Đầu Xuân, chụp ảnh 3D
(ANTĐ) - Thế giới đã quá quen thuộc với ảnh 3D hay còn gọi là ảnh nổi, khi ảnh ba chiều ảo được giấu dưới cấu trúc nền tạo nên trò chơi xem tranh ảnh trừu tượng như ảnh lật (Flip), ảnh biến hình (Morphing) vào những năm 1990, nhưng hạn chế của loại ảnh này là người chơi phải tập luyện nhiều mới quan sát được ảnh.
Gần đây, một số ảnh Hologram dựng trên không gian ảo 3D ghi các mẫu giao thoa bằng laser lên một môi trường nhạy quang giúp người xem không cần kính mà vẫn thấy nổi, tuy nhiên do ảnh động (trực tiếp hay gián tiếp) tính hình khối hay hiệu ứng bóng đổ dẫn đến màu sắc kém nên việc xem ảnh sắc nét vẫn rất khó khăn. ở Việt Nam, công nghệ 3D được biết tới trong các games, phim ảnh chứ chưa ai biết đến một công nghệ mới - chụp ảnh 3D. ảnh 3D nếu được hiểu đầy đủ và toàn vẹn.
TS Phạm Hồng Dương, Viện khoa học Vật liệu, Viện KH&CN Việt Nam, nó phải tuân theo quy luật của sinh lý thị giác, là thế giới quan stereo đem lại cảm giác đắm chìm của chủ thể quan sát vào trong đối tượng quan sát. Do đó những hình ảnh không gian đa chiều trước đây, chỉ được coi là ảnh 2D bởi ảnh được cắt lớp giả 3D bằng cách đặt 2-5 lớp ảnh phẳng bẹt chồng lên nhau.
ảnh 3D thực chất là ảnh tích hợp chứa lượng thông tin gấp 10-20 lần một bức ảnh thông thường. Khi nhìn vào một bức ảnh 3D được in ra và treo trên tường tại Gallerry 32 Điện Biên Phủ, tôi khá bất ngờ khi từng đối tượng của cảnh vật có chiều sâu hơn, ấn tượng, sắc nét và đẹp hơn, cho cảm giác thật hơn so với các loại ảnh ba chiều trước đây.
TS Phạm Hồng Dương trưởng nhóm nghiên cứu ảnh 3D cho biết: ảnh 3D là sự kết hợp đỉnh cao của vật lý quang học chính xác và công nghệ xử lý hình ảnh số hóa dựa theo nguyên lý vi thấu kính đã xuất hiện từ rất lâu song nó chỉ bắt đầu với sự ra đời của máy ảnh KTS cùng những bộ vi xử lý cực mạnh (dùng cho việc mã hóa tích hợp).
Những thành tựu của công nghệ in ấn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ra đời những tấm ảnh 3D tích hợp dùng vi thấu kính đầu tiên. Đặc biệt, studio của nhóm nghiên cứu là studio đầu tiên của Việt Nam và trên thế giới chụp ảnh người bằng công nghệ 3D. Vậy chụp ảnh 3D là như thế nào? TS Dương thông tin:
Chụp ảnh 3D sử dụng máy ảnh KTS chụp đồng thời 15-30 ảnh theo một quy trình chụp đặc biệt nhằm lấy được đầy đủ ba chiều không gian của sự vật rồi tích hợp 20-30 ảnh bằng công nghệ hiện đại của CoopLab 3D và ảnh in ra được dán lên bề mặt một lớp mạng vi thấu kính mỏng. Do đặc tính phân quang của tấm vi thấu kính, ở bất cứ góc quan sát nào, mắt trái và mắt phải của ta cũng nhận được 2 ảnh độc lập trong số 20-30 ảnh ở trên, và nhờ hiệu ứng chập ảnh của sinh lý thị giác gây ra ấn tượng lập thể, người ta nhìn ra ảnh 3D.
Khác với điện ảnh 3D, ảnh nổi 3D không cần phải dùng kính hay bất cứ thủ thuật trợ giúp nào cũng có thể dễ dàng cảm nhận được không gian ba chiều của tấm ảnh. Tuy nhiên, do công nghệ hiện đại ảnh 3D khá đắt, 1 máy ảnh chụp ảnh 3D giá khoảng 5.000 USD, phần mềm thực hiện ảnh cùng hệ thống máy móc cũng lên đến 50.000 USD nên nhiều công ty quan tâm đến ảnh 3D chỉ dám “ghép ảnh”, “chồng ảnh” trên photoshop và hoàn toàn trông chờ vào khả năng điêu luyện chỉnh sửa của kỹ thuật viên.
Anh Nguyễn Lâm Hùng, nhân viên Công ty Cổ phần Kỹ thuật mới nhận xét, công nghệ giải mã các lớp ảnh bằng chính các ứng dụng của photoshop buộc phải cắt, ghép tỷ mỷ đến từng sợi tóc, phải mất 3-5 ngày, có khi cả tuần... Vì thế giá thành một bức ảnh 3D kích thước 13x15cm giá 250.000 đồng, kích thước 80cm x 110cm giá lên đến 4,5 triệu đồng. Nếu sử dụng công nghệ mới của thế giới, thời gian chỉ mất 30 phút song giá thành rất cao, khoảng 350.000 đồng/ảnh.
Đương nhiên bức ảnh đường nét mềm mại, sắc nét hơn, các sợi quang ở tấm vi thấu kính cũng tạo cảm giác chân thật hơn khi sự chập ảnh giữa mắt phải và mắt trái tự nhiên hơn, ảnh sâu hun hút, cảnh gần như bay ra khỏi bề mặt ảnh và không gây cảm giác mỏi mệt, lóa, hình ảnh không nhòe và mờ... Anh Lê Nhật Thành, Công ty Kado Digital nhận xét, công nghệ ảnh 3D ở Việt Nam năm 2009 sẽ thành “mốt” bởi khả năng dàn dựng, phối cảnh nền cho bức ảnh rất đẹp. Bạn có thể chụp ảnh dưới chân Nữ thần Tự do, Nhà hát Opera ở Sydney hay đến tháp Eiffel ở Paris mà chẳng cần phải đến những nơi ấy.
Bên cạnh đó, một tấm chân dung đẹp, ảnh sâu, đẹp vĩnh cửu và có thể nhìn được dưới không gian ba chiều chắc chắn sẽ tạo nên một hình ảnh lãng mạn và đầy ý nghĩa cho các bạn trẻ trong Xuân mới, nhất là dịp Valentine sắp tới. Những địa chỉ bạn có thể tham khảo chụp ảnh 3D tại 32 Điện Biên Phủ, 40 Lê Văn Hưu, phòng 222 nhà A2, Viện Khoa học Vật liệu, 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Bảo Lâm