Đạo diễn VICTOR VŨ: "Mắt biếc" giúp khán giả hoài niệm những ký ức trong lành

ANTD.VN - Đạo diễn phim “Mắt biếc” (chiếu rạp từ 19-12-2019) Victor Vũ tin tưởng tác phẩm điện ảnh mới nhất của anh “rất gần gũi và dễ đồng cảm”, giúp khán giả hoài niệm những ký ức thời thanh xuân trong lành.

 - Phóng viên: Với “Mắt Biếc”, anh tuyển chọn diễn viên trẻ chứ không chọn ngôi sao nổi tiếng. Anh có tin sự lựa chọn của mình là đúng?

- Đạo diễn Victor Vũ: Tôi tự tin với sự lựa chọn của mình. Thật ra ở “Mắt biếc” hay tất cả những dự án khác, Victor tin là khi một diễn viên hợp vai thì sẽ tỏa sáng và điều này không liên quan đến việc họ trước đó đã là ngôi sao nổi tiếng hay chưa. Trong trường hợp “Mắt biếc”, tôi rất muốn tìm những gương mặt mới, vì thật ra các nhân vật chính trong truyện vốn đã ăn sâu trong ký ức của rất nhiều người. Đây là những “nhân vật kinh điển” và Victor nghĩ mỗi khán giả sẽ hình dung nhân vật theo trí tưởng tượng riêng của họ, nên tôi không muốn diễn viên quá quen thuộc. 

Tôi lo người xem sẽ bị chi phối, thậm chí có những định kiến nhân vật chỉ vì do diễn viên hay ngôi sao quen thuộc thủ vai. Tôi muốn khi khán giả xem phim, họ sẽ tập trung vào cảm xúc, diễn xuất và tình cảm giữa các nhân vật hơn là chuyện nhân vật đó do ai đóng? Là người nổi tiếng hay ngôi sao điện ảnh?

 “Mắt biếc” là một tác phẩm vượt thời gian. Công chúng ở bất cứ thời nào cũng có thể đọc, xem và cảm nhận được.  

Đạo diễn Victor Vũ

Nên việc tuyển diễn viên có thể nói là một trong những thử thách lớn nhất khi làm phim “Mắt biếc”. Sau một thời gian rất dài, Victor đã tìm được một số diễn viên mà - riêng Victor cảm thấy thôi - những vai diễn trong “Mắt biếc” này là dành cho họ, thuộc về họ. Điều mà Victor cảm thấy rất hạnh phúc là khi làm việc với các bạn, các bạn mang cho bộ phim và những nhân vật một đời sống riêng và nét đặc biệt trên màn ảnh mà có thể khi đọc truyện bạn đọc sẽ không thấy. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị cho người xem phim!

- Giữa truyện dài Mắt biếc mà nhiều người đã đọc và yêu thích thì việc chuyển thể kịch bản diễn ra như thế nào?

- Đây là một điều mà Victor luôn cảm thấy đau đầu trong quá trình viết kịch bản cùng A-Type Machine. Vì bởi những gì mình đọc trong truyện có khi sẽ không diễn đạt được qua hình ảnh. Tác phẩm văn học thiên về trí tưởng tượng và cảm xúc của người đọc, còn phim ảnh thì thiên về hình ảnh, âm thanh nên mọi người sẽ có những cảm nhận khác nhau khi họ nhìn một hình ảnh hay nghe một âm thanh nào đó.

Điều quan trọng trong việc chuyển thể kịch bản “Mắt biếc” là cố gắng giữ tinh thần, chủ đề, thông điệp của tác phẩm gốc, song đương nhiên biên kịch phải tìm một hướng đi, một cách kể chuyện chứa đầy chất liệu hình ảnh hơn để lôi cuốn và hấp dẫn khán giả xem phim, nhất là những ai chưa đọc qua truyện. Khán giả có thể thưởng thức một bộ phim “Mắt biếc” và vẫn cảm được tinh thần của tác phẩm gốc cho dù họ chưa từng đọc sách.

-  Chuyện tình giữa 2 nhân vật Ngạn và Hà Lan trong “Mắt biếc” đã diễn ra ở bối cảnh nhiều thập niên trước. Victor có tin rằng là câu chuyện tình đó, những nhân vật đó vẫn phù hợp với thời đại hiện nay không?

- “Mắt biếc” được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết và phát hành năm 1990, được xem là tác phẩm hay nhất và buồn nhất của ông, và đây cũng là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mà tôi yêu thích nhất. Victor có thể nói chắc chắn là câu chuyện “Mắt biếc” đó, những nhân vật chính như Ngạn, Hà Lan, Dũng, Trà Long vẫn gần gũi với thế hệ hôm nay. “Mắt biếc” có thể gọi là một tác phẩm vượt thời gian, tiếng Anh gọi là “Timeless”. Những chuyện xảy ra trong “Mắt biếc” công chúng ở bất cứ thời nào cũng có thể đọc, xem và cảm nhận được. Đây là một câu chuyện rất gần gũi và dễ đồng cảm. Khán giả xem phim sẽ hoài niệm về những ký ức thời thanh xuân trong lành, tình yêu đầu “một thời cứ ngỡ một đời”... 

- “Mắt biếc” có rất nhiều chi tiết lãng mạn, cả “yêu đơn phương” ở tuổi học trò. Victor nghĩ như thế nào về sự lãng mạn trong tình yêu, liệu nó có lạc hậu so với thời hiện đại bây giờ hay không?

- Victor nghĩ là ở thời điểm nào, mọi người cũng khao khát sự lãng mạn. Tôi tin “Mắt biếc” là một sự nhắc nhở với mọi người rằng, ở bất cứ thời điểm nào, một tình yêu vô điều kiện, cao cả như vậy có thể tồn tại phi thời gian. Victor nghĩ, đa số chúng ta ai cũng thích sự lãng mạn, và Victor cũng muốn mình lãng mạn hơn. Tôi tin các bạn trẻ ngày nay sẽ đồng cảm được những gì đẹp đẽ về tình yêu trong câu chuyện “Mắt biếc” - dẫu vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ.

- Sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, lần này điều gì là áp lực nhất của Victor khi tiếp tục chuyển thể tác phẩm văn học Nguyễn Nhật Ánh thành phim?

- Áp lực lần này là rất lớn. Áp lực không chỉ lớn hơn mà còn rất khác với lần trước. Lần thứ hai chuyển thể một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, điều mà Victor rất không muốn có sự so sánh hơn thua giữa “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với “Mắt biếc”. Bản chất 2 câu chuyện rất khác nhau và hướng đi của 2 bộ phim cũng khác. Victor rất muốn “Mắt biếc” có một nét riêng, mang những cảm xúc chân thật cho người xem. Điều này dẫn đến áp lực “từ A đến Z”, từ diễn viên, bối cảnh quay, thiết kế… mọi thứ phải thật phong phú. Thời gian chuẩn bị cho dự án “Mắt biếc” cũng nhiều hơn và kéo dài hơn so với phim trước.

- Rất nhiều khán giả thích các khung hình, bối cảnh đẹp như tranh vẽ trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trước đây lẫn “Mắt biếc” mà Victor đã chọn được để đưa vào phim…

- Điện ảnh là một lĩnh vực rất khác với văn học. Đối với điện ảnh, hình ảnh là tiêu chí cực kỳ quan trọng. Trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, cái đẹp mà Victor muốn tạo nên là cái nhìn qua ánh mắt của trẻ em. Thế giới qua mắt trẻ em rất đẹp, rất thơ mộng. Còn trong “Mắt biếc”, tình yêu của Ngạn với Hà Lan cũng rất đẹp, bầu trời tuổi thơ của họ trong lành như một giấc mơ ở vùng quê yên bình. Khi lên thành phố, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi.

Thật ra trong phim “Mắt biếc”, những ký ức của Ngạn về tuổi thơ và những gì đang xảy ra trước mắt khi tình yêu của Ngạn và Hà Lan không còn trọn vẹn nữa thì “tông” màu của phim cũng bắt đầu chuyển đổi. Nhưng Victor đã nói, “Mắt biếc” là một bộ phim gợi lại những hình ảnh hoài niệm thời xưa và tôi tin là đối với rất nhiều người, những ký ức đó vẫn còn rất đẹp, rất thơ. Thế nên Victor muốn cố gắng giữ được hình ảnh thơ mộng đó xuyên suốt bộ phim.

Dù tông màu phim có mang hướng hoài cổ, cổ điển một chút nhưng Victor cũng không muốn tô đậm màu hoài cổ này. Câu chuyện xảy ra trong quá khứ nhưng không nhất thiết phải ép một màu nào đó để thể hiện sự hoài cổ. Kỳ thực tôi muốn “Mắt biếc” là một bộ phim có câu chuyện thật gần gũi để mọi người dễ đồng cảm được.

- Liệu có những bất ngờ lớn giữa phim “Mắt biếc” so với truyện hay không?

- Nhìn chung, về tinh thần của bộ phim thì chắc chắn không khác. Song cũng có một điều chắc chắn khác là phim sẽ có một số tình tiết mới. Đầu tiên là phong cách kể chuyện, nó sẽ hơi khác so với tác phẩm văn học. Theo tác phẩm văn học, mọi thứ diễn ra rất là trình tự. Còn phim thì lấy bối cảnh chính là khi Ngạn và Hà Lan đã vào học cấp 3 rồi, nên câu chuyện phần nhiều sẽ được xây dựng tập trung vào thời gian đó. Và phim cũng thêm 1-2 nhân vật phụ nữa để tôn vinh chủ đề về tình yêu, đồng thời đẩy mạnh những mâu thuẫn trong cuộc sống của nhân vật Ngạn.