Di sản qua ngôn ngữ hội họa của Hà Mạnh Thắng

ANTĐ - Là một trong những họa sỹ trẻ nổi bật của hội họa Việt Nam, Hà Mạnh Thắng đang tìm về với vốn cổ cha ông. 5 năm trở lại đây, anh theo đuổi việc phục dựng các ngôi đình làng, ngôi chùa cổ nằm rải rác ở vùng nông thôn Bắc bộ. Loạt tranh “Phương Bắc xa khuất” của anh là những nỗ lực của một họa sỹ trẻ tái hiện hình ảnh gần gũi và thân thuộc trong mỗi người, là việc tìm về ký ức xưa đang dần bị lãng quên. 
Di sản qua ngôn ngữ hội họa của Hà Mạnh Thắng ảnh 1

Trở về miền ký ức

Cách Hà Mạnh Thắng vẽ đình và chùa làng thật chẳng giống ai. Dựa vào các bản vẽ thiết kế cổ được một người bạn đang công tác tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cung cấp, anh đã tái hiện hình ảnh ngôi đình, ngôi chùa cách đây vài trăm năm từ mặt đứng, mặt ngang, mặt cắt. Công việc này giống các thao tác nghề nghiệp của một kiến trúc sư hoặc một kỹ sư xây dựng nhiều hơn là công việc của một họa sỹ sáng tạo. Vậy mà chỉ với việc tối giản chi tiết và sử dụng màu sắc, Hà Mạnh Thắng lại biến các bản vẽ thiết kế trở nên mềm mại, uyển chuyển và mang tính nghệ thuật với lối biểu hiện trừu tượng.

Anh thích dùng những gam màu của tự nhiên như màu vàng hoàng thổ của đất, màu xanh của cỏ non mùa xuân, màu vàng của hoành phi câu đối để diễn tả vật thiêng của làng trong trí tưởng tượng và ký ức trải nghiệm của cá nhân anh. Hành trình truy ngược thời gian của Hà Mạnh Thắng không nằm ngoài mục đích tìm về hình ảnh xưa của đình làng, chùa làng thuở sơ khai, đưa người xem chìm đắm trong chút vàng lộng lẫy, màu tro xám u buồn hay sắc xanh ngọc bích. 

Sinh ra tại Thái Nguyên, Hà Mạnh Thắng còn lưu giữ ký ức của ngày thơ bé đi trên con đường bờ đê lộng gió để tới ngôi chùa làng. Từ xa, anh nhìn thấy ngôi chùa hiện lên như một chấm điểm nổi bật giữa màu xanh của cây cối. Ấn tượng thị giác ấy đeo đuổi anh đến tận hôm nay để khi cầm cây bút vẽ, Hà Mạnh Thắng vẫn sử dụng màu xanh làm gam màu chủ đạo trong loạt tranh “Phương Bắc xa khuất”.

Bên cạnh những nét xổ thẳng của kiến trúc thì màu xanh lơ lơ, màu xanh ngọc bích làm cho người xem dịu lại, bình yên với những ký ức một thời. Đối với Hà Mạnh Thắng, hội họa là quá trình của sự nhận thức và cũng là cách anh hiểu về bản thân, về thế giới tồn tại  xung quanh, nơi cả Đông và Tây cùng trở nên hòa hợp. Anh thấy tiếc hình ảnh của những ngôi chùa cổ kính đang dần được thay thế bằng hình ảnh mới, hiện đại và nguy nga hơn. Dựa trên nền móng của hiện tại, anh tìm về hình ảnh xưa cũ bằng phương pháp khoa học chính xác.

Di sản qua ngôn ngữ hội họa của Hà Mạnh Thắng ảnh 2

Họa sỹ Hà Mạnh Thắng tìm về di sản của cha ông

Đi đến tận cùng con đường đã chọn

Họa sỹ Hà Mạnh Thắng có thú vui sưu tầm đồ cổ bên cạnh công việc sáng tạo của một họa sỹ. Những cổ vật được anh sưu tầm dường như không có mối liên quan đến các tác phẩm hội họa, nhưng lại có sự ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và quan sát của một họa sỹ trẻ. Giả dụ như trong cách anh sử dụng màu sắc, Mạnh Thắng luôn tìm về với màu tự nhiên vốn có của sự vật. Hay đúng hơn, Hà Mạnh Thắng tôn trọng tự nhiên.

Anh hứng thú với việc phục dựng lại hình ảnh của ngôi đình, ngôi chùa cổ. Hà Mạnh Thắng nhặt nhạnh và kiếm tìm những ký ức vụn vặt để tạo nên ký ức chung của mỗi người khi nhớ về làng mình, về quê hương mình. Anh chia sẻ: “Thời gian sẽ không bao giờ trở lại. Ở một nơi nằm sâu trong tiềm thức mà tôi gọi là phương Bắc, ở đâu đó vẫn còn sót lại chút màu lam xám nhạt đang tan trong ánh chiều xa khuất”.  

Là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất được giới thiệu trong cuốn sách “Painting today” (Hội họa ngày nay) năm 2015, một trong những ấn phẩm về nghệ thuật danh giá nhất thế giới, họa sỹ Hà Mạnh Thắng đã cho thấy sự thành công của một họa sỹ trẻ. Từ những triển lãm trẻ trung mang màu sắc đương đại như “Cơn mưa và dòng suối nhỏ”, “Những gương mặt đỏ” đến những triển lãm đầy hoài cổ như “Sắc đông”, “Phong cảnh Việt Nam”, Hà Mạnh Thắng không ngần ngại dấn thân vào con đường đã được “cày cuốc”.

Cái chất riêng và góc quan sát mang tính cá nhân của anh không dễ dàng bị trộn lẫn. Anh đang rất tự tin để nối dài loạt tranh “Phương Bắc xa khuất”, một đề tài rộng mở và cũng là một con đường đầy chông gai để vượt qua chính mình. Họa sỹ Hà Mạnh Thắng khẳng định: “Việc tìm về vốn cổ cha ông không có lý do nào để chán. Một kho tàng lịch sử và di sản đang bày ra trước mắt. Tôi chỉ sợ mình không có đủ tài để đi đến tận cùng con đường đã lựa chọn”. 

Triển lãm tranh “Phương Bắc xa khuất” của họa sỹ Hà Mạnh Thắng  khai mạc hôm 1-12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, số 24 Tràng Tiền. Triển lãm trưng bày 22 tác phẩm được tác giả sử dụng chất liệu acrylic để diễn tả hình ảnh của những ngôi chùa, ngôi đình cổ nằm rải rác tại đồng bằng Bắc bộ.