Danh họa Tô Ngọc Vân và cái nhìn hướng về dân tộc

ANTD.VN - Tô Ngọc Vân từng viết “Ngay từ khi đi học, tôi đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính dân tộc, phản ứng lại sự tràn lan của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị cho dân tộc trên thế giới”. Đó quả là một hoài bão lớn về mỹ thuật dân tộc. 

Hoài bão về mỹ thuật dân tộc

Tốt nghiệp khóa II trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lĩnh hội đầy đủ kiến thức hội họa châu Âu do các thầy Pháp truyền dạy, nhưng Tô Ngọc Vân đã sớm có ý thức tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông và có nhiều ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sỹ hậu sinh. Loạt tranh về thiếu nữ của ông: “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thiếu nữ tựa kỷ”, “Thiếu nữ ngồi” đã thể hiện bút pháp hiện đại nhưng tôn thờ vẻ đẹp truyền thống.

Đáng trân trọng hơn, khi đến với cách mạng và đi kháng chiến, được sống, chiến đấu, ngọn bút của ông lập tức bắt kịp hơi hướng thời đại, đồng hành cùng nhịp đập của dân tộc. Cuộc sống mới, con người mới đã đi vào tranh ông như chính cuộc đời ông vậy. Các tác phẩm trực họa, ký họa theo bước chân các chiến sỹ trên khắp các nẻo đường chiến dịch như “Nghỉ chân bên đồi”, “Hai chiến sỹ”, “Lão du kích” đã khẳng định một phong cách nghệ thuật hiện thực cách mạng, khác với phong cách hiện thực mộng mơ giàu chất thơ trước cách mạng. Ông muốn chứng minh rằng, bản sắc văn hóa dân tộc trong tranh có ý nghĩa vô cùng to lớn, được xem như màu sắc riêng để nhận diện từng quốc gia. 

Danh họa Tô Ngọc Vân và cái nhìn hướng về dân tộc ảnh 2Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sỹ Tô Ngọc Vân được xếp hạng Bảo vật quốc gia 

Người thầy lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhận xét: “Việc bắt nhịp ngay với hơi hướng dân tộc trong hội họa của Tô Ngọc Vân thật đáng khâm phục. Trong văn học nghệ thuật, việc định hình một phong cách hay việc chuyển hướng sáng tác từ châu Âu sang tính truyền thống đậm đà không hề đơn giản. Văn học đã chứng kiến một loạt nhà thơ, nhà văn chỉ giậm chân tại chỗ trong một phong cách mà không thể bứt phá sang một trào lưu mới”.

Có thể nói, ông chính là người đã thắp lên ngọn lửa dân tộc trong mỗi họa sỹ Việt Nam. Các danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Phan Kế An đã từng học thầy Tô Ngọc Vân từ năm 1939 tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đều có các tác phẩm hội họa đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, làm rạng danh nghệ thuật nước nhà. Và sợi chỉ xuyên suốt trong các tác phẩm ấy chính là tính dân tộc đậm đà trong tranh, được thầy Tô Ngọc Vân hướng cho các học trò của mình ngay từ những bước đi chập chững vào nghề. 

Trong tâm thức của các họa sỹ, họa sỹ Tô Ngọc Vân là con người tài hoa, có lối sống thẳng thắn, trung thực, giản dị và dễ mến, có niềm đam mê sáng tạo và khám phá vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa. Cả cuộc đời ông đã dành cho hội họa và hội họa đã đưa ông trở thành một danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với các tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa. Ông đã ngã xuống như một người lính kiên trung tại đèo Lũng Lô (Yên Bái) vào ngày 17-6-1954.

Chiếc cặp vẽ ông đem theo đi chiến dịch có nhiều ký họa dọc đường, trong đó, bức ký họa “Đèo Lũng Lô” đã khép lại toàn bộ cuộc đời sáng tác của ông. Dẫu chỉ gắn bó với cuộc đời 48 năm nhưng với những điều đã thể hiện qua tác phẩm và những tuyên ngôn trong nghệ thuật, danh họa Tô Ngọc Vân xứng đáng được liệt vào hàng tứ đại danh họa của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong đó, cái nhìn hướng về dân tộc của ông luôn luôn đúng và chưa bao giờ mất đi tính thời đại.