Đến Sabah để ngắm san hô kỳ ảo hay leo lên nóc nhà Đông Nam Á

ANTD.VN - Có thời điểm, lẽ ra đi Brunei, tôi sang luôn Kota Kinabalu, Malaysia cho gần nhưng sau thiếu thời gian, chỉ đành đi được một nước. Lần này từ Kuala Lumpur, tôi mua vé sang Kinabalu. Thoạt đầu nói chuyện với dân bản xứ, họ bảo: “Nếu đã bay đến Sabah thì nên dành thời gian chinh phục nóc nhà Đông Nam Á”. Tôi chỉnh lại rằng tôi không đi Sabah, tôi đi Kota Kinabalu. Chuyện ở Kota Kinabalu bắt đầu… 

Tại vùng đất giống hình con gấu trôi trên đại dương

Kota Kinabalu là thủ phủ của Sabah - một bang của Malaysia, mà Sabah thì nằm trên đảo Borneo. Lịch sử và địa lý của vùng đảo này cũng rất phức tạp. Nó đã từng thuộc về người Ấn, người Trung Quốc, người Nhật, người Anh và người Hà Lan. Ngày nay, nhìn trên bản đồ, đảo Borneo có hình một chú gấu trôi trên đại dương, mà đầu và một dẻo lưng là bang Sabah, bang Sarawak và vùng lãnh thổ liên bang Labuan (thuộc Malaysia), một phần nhỏ trên gáy chú gấu Borneo là Vương quốc Hồi giáo Brunei, phần thân còn lại từ cổ đến bụng và đuôi (2/3 hòn đảo) là tỉnh Kalimantan thuộc Indonesia. 

Ba nước chung một hòn đảo. Borneo cũng là hòn đảo lớn thứ ba thế giới. Kota Kinabalu hầu như biệt lập với những phần còn lại của lãnh thổ Malaysia. Từ đó bay vào đất liền mất tới hơn 1.624km và nếu đi đường bộ sang Kuching, thủ phủ của bang lân cận cũng mất 800km. Người Kinabalu tuy về Thủ đô nước mình thì phải bay khá xa nhưng nếu đi sang Thủ đô láng giềng là Brunei thì chỉ mất vài tiếng đường bộ là tới nơi. Khách sạn ở đây đắt hơn các vùng khác trong cùng lãnh thổ.

40USD chỉ được một phòng nhỏ xíu không cửa sổ kê vừa một chiếc giường, và cũng rất khó xoay xở trong một toilet tí hon. Khách sạn De Galleria nằm ngay trung tâm thành phố, trước mặt là chợ đêm bán đủ thứ đồ tầm tầm rất vớ vẩn. Mà trung tâm thành phố cũng giống một khu nhà tập thể nhiều hơn. Đến Sabah chỉ nên làm hai việc, 1 là lặn biển, 2 là leo núi, còn lại, thành phố vô cùng buồn tẻ với trục đường chính chạy len giữa biển và núi, phân nhánh vài con đường nhỏ dẫn vào các khu dân cư.

Tôi chỉ ở lại Sabah hai ngày nên không đủ thời gian chinh phục đỉnh Kinabalu. Đến đây, người ta không thể bơi lội ở những bãi biển ngay trong thành phố mà phải đi ra cảng Jesselton Point để từ đó mua vé tàu ra các đảo ngoài khơi thì mới có thể tắm biển. Trong sảnh hải cảng Jesselton có rất nhiều quầy bán vé tàu, giá như nhau, 50 Ringgit/người cho một chuyến 3 tiếng ra đảo. Người ta hỏi chúng tôi chọn đảo nào: Manukan? Mamutik? Sepanggar? Sapi? Hay Sulug? Tôi chọn bừa một đảo: Mamutik - vì tên của nó hay hay.

Ngắm cá ở nơi nước không chuyển động

Ca nô chở quãng hơn chục người ra đảo. Chỉ 20 phút sau tôi đã nhìn thấy san sát các đảo nhỏ trên mặt vịnh, với cầu cảng và một bãi cát toen hoẻn đông đúc người tắm, trông nhác đảo Titop, Cù lao Chàm hay Lan Hạ. Ngoài bãi tắm và nhà tắm tráng nước ngọt ra, trên đảo không còn dịch vụ gì khác. Trời đã về chiều nên dường như nước lạnh dần, người tắm ít. Chủ yếu chỉ có các thiếu nữ mặc bikini ngồi trên bãi cát đọc tiểu thuyết hoặc cài hoa đỏ lên tóc chụp hình.

Tuy nhiên nếu bạn ra sát mép nước, sẽ thấy một điều khó tìm kiếm ở bất kỳ bãi biển nào trên thế giới: Bãi biển trên các hòn đảo quanh Kota Kinabalu không một gợn sóng và trong như nước mưa ở chum vại. Đứng ngâm mình dưới nước sẽ có cảm giác rất kỳ quặc, không giống như đang tắm biển vì nước không chuyển động (nó giống một bể bơi nhiều hơn), nhưng khi soi xuống đáy nước sẽ thấy một điều kỳ diệu: Hàng trăm loài cá đủ màu sắc, hình thù - chấm lưng, kẻ sọc, mình dẹt, thân dài - đang bơi lội tung tăng và thảng hoặc từng đàn cá li ti bám kín bắp đùi mà rỉa.

Tôi chẳng biết bơi, chỉ cứ ngồi thu lu dưới… đáy biển và ngắm bể cá khổng lồ xung quanh mình. Lúc nào mỏi thì ngồi duỗi chân hoặc ngồi thiền, cho nước dâng tận cằm. Ngồi đâu yên vị đó, không có sóng nên chẳng tự di chuyển đi đâu được. Không tiếng sóng. Không tiếng cười đùa ầm ĩ. Chỉ có biển xanh trải rộng đến chân trời. Thảng hoặc có người reo lên khe khẽ vì vợt được một cụm san hô sống, ngắm chán rồi lại lặng lẽ thả xuống nước. Đó là lý do tại sao người ta đổ đến Kota Kinabalu. Để được bơi lội trong cảm giác thanh thản và bình yên như những loài cá đủ màu trên đảo Mamutik.

Thưởng thức bánh Nan vàng ruộm 

Chiều hôm đó chúng tôi đói đến run người sau một chầu bơi lội, nên vội vã ăn tối trong một quán cơm bình dân ngay cạnh khách sạn. Đó là một quán ăn đậm vị cà ri. Đồ ăn của người Sabah nửa phong cách Tàu nửa phong vị Ấn. Ngay tại quầy có một bếp lò cháy rực với chiếc chảo gang phẳng kiểu Nhật. Ông chủ quán rán bánh Nan trên đó (bánh mì kiểu Ấn Độ nhưng được rán thay vì nướng).

Ông ta phết mỡ lên chảo gang, quẳng thêm một túm bột mì rồi vừa nhào vừa véo vừa cán cho đến khi túm bột mỏng dẹt và to bằng chiếc đĩa Tây. Bánh Nan vàng ruộm và thơm lựng, đập thêm quả trứng nữa là xong. Tôi ăn Nan với cà ri gà, không biết chán, dù mấy ngày trước đã ăn Nan đến phát ngấy ở nhà hàng Khazaana (Đường Thành) và sáng mai sẽ lại bay tiếp đi Ấn Độ, chuẩn bị tinh thần phải chén Nan thêm một tuần nữa.

Nhà văn Di Li

Chủ quán là ba ông cháu. “Chủ quán ông” rán Nan rất giỏi nhưng chẳng biết nói tiếng Anh. “Chủ quán bố” phải phiên dịch. Còn “chủ quán cháu” lăng xăng chạy đi pha trà sữa cho khách. Cả ba ông cháu đều nở nụ cười vui thích và tò mò vì cả đời chẳng thấy khách nước ngoài nào lại ngồi chén cà ri tì tì ở quán cơm bình dân dành riêng cho người Sabah. 

Đến 5 giờ chiều thì những sạp hàng ngay con phố trước cửa lục tục bày biện. Khá đông khách túm tụm xem đồ mặc dù hàng hóa hết sức vớ vẩn và đắt vô lý. Màn đêm xuống dần, tôi đi bộ ra khu chợ ngoài bãi biển. Ở đó là một vũng đen tối mò không gợn sóng. Chợ đêm trên bãi biển bán rau quả, thịt cá như bất kỳ khu chợ thị trấn nào. Ở đó có một ông cụ ngồi bán nước dừa đựng trong vại thủy tinh khổng lồ.

Thứ nước dừa trong như nước lã, ngâm thêm đá và cùi dừa bán giá 2 Ringgit/cốc cho những người lao động nghèo bán hàng ở chợ đêm không có lựa chọn nên đành đoạn vui lòng với ly nước nhạt hoét chẳng chút vị dừa. Ngay phía bên kia đường là khách sạn Sheraton đang quảng cáo tuần lễ ẩm thực Việt Nam với sự trình diễn của những đầu bếp Việt hàng đầu, giá vé vào cửa là 92USD/người. Mới có 5 ngày mà đã nhớ nhà, cũng chừng ấy tiền được quả dừa non tuyệt hảo thơm lịm, và cũng chẳng cần tới 92USD đã được chén món Việt thượng thặng. Ra tít ngoài đảo Borneo mà lại cứ đòi được ăn vừa ngon vừa rẻ.

Đi dọc con phố tối tăm về phía đường chính Tun Razak cũng thấy vài cửa hiệu thời trang, nhưng vô ích với chúng tôi vì họ chỉ bán vải và các trang phục cho phụ nữ Hồi giáo. Lúc ấy trời bắt đầu mưa lác đác và tôi phải rảo nhanh về khách sạn. Mới 9 giờ nhưng đường phố đã yên ắng, không có những khu phố Tây ăm ắp quán bar và sàn nhảy. Có lẽ chăng, người phương xa đến Sabah chỉ để lặn xuống đáy biển ngắm những rạn san hô kỳ ảo và leo lên nóc nhà Đông Nam Á để tận hưởng mây trời huyền diệu.