Đi xuyên phố sách "độc nhất vô nhị" đêm Giao thừa

ANTD.VN - Vào đêm Giao thừa, trong khi các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa thì ở Hà Nội, các nhà sách vẫn mở cửa xuyên đêm. Cuối năm tất bật, những người dành đêm 30 Tết đi mua sách, và những nhà sách mở cửa suốt đêm 30 Tết có lẽ cũng chỉ có người Hà Nội và ở Hà Nội… 

Đi xuyên phố sách "độc nhất vô nhị" đêm Giao thừa ảnh 1Phố Đinh Lễ là phố sách độc nhất vô nhị của Hà Nội mở cửa xuyên đêm Giao thừa

Tấp nập phố sách đêm 30 Tết

Đêm 30 Tết là khoảnh khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ở thời khắc ấy, nhiều người muốn dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, hướng về tổ tiên, với mong mỏi bao điều tốt đẹp về năm mới may mắn và thành công. Vào đêm cuối cùng của năm, hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa, những người làm ăn xa quê đã trở về quây quần bên người thân. Phố phường như trở lại Hà Nội cách đây vài chục năm, bớt gấp gáp, thong thả, trong những nhịp thời gian đang trôi dần sang năm mới. 

Cũng ở thời khắc ấy, văn hóa của người Hà Nội được bộc lộ rõ ràng hơn với thú vui khai sách, khai bút đầu xuân. Cùng với nét đẹp này, phố Đinh Lễ ở Hà Nội có lẽ là con phố “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam khi sáng đèn, mở cửa phục vụ độc giả tới mua sách trong đêm Giao thừa. Cách đây khoảng 15 năm, khi ấy, chỉ một vài nhà sách mở cửa xuyên đêm Giao thừa, thì những năm gần đây, ở thời khắc chào đón năm mới, không còn cảnh đóng cửa im ỉm nữa mà cả con phố này luôn sáng đèn, sẵn sàng đem đến độc giả những cuốn sách mà họ yêu thích. 

Theo chia sẻ của ông chủ nhà sách Lâm, có thể, vì vị trí của phố sách nằm bên Bờ Hồ, nơi thường diễn ra các màn bắn pháo hoa chào đón năm mới nên đã nhận được sự chào đón của độc giả. Nhưng lý do này chưa hẳn đã đúng vì trên cả nước, có nhiều địa điểm bắn pháo hoa nhưng không đâu lại như phố sách Đinh Lễ của Hà Nội. Chính vì thế, ông chủ nhà sách Lâm  khẳng định chắc chắn rằng, đó là vì văn hóa của người Hà Nội, đã làm con phố này trở nên sống động vào đêm 30 Tết như vậy. 

Con phố Đinh Lễ đã được khởi động việc sáng đèn xuyên đêm Giao thừa bắt nguồn chính từ nhu cầu đọc sách của người dân Hà Nội. Ban đầu, những chủ hiệu chỉ tới thắp vài nén hương, chờ người xông đất được lựa chọn từ trước rồi đóng cửa trở về  nhà. Nhưng trước mong mỏi của người đọc có được cuốn sách ở thời khắc đặc biệt của năm đã khiến các chủ hiệu sách thay đổi. Họ quyết định sẽ mở hàng ngay trong tối 30 Tết và không cần chọn người xông đất. Vị khách đầu tiên đặt chân tới nhà sách sẽ chính là người mang lại may mắn cho cửa hàng. Vì thế, hầu hết các nhà sách đều dành các món quà tặng cho vị khách đặc biệt này. 

Và trong vòng 15 năm trở lại đây, cứ sau màn bắn pháo hoa chào đón năm mới, các du khách lại cùng nhau ghé thăm các cửa hiệu sách bên Bờ Hồ như một nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Lúc này, các nhà sách không đặt doanh thu lên hàng đầu nữa. Điều họ quan tâm là niềm vui của các độc giả tìm đến nhà sách ở ngay thời điểm năm mới chỉ vừa mới bước sang được ít phút. Niềm vui của khách hàng chính là những hy vọng được thắp lên về một năm làm ăn phát đạt. Khác hẳn với hình dung của nhiều người về lượng khách tới con phố sẽ lèo tèo trong đêm 30 Tết, các nhà sách đã phải rất vất vả để phục vụ chu đáo các thượng khách. 

Đi xuyên phố sách "độc nhất vô nhị" đêm Giao thừa ảnh 2Đầu sách phong phú đã đáp ứng nhu cầu của độc giả vào đêm 30 Tết khi tới phố Đinh Lễ

Người Hà Nội xác lập văn hóa của riêng mình

Ở thời khắc đặc biệt nên ai cũng mong muốn những rắc rối sẽ không đến với mình. Vì thế, dù lượng khách đông nhưng không xảy ra xô đẩy, chen lấn hay chen ngang mà trật tự xếp hàng chờ đến lượt thanh toán. Các độc giả cũng hồ hởi vì đã tìm được một ấn phẩm ưng ý, để đọc nhâm nhi trong những ngày nghỉ Tết thảnh thơi. Đây cũng là một hành động hướng về truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Còn các nhà sách, đêm 30 Tết là một ngày bội thu, doanh thu tăng vọt so với ngày thường chỉ với vài tiếng bán hàng. 

Thông thường, các nhà sách sẽ bắt đầu mở cửa từ 10 giờ đêm 30 Tết cho tới 1-2 giờ sáng ngày mùng 1. Độ tuổi của các du khách tới các cửa hàng sách khá đa dạng, có những em bé mới chỉ 3-4 tuổi được bố mẹ dắt theo hay các cụ già 60-70 tuổi cũng có mặt ở con phố Đinh Lễ. Theo quan sát của các chủ hiệu sách, hầu hết các vị khách tới mua sách vào đêm Giao thừa đều là những người Hà Nội nhiều đời gắn bó với mảnh đất này. Dù không hỏi cặn kẽ nhưng bằng cảm nhận, các chủ hiệu sách đều nhận thấy phong thái của người Hà Nội rất rõ ràng trong cách sử dụng từ ngữ, âm vựng trong phát âm và cách ứng xử. 

Đầu sách được các độc giả lựa chọn cũng rất phong phú. Đặc biệt, từ năm 2018, sự trở lại của sách Tết sau 60 năm vắng bóng đã chiếm lĩnh sự lựa chọn của các du khách ghé thăm nhà sách tại phố Đinh Lễ vào đêm Giao thừa như cuốn “Tết xưa thơ bé” của Nhà xuất bản Kim Đồng; “Sách Tết” do Đông A Books phát hành. Những cuốn sách nhỏ nhắn mang hương vị ngày Tết truyền thống với những ký ức được các tác giả chia sẻ đã “cháy hàng”. Nắm bắt được xu thế này, năm nay, các nhà xuất bản đã tích cực hơn trong việc mang đến độc giả nhiều ấn phẩm chất lượng và tạo nên một tủ sách có chủ đề ngày Tết. 

Trong đó, nổi bật có thể kể đến như “Sách Tết Canh Tý 2020” của Đông A Books; “Nhâm Nhi Tết”, “Kể chuyện Tết Nguyên đán và Đúng là Tết” của Nhà xuất bản Kim Đồng, “Tranh Tết” của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền. Ngoài ra, thương hiệu sách Sống cũng đã ra mắt cuốn sách mang tên “Tết đoàn viên”. Có thể thấy, dù mỗi cuốn sách chứa đựng những nội dung, thông điệp riêng biệt, song chúng đều tái hiện khá đầy đủ hương vị của Tết trên khắp các vùng miền; những so sánh thú vị giữa Tết xưa và Tết nay cũng như những giá trị của Tết trong tâm thức mỗi người Việt.

Và chắc hẳn, với sự phong phú từ các đầu sách Tết, độc giả tới phố sách Đinh Lễ năm nay vào đêm Giao thừa sẽ có thêm sự lựa chọn và cùng thưởng thức hương vị ngày Tết từ những cuốn sách được dày công biên soạn của đội ngũ tác giả và biên tập viên. Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày, nhiều giá trị văn hóa đang bị lung lay với cơn lốc của nền kinh tế thị trường nhưng chính người Hà Nội với mạch ngầm nghìn năm văn hiến đang xác lập lại những giá trị của riêng mình. Trong đó, văn hóa đọc vẫn đang được tiếp nối với những dòng chảy không biết ngừng nghỉ. Và phố sách Đinh Lễ trong đêm 30 Tết là minh chứng rõ nét cho điều ấy.