cho trẻ em, nơi đó có đầy đủ các trò chơi thú vị, có cả sân bóng để các cháu nghịch ngợm và rèn luyện sức khỏe.
Chị Đỗ Thị Huyền
(Giáo viên Trường Đại học Công nghiệp, Từ Liêm)
Năm nào Trung Thu tôi cũng đưa cháu đi vòng quanh Hà Nội xem múa rồng ở các tụ điểm văn hóa. Tôi thấy bọn trẻ thích thú với những điệu múa dân gian nhưng chủ yếu vẫn là người lớn diễn, còn bọn trẻ chỉ đứng ngoài xem thôi.
Mong rằng sẽ có một sân chơi chung nào đó để các cháu thực sự được vui chơi hết mình và hiểu rõ hơn về các trò chơi dân gian cổ truyền ý nghĩa đó. Đó cũng là một cách để không làm mai một nét văn hóa truyền thống trong đêm Trung Thu.
Anh Phạm Ngọc Cương
(Quận Ba Đình, Hà Nội)
“Tôi có một mơ ước ấp ủ từ khá lâu rồi nhưng chưa thực hiện được, đó là giúp các em “trông trăng” gần hơn bằng cách tổ chức đoàn diễu hành trên một số tuyến phố chính của Hà Nội trong suốt đêm Trung Thu. Góp mặt trong đoàn sẽ không chỉ có những đám rước sư tử hay điệu múa lân rầm rộ mà còn cả những nhân vật bước ra từ thế giới cổ tích.
Riêng đối với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi cũng mong có cơ hội xây dựng cho các em một chương trình trò chơi mà ở đó, các em sẽ là những người chơi thực thụ chứ không phải khách mời.
MC Lại Bắc Hải Đăng
Trong môi trường của chúng ta hiện nay, tôi nhận thấy các cháu rất dễ cảm cúm, sốt và mắc nhiều bệnh dịch.
Tôi hy vọng các cháu dưới 6 tuổi sẽ được đi khám định kỳ để theo dõi và kiểm tra thường xuyên, đảm bảo cho các cháu khỏe mạnh thực sự và tránh được nhiều bệnh tật không đáng có.
Chị Nguyễn Thị Thuận
(Y tá trường mầm non tư thục, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trung thu này tôi ở lại Hà Nội, tranh thủ ngày lễ xem có chạy thêm được gánh hoa nào không. Trẻ con quê đón Trung thu không tấp nập nhộn nhịp lắm đâu, chỉ có buổi tối rủ nhau rước đèn quanh xóm thôi. Con tôi cũng nhiều lần bảo mẹ cho lên thành phố đi chơi công viên hay xem xiếc nhưng tốn kém lắm.
Bọn trẻ ở nhà chỉ toàn chơi mấy thứ đồ chơi ông sao, đèn cù cổ truyền chứ đã bao giờ được cầm trên tay những đồ chơi ôtô xe máy hiện đại đắt tiền, giá kể đợt này bán được hàng tôi cũng muốn mua cho chúng...
Chị Nguyễn Thị Hương
(Xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên)
Không gian thành phố bây giờ quá chật hẹp nên tôi vẫn mong giá như nhà nào cũng có một cái sân đủ rộng để các em có thể cùng nhau phá cỗ trông trăng thoải mái như trước.
Thêm vào đó, tôi thấy bọn trẻ bây giờ phải đi học quá nhiều mà hiệu quả lại không biết thế nào. Người lớn chúng ta cần dành thời gian cho các em vui chơi nhiều hơn để chúng thấy quãng thời gian đi học không phải là những chuỗi ngày nặng nhọc và được hưởng thụ tuổi thơ êm đềm đúng nghĩa.
NSƯT Chiều Xuân