Điện ảnh Việt Nam: Thừa "sao", thiếu diễn viên đích thực

ANTD.VN - Màn ảnh bỗng chốc có nhiều gương mặt diễn viên trưởng thành từ nghề người mẫu, ca sĩ, thậm chí là hotgirl, hotboy…. Họ quen mặt với hàng triệu khán giả xem truyền hình và thường được gọi tên nhân vật. Việc các đạo diễn chọn diễn viên “tay ngang” là chuyện không quá xa lạ trong điện ảnh, truyền hình ở mọi quốc gia vì họ mang đến sự tự nhiên, tươi mới cho phim. Tuy nhiên, dàn diễn viên tay ngang này có đạt đến đỉnh cao nghệ thuật hay không lại là một câu chuyện khác.

Thừa “sao” nhạt nhòa, thiếu diễn viên đích thực là thực trạng chung của phim Việt hiện nay

Người đẹp, ca sĩ, người mẫu… “chiếm sóng” 

Có một thực tế lâu nay hiển hiện là, nhiều sinh viên theo học 4 năm tại những trường đào tạo chuyên ngành, nhưng khi ra trường không phải ai cũng được mời vào vai chính, càng khó để nổi tiếng ngay sau một vài phim. Không ít nghệ sĩ cống hiến cả đời, song ra ngoài đời vẫn chẳng có ai nhận ra, dù diễn xuất của họ không tồi. Đó là cái khó của nghệ thuật, của danh tiếng thực sự.

Khi lựa chọn con đường trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên nào cũng mong có ngày nổi tiếng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Tuy nhiên, họ cũng phải làm quen với suy nghĩ rằng, có những người đẹp, ca sĩ, người mẫu dù không được đào tạo bài bản, vẫn có thể “chiếm sóng” bất cứ lúc nào. Thậm chí, những diễn viên “tay ngang” còn được giao đóng vai chính, trong khi họ không phải mất thời gian học hành vất vả. 

Sự may rủi là điều bình thường của cuộc sống, và vì thế cũng không bất thường trong nghệ thuật. Thực tế, không ít diễn viên sau thời gian dài học hành và miệt mài cống hiến cho nghiệp diễn đã bất ngờ vì sự nổi tiếng nhanh chóng của mình khi được tham gia vào một series phim dài tập trên truyền hình, dù vai diễn đó không đòi hỏi nhiều tâm huyết. 

Diễn viên không chuyên khó trở thành nghệ sĩ thực thụ?

Quy định phim Việt cần chiếm một thời lượng nhất định phát sóng trên truyền hình khiến các hãng tư nhân cùng “xắn tay” vào cuộc. Điều này đã mở ra cơ hội để những diễn viên “tay ngang” thể hiện khả năng diễn xuất. Hiệu quả đến đâu thật khó đánh giá bởi chẳng mấy ai có thời gian để ngồi ngẫm nghĩ, suy xét kỹ càng một bộ phim hay một nhân vật nào đó. Mọi thứ dường như đang quá nhiều, quá nhanh.

Về sự chuyên và không chuyên, theo lời một đạo diễn gạo cội, vấn đề không được đào tạo bài bản ở phần nhiều diễn viên đang xuất hiện trên màn ảnh hiện nay là rõ nét nhất. Ở thế hệ trước, các diễn viên có vẻ như rất chỉn chu cần mẫn đầu tư thời gian và sức lực để hóa thân vào vai diễn nhưng thế hệ diễn viên sau này dường như còn thiếu điều này.

Không ít đạo diễn thích mời diễn viên nghiệp dư vì diễn xuất của họ không bị đè nặng bởi kỹ thuật. Tuy nhiên, tố chất hóa thân bản năng ấy không tồn tại lâu, bởi nghề diễn khó khăn đòi hỏi khả năng ứng biến nhanh, mà phải người được học hành tới nơi tới chốn mới có thể kham nổi. Bởi thế, diễn viên không chuyên có thể tỏa sáng trong một thời điểm nhất định, song khó trở thành nghệ sĩ thực thụ. Họ chỉ có thể đảm nhận tuyến nhân vật có tính cách tương đối giống mình, chứ khó lột xác.

Không khó để nhận thấy, trên màn ảnh hiện nay có rất nhiều gương mặt khả ái, và ngày càng có những cô gái giành vương miện tại các cuộc thi sắc đẹp sẵn sàng bước chân vào nghệ thuật diễn xuất. Thế nhưng, giữa rừng nhan sắc ấy, người xem vẫn không thể kiếm tìm một tài năng có thể sánh ngang ngửa với các nghệ sĩ trước kia. Bởi, rất khó để một diễn viên nghiệp dư ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

 “Diễn viên nghiệp dư có thể chống chọi, vượt qua chính mình để hóa thân vào vai diễn trong khoảng trên dưới vài trăm phút. Song khi bước vào dự án dài hơi, chịu áp lực về thời gian, họ sẽ bộc lộ khuyết điểm. Nếu không cố gắng rất nhiều để theo kịp bạn diễn, họ sẽ trở thành cái bóng làm nền cho người khác. Chính nguyên nhân này đã khiến thị trường điện ảnh Việt Nam thừa “sao” nhạt nhòa, thiếu diễn viên đích thực. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều nhà sản xuất và đạo diễn không đưa khả năng diễn xuất của diễn viên lên hàng đầu, mà đối với họ mục tiêu là gây sự chú ý, tò mò của công chúng càng nhiều càng tốt”.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng