Đạo diễn Sỹ Tiến sử dụng hình ảnh của trí tuệ nhân tạo, dựng kịch Lưu Quang Vũ

ANTD.VN - Ở vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, đạo diễn Sỹ Tiến đã sử dụng hình ảnh của trí tuệ nhân tạo là những con rô bốt, để thể hiện ý tưởng nhất quán của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đó là niềm tin vào cái đẹp luôn hiện hữu trong mỗi con người, trong mỗi hoàn cảnh. 

Diễn giải khả năng dự báo vượt thời đại của Lưu Quang Vũ

Vở kịch nói “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” vừa được Nhà hát Tuổi trẻ “trình làng” vào tối ngày 13-1. Đây là lần thứ 3 kịch bản “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được dàn dựng trên sân khấu. Nhưng khác với hai lần dàn dựng trước đây của đạo diễn Đình Nghi và Đỗ Kỷ, đạo diễn Sỹ Tiến đã sử dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 - trí tuệ nhân tạo để diễn giải tính dự báo vượt thời đại của nhà viết kịch tài hoa. 

Đạo diễn Sỹ Tiến chia sẻ: “Nếu ai đã từng đọc kịch bản Lưu Quang Vũ viết, sẽ thấy nhiều yếu tố liên quan đến thời kỳ bao cấp. Nhưng khi dựng vở, tôi không muốn kể lại câu chuyện đã cũ, ôn lại quá khứ cách đây 30 năm. Tôi muốn tìm ra cách dựng mới, gần với giới trẻ. Tính dự đoán của Lưu Quang Vũ về cách mạng công nghệ 4.0 là có, chúng tôi chỉ phát triển ý tưởng của ông lên một tầm cao mới”.  

Vở kịch rất đời bởi khán giả có thể ngửi thấy mùi sắt cháy ngay khi xem kịch

Được viết bởi cố tác giả Lưu Quang Vũ, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” mang tính chất một vở hài kịch nhẹ nhàng và là vở diễn mang yếu tố giả tưởng duy nhất của ông. Kỹ sư Lê Hoàng vốn chỉ quen sống với những ý tưởng và khát khao về sự hoàn thiện tuyệt đối. Từ lâu anh đã mong muốn chế tạo ra hai robot mang dáng dấp và hình bóng những con người lý tưởng của tình yêu và nghệ thuật. Mong muốn ấy cũng tới lúc trở thành hiện thực. Thế nhưng, khi hai robot dưới hình dạng những người bạn thân nhất của Lê Hoàng bước vào cuộc sống thường nhật với những dáng hình muôn mầu muôn vẻ của nó, bao cảnh dở khóc dở cười đã xảy ra.

Kịch bản là vậy nhưng khi dựng vở, Sỹ Tiến đã nhấn mạnh đến cuộc sống của con người bị ảnh hưởng với sự xuất hiện của các rô bốt. Đó là góc nhìn riêng của anh khi khai thác kịch bản “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Lưu Quang Vũ và được đạo diễn đưa vào vở nhiều yếu tố đương đại. Do vậy, trang trí sân khấu của vở là những đường nét ngang dọc, tạo cảm giác khô cứng. Các diễn viên vào vai trong khung cảnh ấy sẽ làm khán giả cảm nhận đó là những cỗ máy thực sự. Người xem đã ghi nhận sự sáng tạo của đạo diễn Sỹ Tiến khi anh biết cách làm mới một kịch bản đã cũ.

Tác phẩm cần đẩy yếu tố "hoa cúc xanh" lên cao hơn

Theo đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam: “Cách dựng vở của anh Sỹ Tiến đã đưa tác phẩm bay lên khỏi sàn diễn. Đạo diễn đã đưa vào vở nhiều thủ pháp mới. Ngồi xem ở đây, tôi đã ngửi thấy mùi sắt cháy do máy cắt tạo nên, rồi những tia sáng lóe lên trong thí nghiệm của nhà khoa học, rõ ràng, vở diễn rất đời. Nhưng tôi có suy nghĩ, liệu thời của Lưu Quang Vũ có "hoa cúc xanh"? Và vở diễn rõ ràng đã có đầm lầy - hiện thực nghiệt ngã nhưng yếu tố "hoa cúc xanh" - đại diện cho cái đẹp cần được đẩy cao hơn nữa”.  

Đạo diễn Sỹ Tiến đã trả lời cho những thắc mắc của NSND Lê Tiến Thọ. Anh cho biết: “Trong quá trình viết, Lưu Quang Vũ đã định vị rất chính xác vị trí của" hoa cúc xanh" và "đầm lầy". "Hoa cúc xanh" là những mơ ước, những mơ ước ấy có thể không đạt đến, "đầm lầy" là thực tế, thực tế có thể phũ phàng, nếu không biết đi, chúng ta có thể chết. Nhưng câu chuyện này, tôi và ê kíp muốn làm giản đơn hơn. Cái đẹp luôn xuất hiện trong cuộc sống, có thể là đầm lầy, có thể là hoa cúc xanh”.

Với một vở diễn có cảm tưởng như khô cứng với người máy đi lại cứng nhắc trên sân khấu, tiếng cười là những điều không thể thiếu. Dù phá cách đến ngần nào yếu tố giả tưởng mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã bày ra, thì phần gây cười, đạo diễn Sỹ Tiến đã giữ gần như nguyên gốc. Anh lý giải: “Bởi tác giả là người vô cùng hài hước. Vở kịch nào cũng có nét hài hước như thế. Ngoài tư tưởng, đạo đức, ông luôn có cách viết để khán giả giãn ra. Tôi trung thành với cách viết của tác giả”.

Dù cố gắng giữ hồn cốt của tác phẩm, nhưng theo NSƯT Tố Uyên, người vợ đầu của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Khi anh muốn chạm đến cái đẹp, anh phải hy sinh. Trong lần dàn dựng đầu tiên, thầy Đình Nghi đã tạo ra điều đó rất rõ. Hai nhân vật chính đã gặp nhau trên đầm lầy vào phần cuối của vở kịch. Họ đã chết dần, chết dần trong đầm lầy. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong khán giả là những bàn tay giơ lên. Vở anh Sỹ Tiến dựng chưa nói được "hoa cúc xanh" là cái đẹp trong mỗi con người, nếu đạo diễn chú ý, bớt những đoạn gây cười, tác phẩm sẽ đọng được ý tưởng chính. Cái cốt lõi vẫn là "hoa cúc xanh"”.