Đạo diễn "chuyên trị" phim hài Tết nói về lý do rút khỏi thị trường hài Tết 2020

ANTD.VN - Từng đau đáu làm phim hài Tết và cho ra không ít phim được khán giả đón nhận, trong đó có “Khóc hay cười” và series phim “Tiền đồ” song dịp Tết Nguyên Đán năm nay, đạo diễn Phạm Đức Dũng lại quyết định rút lui.

Thị trường phim hài Tết 2020 ghi nhận sự giảm sút rõ rệt về mặt số lượng khi không còn nhiều tác phẩm được làm để ra mắt trong dịp này. Có rất nhiều lý do của sự đìu hiu này, như khó khăn về kinh phí sản xuất, sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội, lợi nhuận từ việc làm phim không cao…Tuy nhiên với đạo diễn Phạm Đức Dũng – một đạo diễn trẻ được biết đến là người dành rất nhiều tâm huyết với phim hài Tết thì anh lại có lý do khác của sự dừng lại này.

Theo đó, vị đạo diễn này cho biết, do dịp này anh bận rộn với nhiều công việc khác và cả cuộc sống riêng nên đành phải lỡ hẹn với phim Tết năm nay. Cụ thể, đạo diễn Phạm Đức Dũng chia sẻ, sau khi xem xong phim “Tết này con ở đâu” mà anh quay tại Hàn Quốc năm 2017, một đối tác ở xứ sở Kim chi đã tìm đến gặp anh và đặt vấn đề hợp tác quay 20 TVC quảng cáo. Mặc dù quay TVC quảng cáo không có thời lượng dài như phim nhưng mỗi TV đều phải quay mất tới cả tháng trời mới xong. Bên cạnh đó, năm nay anh cũng bận thêm một việc riêng nữa khá quan trọng là xây nhà. Vả lại, đạo diễn Phạm Đức Dũng nói thêm, bản thân anh không có suy nghĩ làm phim theo kiểu “cố đấm ăn xôi” hay làm cho có. Vì vậy dịp Tết năm nay, anh đành lỡ hẹn với thị trường phim hài Tết.

Đạo diễn Phạm Đức Dũng

Nói thêm về quan niệm làm phim hài Tết thì phải “nhảm” để câu “view” và có thế mới lấy được tiền của nhà tài trợ, đạo diễn Phạm Đức Dũng với thâm niên làm phim Tết nhiều năm thẳng thắn bày tỏ, thực tế là có nhiều đoàn làm phim theo kiểu tự phát. Với những đoàn làm phim tự phát và mang tính thời vụ kiểu này thì không tránh khỏi trường hợp chỉ cần “câu” được tiền của nhà tài trợ rồi sau đó làm cho xong, làm ẩu, không chú trọng đến chất lượng nội dung phim. Đạo diễn Phạm Đức Dũng thừa nhận, những bộ phim hài Tết chất lượng thấp kiểu như thế đúng là khiến nhiều nhà làm phim khác mang tiếng lây. Riêng anh từng rơi vào nhiều trường hợp oái ăm dở khóc dở cười, trong đó có việc bối cảnh phim mình làm năm trước thì năm sau lại bị người khác “nhái” lại y hệt.

Cũng theo đạo diễn Phạm Đức Dũng, anh không quan niệm rạch ròi về chuyện hài “nhảm” hay không “nhảm” mà chỉ có kịch bản, nội dung phim có đáng cười hay không thôi. Bản thân anh không bao giờ có ý định đánh đổi tiếng cười bằng từ “nhảm” mà mọi người vẫn hay nói. Đối với anh, sau một năm dài làm việc thì Tết đến xuân về, khán giả có nhu cầu được nghỉ ngơi thư giãn và việc làm ra những bộ phim mang lại tiếng cười cho người xem là điều tất yếu. Vì thế, có người vẫn ví hài Tết giống như món rau salad trên bàn tiệc đủ món ăn, làm cho người ăn đỡ ngấy hơn sau khi đã ăn đủ thứ sơn hào hải vị.

Đạo diễn Phạm Đức Dũng, NSND Trung Hiếu và diễn viên Hiếu Hiền trên trường quay một phim hài Tết 

Mặc dù vậy, đạo diễn Phạm Đức Dũng khẳng định, tuy để có đủ kinh phí sản xuất phim, đơn vị sản xuất vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ song không phải vì thế mà làm cho qua loa, làm hài lòng họ thì thôi. Trái lại, anh luôn coi trọng việc đầu tư và yếu tố kịch bản phim rất kỹ càng, đặc biệt luôn viết về những vấn đề mang tính thời sự mà khán giả luôn mong đợi ở phim hài của mình.

Về việc nhiều năm gần đây thị trường phim hài Tết được ví như “miếng bánh” ngon nên nhiều người “nhảy” vào làm, đạo diễn Phạm Đức Dũng cho rằng, đó là điều tất yếu vì nếu ví sản phẩm nghệ thuật cũng như một món hàng hóa về tinh thần thì người xưa vẫn có câu “buôn có bạn, bán có phường”. Bởi vậy việc có nhiều đoàn làm phim hài Tết đương nhiên sẽ đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn. Cá nhân anh không cho đó là áp lực với mình khi làm phim mà xem nó là động lực để khẳng định giá trị riêng trong các bộ phim mà mình thực hiện.