Xung quanh tranh chấp bản quyền vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam:

Đạo diễn Việt Tú: "Tôi sẵn sàng nộp 5kg hồ sơ tư liệu trước tòa"

ANTD.VN - Chiều ngày 9-8 tại Hà Nội, đạo diễn Việt Tú đã có cuộc gặp gỡ báo giới để chia sẻ những lùm xùm về sự việc tranh chấp liên quan đến quyền tác giả giữa anh và chủ đầu tư vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.

Buổi gặp gỡ có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: TS Nguyễn Thị Minh Thái, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, bình luận viên Anh Ngọc...Đạo diễn Việt Tú khẳng định ngay từ đầu, anh không định tổ chức buổi gặp gỡ để “cãi qua cãi lại” những câu chuyện tranh cãi trong thời gian vừa qua, mà để chỉ rõ việc “Ngày xưa” (hay còn có tên gọi khác là “Thuở ấy xứ Đoài) - vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do anh làm đạo diễn đã bị vi phạm bản quyền.

Cùng với đó, đạo diễn Việt Tú cho rằng, chủ đầu tư vở diễn này đã vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, yêu cầu đơn vị này thanh toán nốt số tiền nợ còn lại cho anh cùng một số nhà cung cấp tham gia vào dự án và bồi thường thiệt hại phát sinh.

Đạo diễn Việt Tú: "Tôi sẵn sàng nộp 5kg hồ sơ tư liệu trước tòa" ảnh 1

Tháng 6-2017, Việt Tú không giấu được vui mừng khi vở diễn thực cảnh đầu tiên do anh làm đạo diễn sau gần 2 năm ấp ủ và dàn dựng đã có buổi tổng duyệt đầu tiên tại Sài Sơn, chùa Thầy. Buổi tổng duyệt có sự tham gia của nhiều khách mời, trong đó có báo giới và chủ đầu tư của dự án này – người đứng đầu công ty TCHN. Dù mới chỉ tổng duyệt song vở diễn đã gây sự chú ý lớn và nhận về “cơn mưa” lời ngợi khen. Tác phẩm này sau đó cũng đã được chủ đầu tư mở bán vé và công diễn một số buổi trước khi đột ngột tạm dừng.

4 tháng sau, vào cuối tháng 10-2017, công ty TCHN bất ngờ tổ chức cuộc họp báo công bố sự ra mắt của sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa Bắc Bộ” do một đạo diễn khác dàn dựng – đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Không gian sân khấu nơi diễn ra vở diễn này và vở diễn “Ngày xưa” là một. Lý giải về sự thay đổi này, phía chủ đầu tư cho biết, do vở diễn của Việt Tú không chạm được đến trái tim người xem nên đơn vị này đã quyết định thay thế bằng kịch bản khác.

 “Lấy cảm hứng không hề nhẹ”?

Đạo diễn Việt Tú: "Tôi sẵn sàng nộp 5kg hồ sơ tư liệu trước tòa" ảnh 2

Đạo diễn Việt Tú

Ồn ào xung quanh sự thay đổi này xảy ra khi đạo diễn Việt Tú cho rằng, vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” đã sao chép toàn bộ ý tưởng, bối cảnh từ “Ngày xưa”. Để minh chứng cho điều này, đạo diễn Việt Tú đã cất công thu thập tài liệu, đưa ra một số so sánh cho thấy sự giống nhau khó tin giữa hai vở diễn.

Cụ thể, vị đạo diễn này đã chỉ ra một số dẫn chứng như: nhóm trẻ học tiểu học ở Sài Sơn cùng 140 người nông dân do chính anh tuyển và huấn luyện để diễn trong “Ngày xưa” được đưa vào vở “Tinh hoa Bắc Bộ” với cấu trúc y hệt. Đạo diễn Việt Tú cũng cho rằng, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã sao chép vô số tổ hợp động tác lẫn cả cách bố trí đội hình trên sân khấu mà anh từng dựng cho vở “Ngày xưa”. Thậm chí, nhiều phục trang, đạo cụ, đường diễn, cách đi lại, di chuyển…đến thiết kế sân khấu, cảnh trí, sơ đồ ánh sáng được êkip của Việt Tú  sáng tạo riêng cho “Ngày xưa” cũng được “bê” vào “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Đạo diễn Việt Tú quả quyết, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã lấy cảm hứng không hề nhẹ từ vở thực cảnh đầu tiên mà anh dàn dựng trước đó. Ví dụ như: phân đoạn “Vinh quy bái Tổ” trong “Ngày xưa” được “lái” thành “Hành trình đạo học” trong ‘Tinh hoa Bắc Bộ”, đại loại là sau khi học xong thì về cũng “vinh quy bái Tổ”. Hay như cảnh dân làng hướng về núi Thầy để lạy tạ trời đất sau một mùa màng bội thu cũng được bê vào phân đoạn cuối của ‘Tinh hoa Bắc Bộ” một cách khéo léo như lời đạo diễn Việt Tú: “không quỳ thì ngồi, đỏ thành xanh, chỉ khác ánh sáng”.

Một cảnh trong vở diễn "Ngày xưa" (còn gọi là "Thuở ấy xứ Đoài")

Đặc biệt, đạo diễn Việt Tú chia sẻ, toàn bộ phần múa rối nước mà êkip bên anh dàn dựng, cộng thêm cả bản quyền âm nhạc cũng bị êkip dựng “Tinh hoa Bắc Bộ” tự ý sử dụng. Theo đó, để có bản phối ưng ý sử dụng trong “Ngày xưa”, anh đã ngỏ lời với phía Nhà hát múa rối Thăng Long và được chấp thuận.

“Nhà hát múa rối Thăng Long chỉ cho tôi dùng nhạc này trong vở ‘Ngày xưa’, tuy nhiên sau đó không hiểu sao ‘Tinh hoa Bắc Bộ’ lại tự ý sử dụng bản phối này” – đạo diễn Việt Tú bức xúc bày tỏ thắc mắc.

Không dừng lại ở đó, đạo diễn Việt Tú quả quyết, một trong những điểm ấn tượng nhất, đặc trưng nhất của “Ngày xưa” là nhà thủy đình nổi lên nổi xuống cũng được sử dụng trong “Tinh hoa Bắc Bộ” nhưng thêm thắt, cải biến ở phần mái.

Đạo diễn Việt Tú cũng cho rằng phía chủ đầu tư đã không minh bạch khi dùng hình ảnh và trailer của vở “Ngày xưa” để quảng bá và bán vé cho vở “Tinh hoa Bắc Bộ” trong suốt 1 tháng đầu tiên kể từ khi vở diễn của đạo diễn Hoàng Nhật Nam chính thức được “khai sinh”.

“Nhiều người thân của tôi ở trong và ngoài nước mua vé xem vì tưởng đấy là đi xem vở thực cảnh mà tôi dàn dựng” –  đạo diễn Việt Tú nói thêm.

Lần tìm chứng cứ từ “livestream”

Chia sẻ về những chứng cứ mà mình cất công thu thập liên quan đến sự việc tranh chấp trên, đạo diễn Việt Tú cho biết, anh sẵn sàng cung cấp 5kg hồ sơ tư liệu tại tòa.

Nhà thủy đình trong vở "Tinh hoa Bắc Bộ" bị "tố" là sao chép ý tưởng từ vở "Ngày xưa"

Cũng theo vị đạo diễn này, với tư cách tác giả và nhà sản xuất, anh đã bàn giao vở “Ngày xưa” cho nhà đầu tư – công ty TCHN. Hiện anh không lưu giữ video gốc của vở “Ngày xưa”, còn phía chủ đầu tư khi dựng mới và mở bán vé “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng không cho bất kỳ ai vào xem quay clip nên để có được sự so sánh như trên giữa hai vở, anh và các cộng sự của mình đã phải rất vất vả.

“Tôi chỉ là nghệ sĩ, tôi phải làm gì để vừa đúng pháp luật, vừa tung ra được bằng chứng, vừa bảo vệ được quyền lợi của mình khi ngay từ đầu TCHN đã không chịu cung cấp video vở ‘Ngày xưa’ ra tòa vì họ nói rằng đã…làm mất?” – đạo diễn Việt Tú.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, ngay cả khi hai bên đưa nhau ra tòa và tòa yêu cầu phía công ty TCHN cung cấp video của 2 vở diễn trên để xem xét song đến thời điểm này, phía TCHN vẫn chưa thực hiện. Tuy nhiên, trong một buổi trình diễn của “Tinh hoa Bắc Bộ”, một khán giả đã livestream trên mạng xã hội, phía Việt Tú tình cờ biết được và trích ra các hình ảnh trong đoạn livestream này để làm tư liệu so sánh với vở “Ngày xưa”.

Khi được hỏi về giá trị pháp lý của những tư liệu hình ảnh trích ra từ livestream trên, vị luật sư đại diện pháp lý cho phía Việt Tú cho biết, việc sử dụng hình ảnh livestream đó từ nguồn công khai nên hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, khi ra tòa, chứng cứ đó có được xem là hợp pháp hay không thì còn tùy thuộc vào phán quyết của tòa. Còn đạo diễn Việt Tú thừa nhận, kể cả trong trường hợp buộc phải chấp nhận rủi ro về mặt pháp lý thì anh cũng chấp nhận. Vị đạo diễn này khẳng định livestream trên được chia sẻ công khai trên mạng xã hội, phía anh hoàn toàn tình cờ tiếp cận và không hề quay trộm.

Rắc rối xung quanh vấn đề bản quyền kịch bản văn học

Tranh chấp giữa đạo diễn Việt Tú và chủ đầu tư TCHN còn liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn “Ngày xưa”. Theo đó, phía TCHN cho rằng đạo diễn Việt Tú đã vi phạm nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, cụ thể là đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của TCHN như tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn “Ngày xưa”.

Một cảnh trong vở  diễn do Việt Tú dàn dựng

Liên quan đến vấn đề này, đại diện pháp lý của phía Việt Tú cho biết, trước khi xảy ra tranh chấp, phía Việt Tú đã nhiều lần  gửi thư điện tử (email) đến công ty TCHN để mời đơn vị này hợp tác đăng ký quyền tác giả, trong đó TCHN được mời đứng tên chủ sở hữu tác phẩm, còn quyền tác giả thuộc về phía Việt Tú. Tuy nhiên tất cả các email này đều không được trả lời. Trong bối cảnh đó, anh buộc phải đăng ký quyền sở hữu tác giả.

"Trong mọi trường hợp quyền sở hữu tác giả vở đối với vở 'Ngày xưa' chắc chắn là của tôi. Nếu chủ đầu tư trả đầy đủ tiền như cam kết thì tôi sẽ trao cho họ cái quyền đó" - đạo diễn Việt Tú.

Cũng theo luật sư của đạo diễn Việt Tú, việc TCHN tuyên bố quyền chủ sở hữu đối với vở “Ngày xưa” vì cho rằng kịch bản vở diễn này được phía Việt Tú sáng tạo theo hợp đồng là không có căn cứ. Sở dĩ vậy bởi vở “Ngày xưa” được đạo diễn Việt Tú “thai nghén” và tạo ra trước thời điểm công ty DS do anh đứng đầu ký kết hợp đồng với TCHN chứ không phải là sản phẩm sáng tạo sau bản hợp đồng trên.

Theo luật bảo hộ quyền tác giả trên toàn thế giới thì quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được định hình ở một dạng vật chất nhất định và được bảo hộ trọn đời, chỉ duy nhất quyền sở hữu là có thể chuyển giao. Và phía Việt Tú chỉ đồng ý xem xét việc chuyển giao lại quyền sở hữu kịch bản vở “Ngày xưa” cho TCHN khi đơn vị này hoàn tất các nghĩa vụ tài chính cho công ty DS bao gồm: thanh toán nốt số tiền còn nợ và bồi thường thiệt hại phát sinh. Tổng số tiền mà phía Việt Tú yêu cầu TCHN chi trả là hơn 7 tỷ đồng.

Về vấn đề phía đạo diễn Việt Tú đề nghị Cục Bản quyền hủy giấy chứng nhận quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" mà đạo diễn Hoàng Nhật Nam đăng ký, được biết Cục bản quyền đã bác bỏ đề nghị này vì "không có căn cứ để hủy giấy chứng nhận". Tuy nhiên, đại diện pháp lý của đạo diễn Việt Tú cho biết, phía công ty DS đã trình bày đủ căn cứ, phân biệt lớp lang kịch bản này xâm phạm kịch bản kia thế nào, vở diễn này xâm phạm vở diễn kia ra sao. 

Nói về mục đích theo đuổi vụ kiện trên, đạo diễn Việt Tú cho biết, anh muốn TCHN thừa nhận "Tinh hoa Bắc Bộ" là một sản phẩm được xây dựng, kế thừa dựa trên nền tảng đã có trước đó của vở "Ngày xưa", trả lại tên sáng tạo cho anh. Vị đạo diễn khẳng định, anh làm điều này không chỉ cho riêng mình mà vì một nền công nghiệp giải trí tử tế, ở đó nghệ sĩ được tôn trọng bản quyền.