Danh sỹ Lê Đại Cang: Ông "Vua đê" Bắc Hà từng là anh lính khiêng võng

ANTD.VN -Tại hội thảo khoa học “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, các nhà nghiên cứu lịch sử đã đề xuất đưa tên danh sĩ Lê Đại Cang vào ngân hàng tên đường phố Hà Nội. Hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.

"Vua đê" Bắc Hà

Theo TS Phạm Quang Nghị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Lê Đại Cang là người rất đặc biệt, một bậc quan bị giáng chức, vui vẻ thực hiện nghĩa vụ của một người khiêng võng cho chính lính tráng từng dưới quyền. Với Hà Nội, công lao của Lê Đại Cang là rất lớn. Trong 20 năm làm quan ở Bắc thành, danh nhân Lê Đại Cang đã để lại công lao và sự nghiệp rất lớn lao, xuất sắc. Đặc biệt, ông đã từng được mệnh danh là "vua đê" Bắc Hà khi được vua Minh Mệnh cử ra Bắc làm quản lý đê chính trong những năm 1828-1830.

Trong thời gian này, Lê Đại Cang đã tiến hành khảo sát và bắt tay vào công việc sửa đắp, khơi đào nạo vét lòng sông và xây dựng các tuyến đê mới thuộc hệ thống đê điều của 2 dòng sông đặc biệt quan trọng ở Bắc thành là sông Nhị Hà (sông Hồng) và sông Ngũ Huyện Khê. Không chỉ thế, trong quá trình khảo sát hầu như toàn bộ đê điều của 5 trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương và phủ Hoài Đức, ông đã ghi chép cụ thể hiện trạng của các tuyến đê rồi biên soạn thành sách Tổng kê.

Cũng theo TS Phạm Quang Nghị, Lê Đại Cang tuy chức không lớn nhưng công lao để lại cho hậu thế là rất lớn. Từ những đóng góp của Lê Đại Cang, TS Phạm Quang Nghị cho rằng tên của vị danh sĩ này xứng đáng được đưa vào ngân hàng tên đường phố của Hà Nội để đặt tên cho đường phố Thủ đô. Đề xuất này của TS Phạm Quang Nghị cũng là đề xuất của nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học tại buổi hội thảo khoa học về Lê Đại Cang.

Từng 5 lần bị giáng chức

Điều mà các diễn giả muốn nhắc đến nhiều hơn cả về danh nhân Lê Đại Cang là những bài học làm người, làm quan từ ông. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: Có thể nói 20 năm làm quan ở Bắc thành đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi một bậc danh thần, một vị lương thần Lê Đại Cang đi vào sử sách. Cũng tại Bắc thành này, Lê Đại Cang có điều kiện để bộc lộ, thi thố tài năng khi xử lý, giải quyết những công việc hành chính nan giải, khiến cho các bạn đồng liêu và dân chúng vị nể, được chính vua Minh Mạng hết lời khen ngợi.

TS Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội thảo

Nói về danh nhân Lê Đại Cang, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ghi nhận: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và thời đại nhiễu nhương, bất ổn, việc học tập theo trường lớp của Lê Đại Cang có nhiều trắc trở. Tuy nhiên khi có điều kiện, ông lại là người nêu tấm gương về tinh thần tự học. Nhờ tự học, Lê Đại Cang đã tỏ rõ tầm hiểu biết về nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, văn hóa, chính trị… Chính vì vậy, dù không có bằng cấp gì, Lê Đại Cang vẫn được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hương ở Thăng Long. 

Đặc biệt, Lê Đại Cang đã 20 lần thăng thưởng quan chức, nhưng cũng có đến 5 lần bị giáng chức, 1 lần bị án "trảm giam hậu"... Ông hai lần bị giáng chức từ đại thần thành lính khiêng võng, đó là lúc làm Tổng đốc, Tuần phủ An Hà... Dẫu vậy, sau những lần ấy, Lê Đại Cang vẫn tận tụy với bất kể nhiệm vụ nào được giao.

Vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang khi gặp thời thành công không đắc chí, lúc sa cơ thất bại ông vẫn không nản chí.

Cuộc đời ông là tấm gương đối với các quan chức về sự tận tụy, hết mình, luôn đi sâu đi sát thực tế, tới tận nơi xem tình hình cụ thể. "Trong đó có những  bài học về không sợ hiểu lầm, không sợ bị vu oan, giáng họa, khi làm quan có lúc thăng trầm, cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh" - PGS. TS Nguyễn Thị Phương Chi nhấn mạnh.

Lê Đại Cang, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều tháp tùng Chúa Nguyễn vào Nam. Ông là một vị quan triều Nguyễn, trải qua ba đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong 40 năm làm quan từ chức Tri huyện tới quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần…, Lê Đại Cang đã thực thi nhiệm vụ ở khắp ba miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, có đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.