“Đến với Việt Nam bằng đôi cánh thơ ca”

ANTĐ - Lần đầu tiên trên sân thơ của “Ngày thơ Việt Nam” có sự tham gia của hơn 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hòa chung những dòng thơ ắp đầy tình yêu Tổ quốc, sự góp mặt của bạn bè quốc tế khiến cho Ngày thơ năm nay thêm màu sắc.

“Đến với Việt Nam bằng đôi cánh thơ ca” ảnh 1Thi sĩ Slovakia Neva Mukova trổ tài đọc thơ Hồ Xuân Hương khiến 
khán giả thích thú

Làm thơ để thêm yêu Tổ quốc 

“Tổ quốc là sóng mặn/ Trên cồn cào Biển Đông/ Cát Hoàng Sa ghi hận/ Đá Trường Sa tạc lòng/ Tổ quốc là tiếng trẻ/ Đánh vần trên non cao/ Qua mưa ngàn, lũ quét/ Mắt đỏ hoe đồng bào”, những câu thơ trong bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mở màn cho “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 - 2015” diễn ra vào sáng 

5-3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nói lên tiếng lòng của các nhà thơ Việt Nam với đất mẹ thiêng liêng. “Hai tiếng Trường Sa, Hoàng Sa luôn vang lên trong trái tim, nhịp đập của những nhà thơ Việt Nam yêu nước”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cảm xúc. Ông cho rằng, việc tổ chức ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc” trong sự góp mặt của rất nhiều nhà thơ, nhà văn quốc tế là có được tiếng nói, sự ghi nhận của bạn bè thế giới trong vấn đề bảo vệ chủ quyền Biển Đông, bảo vệ non sông đất nước Việt Nam. Kết thúc màn đọc thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nhận được món quà bất ngờ, đó là bức thư pháp bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thư pháp Chu Văn Thịnh với hình Tổ quốc và những câu thơ tượng trưng cho muôn trùng sóng biển, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của đất nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Sân thơ năm nay cũng có sự góp mặt của rất nhiều nhà thơ mặc áo lính và được biết đến với những tác phẩm viết về tình yêu Tổ quốc như Anh Ngọc, Hữu Việt, Trịnh Công Lộc, Võ Sa Hà… Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, họ hiện diện trong tư cách người lính - thi sĩ, thể hiện ý chí bảo vệ dân tộc, ý chí bảo vệ vẻ đẹp của người Việt Nam. Tinh thần yêu nước cũng là điểm gặp gỡ của thi ca Việt Nam với thế giới, mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, thi ca giờ đây đã cùng chung tiếng nói, đó là vì độc lập mỗi quốc gia, vì bản sắc văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn mỗi dân tộc…

“Đến với Việt Nam bằng đôi cánh thơ ca” ảnh 2Màn trống hội chào mừng Ngày thơ Việt Nam 

Thi sĩ quốc tế yêu thơ Việt Nam

Lần đầu góp mặt trong Ngày thơ lớn nhất Việt Nam, các vị khách đến từ Thái Lan, Singapore, Nam Phi, Hoa Kỳ, Anh đều hăng hái đóng góp những vần thơ về mùa xuân, về tình yêu, đất nước. Có nhà thơ người Cuba còn sáng tác một bài thơ nói về Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của toàn bộ khán giả có mặt tại sân thơ. Dành được tình cảm của đông đảo người yêu thơ phải kể đến nữ thi sĩ Slovakia Neva Mukova. Không chỉ gây bất ngờ cho khán giả bằng khả năng nói tiếng Việt cực chuẩn, chị còn khiến nhiều người ngả mũ thán phục khi đọc lưu loát bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương bằng cả hai thứ tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Chị không tiếc lời chia sẻ sự ngưỡng mộ đối với nữ sỹ Hồ Xuân Hương và những vần thơ của bà. Bởi vậy, chính chị đã miệt mài dịch thơ của bà sang tiếng Slovakia và xuất bản tại Slovakia lẫn Việt Nam. Neva cho biết, thơ Hồ Xuân Hương rất độc đáo. Nhưng dịch thơ của bà sang các thứ tiếng khác thì rất khó, vì làm sao vừa giữ được nguyên nghĩa, giữ được âm điệu cũng như cách chơi chữ của bà. 

“Đến với Việt Nam bằng đôi cánh thơ ca” ảnh 3Đây là ngày hội để mọi người chia sẻ tình yêu với thơ ca 

Hóm hỉnh hơn cả là ngài Salmauy, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Quốc vụ khanh Văn hóa - Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập. Dù không góp thơ, nhưng ông Salmauy đã chia sẻ, trước khi đến Ngày thơ, ông đã mơ thấy vị thần của Ai Cập, người đã sáng tác rất nhiều áng thơ văn trữ tình. Vị thần ấy đã nói với ông Việt Nam chính là đất nước của thi ca, của hòa bình và tình yêu bao la, bởi thế khi ông về Ai Cập, vị thần ấy sẽ ở lại để truyền cảm hứng đến tất cả những người yêu thơ. Trước thịnh tình đó, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, vượt qua nghìn trùng xa cách, chính đôi cánh thơ ca đã mang bạn bè quốc tế đến với đất nước hình chữ S, để tất cả hòa làm một, thu hẹp mọi khoảng cách.