Đệ trình UNESCO ghi danh "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ"

ANTD.VN - Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2020.

Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam. Người dân Đông Hồ sản xuất tranh bằng phương pháp thủ công từ việc làm giấy đến các bản khắc từ thế kỷ 16 và đến nay vẫn giữ được truyền thống này. Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ đều tham gia làm tranh.

Việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là một công việc vô cùng  cấp bách

Trong chiến tranh, làng tranh Đông Hồ bị chiến tranh tàn phá. Người dân mải lo chạy giặc. Hàng vạn bản khắc gỗ làm tranh bị thiêu rụi. Để khôi phục làng tranh, năm 1967, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cùng 50 thợ cả trong làng thành lập “Hợp tác xã sản xuất tranh”. Làng tranh dần được phục hồi và đã xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, làng tranh suy tàn. Tranh làm ra nhưng không bán được, nên người dân không còn mặn mà, tâm huyết với nghề tranh nữa, họ chuyển sang làm hàng mã.

Để bảo tồn và khôi phục làng tranh, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức. Trong đó có một số dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, trước những biến đổi cơ bản của đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, các dòng tranh nói chung và dòng tranh dân gian Đông Hồ đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ.

Một bức tranh dân gian Đông Hồ

Việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh gắn liền với phong tục, tập quán của người Việt vào dịp Tết đến xuân về, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là bước đi thiết thực nhất để cứu vãn, vực dậy làng nghề tranh. Đó sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để nhà nước, chính quyền các cấp chung tay góp sức bảo vệ di sản. Đó cũng là động lực để cộng đồng địa phương quan tâm, dốc sức giữ gìn và củng cố di sản này.