:

Để kịch nói đến gần khán giả và còn mãi với thời gian

ANTD.VN - Nằm trong khuôn khổ dự án “Đưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội” của Bộ VH- TT&DL. Sáng 31-7, Nhà hát Lớn Hà Nội đã tổ chức họp báo giới thiệu “Những vở kịch còn mãi với thời gian” gồm 11 vở kịch sẽ được công diễn từ ngày 5 đến 20-8-2017.

Để kịch nói đến gần khán giả và còn mãi với thời gian ảnh 1Vở kịch “Cát bụi” được khán giả yêu kịch gắn bó suốt 14 năm qua

Đừng “áo gấm đi đêm” những vở kịch hay

Trong đó, bên cạnh những vở kịch “có tuổi” và đã được định danh như “Cát bụi” (của NSND Xuân Huyền) đã nằm trong kịch mục của Nhà hát Kịch Hà Nội suốt 14 năm qua; vở “Điện thoại di động” ra mắt năm 2005… thì “Những vở kịch còn mãi với thời gian” lại có những vở diễn rất mới. Đơn cử như vở “Dưới cát là nước” của đạo diễn, NSND Lê Hùng (Nhà hát Kịch nói Quân đội) vừa dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế năm 2016. “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam được NSND Anh Tú dựng năm 2016. Hai vở diễn “Ai là thủ phạm”, “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ công diễn từ năm 2015. Đặc biệt, vở kịch “Lão hà tiện” của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt đầu năm 2017, đây là lần đầu tiên vở diễn lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội…

Nhiều ý kiến thắc mắc: “Tiêu chí nào để chọn những vở kịch vào nhóm 11 vở diễn vào mục “Những vở kịch còn mãi với thời gian”?, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lý giải: “Xét cho cùng đây là vở kịch có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt. Trong số này từng có những vở có thời gian để thẩm thấu, có những vở mới hơn nhưng có chất lượng và được công chúng đón nhận”. 

“Với tốc độ không có mấy tác giả sáng tác như hiện nay, chẳng mấy sẽ không còn nhiều vở đọng lại với thời gian” - ông Đào Đăng Hoàn trăn trở và bày tỏ niềm mong mỏi - “Những vở kịch còn mãi với thời gian” sẽ được nối dài, đưa thêm nhiều tác phẩm kinh điển thế giới hoặc có tiếng vang từ lâu đời”. Theo NSƯT Chí Trung: “Đây đều là những vở diễn tiêu biểu nhất của các đoàn trong giai đoạn này”. Ông ví 11 vở diễn “còn mãi với thời gian” đặc sắc và giống như những “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ những chàng “hoàng tử” đánh thức. Ông hy vọng những vở diễn này sẽ được đông đảo khán giả biết đến, ông xót xa những vở kịch hay nhưng lại thành “áo gấm đi đêm”.

Đưa kịch nói đến gần công chúng

Sức hút của sân khấu, nghệ thuật kịch nói là có thực, bởi theo NSND Trung Hiếu: “Có khán giả đi xem vở “Cát bụi” tới 37 lần”. Nhưng thực trạng của sân khấu hiện nay cũng đáng buồn. Nhiều vở diễn hay mà số lượng người biết tới vở diễn không nhiều. Có đêm diễn, người nghệ sĩ nhìn xuống sân khấu toàn thấy gia đình, người quen tới ủng hộ. Họ chờ đợi khán giả biết tới kịch nhiều hơn.

Kịch còn “xa” khán giả. Nghệ sĩ Xuân Bắc kể chuyện từng gặp một khán giả tuổi đã già, cụ sinh ra ở Bưởi, lớn lên ở Bưởi, sinh sống cũng ở Bưởi hơn 60 năm qua. Vậy mà tới giờ mới lần đầu bước chân tới Nhà hát Kịch Việt Nam, nhận ra kịch hay và đẹp, rồi nuối tiếc mình đã bỏ mặc đời sống tinh thần quá lâu khi không biết đến việc thưởng thức nghệ thuật.

NSƯT Chí Trung có nói: “Bước chân vào Nhà hát Lớn, cảm xúc của người nghệ sĩ thăng hoa”. Diễn viên Bảo Thanh “một bước thành sao” sau bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng chung quan điểm này. Sắp tới cô sẽ góp mặt trong vở kịch “Công lý không gục ngã” của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Đối với cô, ánh đèn sân khấu thật ma mị. Bảo Thanh kể: “Có lần, tôi đưa thông tin về một vở kịch lên mạng xã hội, có người bình luận hỏi: “Bao giờ sẽ chiếu?”, tôi giật mình bởi nhiều người nhầm lẫn kịch và phim”. Đối với cô, ánh đèn sân khấu kịch thật “ma mị”, diễn viên kịch phải tập dượt hàng tháng trời mệt mỏi để có  một vở diễn trọn vẹn, khi mà công diễn không được nhiều khán giả biết đến. Cô mong muốn khán giả sẽ biết đến kịch nhiều hơn và nghệ thuật sân khấu có thêm những khán giả nâng niu, yêu quý những vở kịch.

 “Để làm ra được một vở diễn khi mà khán giả hiếm như hiện nay, cũng là điều đau đáu của các nghệ sĩ. Nỗi niềm ấy đoàn kịch nào, nhà hát nào cũng đang gặp phải. Nếu đã vào Nhà hát Lớn thì chúng tôi thấy trách nhiệm phải nâng lên. Tác phẩm hay nâng từ 90% phải lên 98%. Phải lên nữa để “Còn mãi với thời gian”. Mặc dù, kịch hay hay không phải nhờ quá trình, không phải tác phẩm nào cũng tồn tại được dài lâu qua năm tháng. Có thể tác phẩm nào đó sau khi diễn xong nằm im luôn. Người nghệ sĩ tâm huyết vẫn đang đổ công sức mày mò, cả những giọt mồ hôi, nước mắt của họ để kịch đến gần với khán giả rộng nhất có thể”.

NSƯT Nguyễn Ngọc Thư (Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội)