Đàm Vĩnh Hưng: Người "dát vàng" cho dòng nhạc "sến"

ANTD.VN - Đàm Vĩnh Hưng tự nhận 15 năm trước, trong mắt khán giả thì anh là một ca sĩ… không bình thường!

1. Theo lời kể của Đàm Vĩnh Hưng, thời ấy, mỗi lần lên sân khấu là anh vừa hát vừa gào thét, hay làm trò “khùng điên”, có khi nằm vật ra sàn hát, rồi leo cả lên cột... Thấy vậy, nhiều phụ huynh thấy hoảng nên cấm con mình xem anh diễn vì lo bị... “điên” theo. Nghe phong thanh điều này, Đàm Vĩnh Hưng giật mình và nghĩ đến việc phải làm sao để cải thiện tình hình.

Giữa thời điểm căng thẳng ấy, anh tung ra ca khúc “Xin dìu nhau đến tình yêu” – một sáng tác quen thuộc của dòng nhạc “sến” khiến khán giả ngỡ ngàng, nhất là những người nghe ở tuổi trung niên. Cảm nhận được “cơn gió lạ” đang có sức xoay vần thị hiếu âm nhạc, Mr Đàm tiếp tục trình làng “Thương hoài ngàn năm” và sau đó mạnh dạn làm album “Tình ca 50” mà anh tự tin rằng đã làm người nghe “trúng độc” một cách rất tự nhiên và tự nguyện.

Cũng bắt đầu từ ấy, Đàm Vĩnh Hưng bảo, anh nhận ra các ca khúc “hit” có dấu hiệu suy thoái rất nhanh, đúng nghĩa bài hát có tuổi thọ ngắn nên không sống lâu được. Đó chính là lý do thôi thúc Mr Đàm nghĩ đến việc khai thác những bài hát cũ của dòng nhạc xưa, nhạc “sến” nhưng làm lại theo cách mới hơn.

Chuỗi dự án “Dạ khúc cho tình nhân” ra đời giữa ý tưởng ấy và tới nay đã thực hiện đến số thứ 7. Nam ca sĩ thổ lộ, anh sẽ chỉ thực hiện chuỗi dự án âm nhạc này đến số thứ 10 thì dừng lại bởi với anh thì những con số nối tiếp sau đó là con số “vay mượn”, mà những gì vay mượn thì có vẻ như không đúng tính cách của Mr Đàm.

Điều mà chính Đàm Vĩnh Hưng cũng không ngờ được, đó là bước ngoặt sang “nhạc sến” của mình đã tạo nên hiệu ứng “domino” khủng khiếp, kéo theo hàng loạt ca sĩ trẻ làm theo. Tới giờ, sau nhiều năm, anh vẫn là ca sĩ duy nhất giành chiến thắng tại các giải thưởng âm nhạc uy tín trong nước bằng nhạc xưa. Danh hiệu “quý ông nhạc Việt”, rồi “ông hoàng nhạc Việt cũng từ đó mà ra.

Về phần mình, Đàm Vĩnh Hưng tự hào khẳng định mình đã đúng khi chọn đi cả “hai hàng” (nhạc trẻ lẫn nhạc xưa). Thế nên mới không có viễn cảnh Mr Đàm ngoài 50 tuổi vẫn nhảy tưng tưng, nhuộm tóc “high-light”, mặc quần rách lên sân khấu. Ngược lại, nhiều người nói vui, nhắc đến Mr Đàm là nhắc đến người “dát vàng” và làm sang cho dòng nhạc “sến”.

2. Sau nhiều năm kể từ cuộc “lột xác” đầu tiên với nhạc “sến”, Đàm Vĩnh Hưng quyết định làm liveshow hoành tráng về dòng nhạc này và đưa ra Hà Nội. Lý do như lời Mr Đàm thổ lộ thì khán giả của anh đã xem các chương trình về Hà Nội nhiều chục năm nay rồi, nhưng những show diễn về Sài thành thì rất hiếm hoặc chưa bao giờ có dịp xem.

Vậy là nửa năm qua, anh âm thầm chuẩn bị cho “Sài Gòn Bolero & Hưng” với mong muốn cao nhất là mang đến cho khán giả  những gì họ chưa từng thấy – câu chuyện hoài niệm về mảnh đất Sài thành xưa. Chi cả chục tỷ đồng để làm 2 đêm diễn cho liveshow lần này ở cả TP.HCM và Hà Nội, Mr Đàm quả quyết anh tin việc làm liveshow nhạc Bolero vào thời điểm này là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, giống như “xuôi theo dòng nước để đưa con thuyền của mình đến bến bờ an toàn”, bởi chưa khi nào dòng nhạc này lại “phát quang” đến thế.

Đàm Vĩnh Hưng nói vui, với kinh nghiệm ngần ấy năm hoạt động trong nghề, anh đủ biết khán giả của mình cần gì. Và rằng, anh là người “chuyên mua bán cảm xúc” nên anh tự tin không cần đụng đến bất cứ “chiêu trò” gì cũng sẽ dẫn dắt khán giả đi qua mọi cung bậc cảm xúc từ ngạc nhiên đến thích thú, từ bùi ngùi đến nhớ nhung hoài niệm.

Tiết lộ không cầu kỳ trong việc trang hoàng sân khấu, nhưng chỉ riêng việc chuyển toàn bộ đạo cụ từ TP.HCM ra Hà Nội, từ cái biển hiệu, bóng đèn… đến cái ghế đã đủ thấy Mr Đàm cùng êkip tỉ mỉ và chịu chơi thế nào.

Mr Đàm tiết lộ sẽ bê nguyên cảnh trí trong đêm liveshow ở TP.HCM (5-8) ra Hà Nội  (26-8) mà không thay đổi bất cứ chi tiết nào để tái hiện chân thực khung cảnh Sài thành những năm 1960. Thậm chí, đến mùi nước hoa quen thuộc của một thời xưa cũ cũng sẽ được mang ra để xịt trên sân khấu. Bên cạnh đó, tấm màn nhung được kết từ hơn 2.000 chiếc bóng đèn dây tóc hứa hẹn một sân khấu “đủ sâu, đủ đẹp, đủ hoành tráng” như lời Mr Đàm chia sẻ.

Một điều đăc biệt nữa là trong “Sài Gòn Bolero & Hưng”, Đàm Vĩnh Hưng sẽ có màn “song ca”cảm động với cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Nam ca sĩ chia sẻ, cố nghệ sĩ Thanh Nga chính là thần tượng có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp ca hát của mình từ khi anh còn rất nhỏ. Hình ảnh cậu bé con cầm chày giả làm míc hát, dùng khăn tắm làm áo choàng vẫn in sâu trong ký ức của Đàm Vĩnh Hưng mỗi khi nhớ về tuổi thơ của mình.

Mr Đàm tâm sự, anh mạo muội muốn đưa khán giả trở về với một Sài thành hào nhoáng, náo nhiệt của những năm 60, nơi có những mơ ước bình dị về một cuộc tình hạnh phúc, những ký ức tưởng chừng như đã lãng quên và cả những hoài niệm về một thời xưa cũ.