Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: “Giải mật” về bộ phim đầu tay!

ANTĐ - Xin hãy tin em ra đời năm 1997, dài 3 tập, được đạo diễn Đỗ Thanh Hải chọn chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Ít ai biết rằng câu chuyện này cũng từng được anh dựng thành bài tập ngắn thời sinh viên. Song với anh đó vẫn là thách thức lớn bởi bộ phim đầu tay, lại làm việc với một ê kíp trẻ mới chân ướt chân ráo ra trường, cộng thêm dàn viễn viên không chuyên. Khó nữa bản thân vốn sống quá ít, làm sao thể hiện cho ra chất sinh viên.

Làm việc với dàn diễn viên (lúc bấy giờ)…chưa chuyên, Đỗ Thanh Hải đã học được nhiều điều thú vị!


Khóc cười với diễn viên không chuyên

Phản ánh về cuộc sống học sinh - sinh viên, hầu hết diễn ra trong ký túc xá, nơi mà chàng trai Hà Nội - Đỗ Thanh Hải thỉnh thoảng ghé thăm bạn bè chứ không được trải nghiệm. Trong chuyến thực tế qua ký túc xá trường Đại học Ngoại ngữ, Đỗ Thanh Hải đã tìm ra địa điểm làm bối cảnh quay cho bộ phim dù ở đó, quá chật hẹp, quá ít đất để thể hiện những cảnh quay đẹp. Để tạo được không khí, đoàn làm phim cũng mời rất nhiều sinh viên ở ngay tại ký túc xá tham gia. Trong đó, rất nhiều bạn vì yêu thích nên không cần được mời cũng xung phong. Và chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cũng như thú vị cho đoàn làm phim.

Lúc đầu, các bạn sinh viên rất hào hứng vì được tham gia làm phim về chính cuộc sống của mình, họ cho mượn phòng kèm theo nụ cười: “Các anh muốn quay đến khi nào cũng được!”. Nhưng chỉ dăm ba hôm, khi mà giờ giấc, sinh hoạt, đồ đạc của các bạn bị đảo lộn theo nội dung kịch bản phim thì mọi sự lại đổi khác. Sự căng thẳng xảy ra giữa hai bên khi không có sự giao hẹn trước. Ban đầu, nhiều sinh viên nhiệt tình tham gia diễn xuất, nhưng chỉ được một hai cảnh đầu, đến cảnh thứ ba thì lại bỗng dưng… biến mất, báo hại đoàn làm phim phải quay lại từ đầu.

Bên cạnh những rắc rối thì cũng có nhiều thuận lợi khi làm chung với sinh viên. Những ai đã từng xem Xin hãy tin em chắc hẳn không thể nào quên hình ảnh những chiếc xô dòng dây thả từ từ xuống tầng một mua đồ ăn. Những cảnh quen thuộc mà bất kỳ những sinh viên nào ở KTX cũng nhớ như tranh nhau từng xô nước, nấu cơm trong phòng bị quản trị KTX mắng mỏ, tổ chức sinh nhật, ăn trộm chuối giấu ở nhà vệ sinh nữ... Hóa ra những cảnh quay này đều do sinh viên tư vấn chứ làm gì có trong kịch bản cũng như trong suy nghĩ ban đầu của đạo diễn. Có bạn còn hăng hái nhẩy vào thay cả đạo diễn để… chỉ đạo diễn xuất!


Và những điều ít biết…

Một điều ít ai biết nữa, đó là bài hát nhạc phim mà nhạc sĩ Xuân Phương sáng tác, nhóm tam ca 3A vào phòng thu âm say sưa hát nhưng không biết bài đó sẽ dùng cho bộ phim nào, vậy mà đã chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả. Họ gửi thư về với mong muốn có phần hai, họ đóng góp cho phần kết phim và bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” cho đến giờ vẫn mãi là giai điệu vang vọng trong những phút chia tay rời xa mái trường.

Có một chuyện làm Đỗ Thanh Hải đến giờ vẫn nhớ mãi, đó là chuyện về diễn viên Thanh Giang, người Quảng Ninh, lúc đó là sinh viên Đại học Văn hoá. Sau phim đó thì Thanh Giang cũng tham gia bộ phim Của để dành của anh (trong vai Lài). Một năm sau, Giang gọi điện, khóc và tâm sự là không theo được nghề, đang làm thực tập bán hàng ở Hà Nội với mong muốn trụ lại ở đây. Cũng một năm sau, lại là Giang, với giọng vui vẻ thông báo đã về Quảng Ninh, sẽ tìm việc và làm ở đó. Sau Xin hãy tin em, những người đã từng cộng tác, từng sống trong bầu nhiệt huyết đó, đã thành những người bạn. Với anh đó là niềm vui lớn bên cạnh sự thành công của bộ phim đầu tay này.