Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ giải thích về 2 chi tiết gây tranh cãi trong phim "Truyền thuyết về Quán Tiên"

ANTD.VN - Đạo diễn phim điện ảnh “Truyền thuyết về Quán Tiên” thẳng thắn giãi bày về hai chi tiết nhận được sự quan lẫn thắc mắc từ phía một số người xem.

Sau 6 tháng thực hiện, bộ phim điện ảnh “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã ra mắt khán giả Hà Nội vào đầu tháng 11-2019 trong khuôn khổ tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21. Tác phẩm của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ sau đó giành “cú đúp” giải thưởng Bông Sen Bạc (tháng 12-2019) và Cánh Diều Bạc (tháng 5-2020).

Phim chính thức có mặt ngoài rạp chiếu từ ngày 22-5 vừa qua, gây tiếng vang trong cả giới nghệ thuật lẫn khán giả khi khai thác đề tài thời chiến với góc nhìn gần gũi và giàu tình người. Bên cạnh đó, “Truyền thuyết về Quán Tiên” cũng nhận nhiều ý kiến phản hồi thắc mắc về một số tình tiết bị cho là chưa phù hơp, chưa đúng với bối cảnh chiến tranh.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (giữa) chỉ đạo một cảnh quay trong "Truyền thuyết về Quán Tiên"

Trước những ý kiến trái chiều này, mới đây đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã chính thức có những chia sẻ phản hồi. Theo đó, vị đạo diễn trẻ bày tỏ, sau gần 20 ngày tính từ thời điểm “Truyền thuyết về Quán Tiên” được khởi chiếu ngoài rạp, anh nhận được rất nhiều góp ý từ người xem. Trong số các phim anh từng đạo diễn trong suốt 7 năm làm nghề vừa qua thì đây có lẽ là bộ phim mà anh nhận được nhiều phản hồi, đánh giá nhất. Cũng theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, anh đã cố gắng đọc hết những bài viết, bình luận của khán giả, bao gồm cả những người có chuyên môn về điện ảnh lẫn những người xem không hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

“Có nhiều ý kiến khiến tôi bất ngờ bởi sự thấu hiểu từ những điểm được đến những điểm chưa được của phim. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khiến tôi phải dừng lại và tự hỏi bản thân rằng: Liệu mình có gì sơ sót trong quá trình làm bộ phim này hay không?” – đạo diễn Đinh Tuấn Vũ giãi bày.

Vị đạo diễn sinh năm 1989 chia sẻ, bộ phim này được anh làm với tinh thần tôn trọng tuyệt đối nguyên tác văn học của cố nhà văn Xuân Thiều. Dù chưa từng có dịp gặp gỡ ông song đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, anh đã đọc nhiều tác phẩm văn học của ông và cảm nhận được góc nhìn rất độc đáo, đi sâu vào thân phận con người thời chiến và hậu chiến của cây viết tài ba này. Đặc biệt, anh ấn tượng với văn chương của ông bởi cách kể, giọng văn không hoa mỹ mà rất trực diện, để lại nhiều ám ảnh cho người đọc.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khẳng định, khi làm phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”, anh gần như tận dụng tất cả các chi tiết, câu chữ trong truyện ngắn cùng tên mà cố nhà văn Xuân Thiều viết, song không phải bê nguyên mọi thứ lên màn ảnh mà còn vận dụng thêm những kiến thức về chiến tranh ở trong truyện ngắn. Bởi vậy, khi phim được giới thiệu với khán giả, anh tin rằng mình và êkip đã thực sự nghiên cứu, tìm tòi vô cùng kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất thuộc về thời chiến. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến phản hổi về một số điểm được cho là “chưa chính xác” trong phim.

Vì vậy, anh quyết định lý giải về 2 chi tiết gây tranh cãi trong phim là chi tiết tờ tiền giấy được những người lính Trường Sơn dùng để mua bán thực phẩm trong thời chiến tranh và chi tiết cái cây lớn lên mang theo chiếc võng chứa hài cốt của người lính chết trận trong rừng vì sốt rét.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đưa ra hình ảnh minh họa cho sự tồn tại của tiền Trường Sơn

Về chi tiết “tồn tại hay không tờ tiền Trường Sơn”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, về điểm này trong truyện ngắn nguyên tác, cố nhà văn Nguyễn Xuân Thiều có mô tả nhân vật người lính sau khi dừng lại ăn ở quán Tiên thì đã trả “mấy đồng giấy bạc Trường Sơn”. Và với việc chi tiết này được nhắc đến trong truyện ngắn, tác giả đã gián tiếp khẳng định rằng trên tuyến đường vận tải Trường Sơn năm xưa, các chiến sĩ có sử dụng tiền Trường Sơn. Sau đó để rõ  hơn, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã hỏi những người từng trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có Thiếu tướng Phan Khắc Hải – cố vấn quân sự cho phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” và giám đốc sản xuất phim – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và cả hai đều khẳng định là có sự xuất hiện của tiền Trường Sơn.

Mặc dù vậy, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ vẫn cẩn thận nghiên cứu thêm nhiều tài liệu khác để xác thực sự tồn tại của tiền Trường Sơn. Trong số các tài liệu đó có bài viết “Tiền Trường Sơn – hiện tượng độc đáo trong lịch sử tiền tệ” của tác giả Duy Anh. Theo bài viết này thì tiền Trường Sơn được cơ quan chức năng tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng bộ đội Trường Sơn ở phía Nam sông Bến Hải để khắc phục những bất cập trong việc lĩnh các chế độ của cán bộ chiến sĩ đi B.

Liên quan đến chi tiết này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, anh không có ý định phản bác những ý kiến cho rằng loại tiền này không tồn tại, mà chỉ muốn một lần nữa khẳng định, những gì xuất hiện trên phim đều đã được đoàn làm phim xem xét vô cùng kỹ lưỡng không phải từ một mà từ nhiều nguồn, có bằng chứng cụ thể, từ những con người cụ thể từng trải qua cuộc chiến.

“Trường Sơn vô cùng rộng lớn, và những hy sinh của những bậc cha anh là rất lớn lao. Nhưng chắc chắn rằng, không phải ai cũng có thể đi hết toàn bộ các tuyến đường Trường Sơn, cũng có nghĩa là sẽ có những điều mà ngay cả những cựu chiến binh cũng chưa từng nhìn thấy. Bởi vậy, điều tôi mong muốn là khi xem một bộ phim chiến tranh, mong các khán giả, các bác, các cô chú có thể rộng lượng và mở lòng hơn, coi như đây là một trải nghiệm về cả những điều mình đã từng thấy và chưa từng thấy ở Trường Sơn vĩ đại! Làm phim chiến tranh với bọn trẻ như chúng tôi là một sứ mệnh rất thử thách, và nếu không có được sự ủng hộ từ những người đi trước, thì thực sự rất khó để chúng tôi hoàn thành được sứ mệnh này.” – đạo diễn phim “Truyền thuyết về Quán Tiên bày tỏ.

Về chi tiết thứ hai trong phim gây nhiều ý kiến trái chiều – “cây mọc từ ngọn hay mọc từ gốc”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng thẳng thắn đưa ra lý giải từ góc nhìn của mình. Cụ thể, chi tiết gây tranh cãi này xuất hiện ở phân đoạn nhân vật Ku Xê cùng nhân vật Phượng đi trong rừng, tình cờ phát hiện ra một chiếc võng nằm trên cao và cả hai cảm thấy vô cùng kỳ lạ. Sau khi Ku Xê leo lên cao, nhìn vào bên trong chiếc võng thấy một bộ xương chiến sĩ, anh đã phỏng đoán chắc chiến sĩ này bị sốt rét, đơn vị hành quân trong đêm không ai biết nên ngủ lại mãi ở trong rừng, hai cái cây lớn dần lên và mang theo hài cốt của chiến sĩ này lên cao. Chi tiết này gây tranh cãi bởi nhiều người cho rằng, chiểu theo kiến thức sinh học thì cây chỉ lớn lên ở phần ngọn chứ không mọc cao lên từ gốc.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thừa nhận, khi làm phim, bản thân anh cũng rất đắn đo về việc liệu có nên đưa chi tiết này vào hay không. Trên thực tế đây là một sáng tạo của nhà biên kịch Đoàn Tuấn – cũng là một cựu chiến binh và chi tiết này không có trong truyện ngắn nguyên tác. Tuy nhiên sau đó, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã quyết định sử dụng chi tiết này là bởi, anh tưởng tượng ra một người lính không may bị mất trên đường hành quân vì căn bệnh sốt rét quái ác, linh hồn người lính ấy cứ lang thang ở đâu đó chẳng thể đi đâu bởi lo thân thể mình vẫn nằm trong võng, dưới thấp, thú rừng có thể đến bất cứ lúc nào và khi ấy cơ thể chẳng còn nguyên vẹn. Chi tiết 2 cái cây lớn lên, đưa võng lên cao được đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đưa vào phim như ẩn dụ cho một sự tâm linh và cũng là mong mỏi của hậu thế - mong muốn người lính được an nghỉ.

“Nếu các bạn để ý, sẽ thấy có một con chim lớn vỗ cánh dẫn Phượng và Ku Xê tới chỗ chiếc võng. Và khi Ku Xê nói xong lời phỏng đoán trên, con chim vỗ cánh bay đi, rất nhẹ nhàng, thanh thản. Sau này, người lính cũng một lần hiện về để cảm ơn Phượng và động viên cô trong lúc cô cũng đang bị cơn sốt rét hành hạ. Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết điện ảnh, chúng tôi đều cố gắng gửi gắm điều gì đó. Đôi khi, nó vượt ra khỏi những kiến thức thực tế. Nhưng nó là mong muốn, là sự tri ân của chúng tôi đằng sau đó và chẳng phải trong tự nhiên vẫn luôn có những điều ta không thể lý giải sao?” – đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nói thêm.

Kết lại, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khẳng định, “Truyền thuyết về Quán Tiên” không phải bộ phim hoàn hảo, vẫn có nhiều lỗi về kỹ thuật mà thực sự những người làm phim chưa đủ sức khắc phục, song anh tin rằng, tất cả êkip đã làm phim bằng tất cả trí tuệ, sức lực và sự cống hiến của gần 300 con người trong suốt gần 2 năm. Với cá nhân mình, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bộc bạch, anh tự thấy mình cũng lớn lên rất nhiều sau bộ phim này.