"Đam mê thôi thì chưa đủ"

(ANTĐ) - Thanh Ngoan là một "đào lệch" có duyên trên sân khấu với gần chục Huy chương vàng mà chị đoạt được trong các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc. Đến với chèo từ khi còn rất nhỏ rồi sát cánh với nghề qua buổi giao thời chật vật, đủ để thấy NSƯT Thanh Ngoan dồn nhiều tâm sức cho nghệ thuật chèo.

Nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan:

"Đam mê thôi thì chưa đủ"

(ANTĐ) - Thanh Ngoan là một "đào lệch" có duyên trên sân khấu với gần chục Huy chương vàng mà chị đoạt được trong các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc. Đến với chèo từ khi còn rất nhỏ rồi sát cánh với nghề qua buổi giao thời chật vật, đủ để thấy NSƯT Thanh Ngoan dồn nhiều tâm sức cho nghệ thuật chèo.

Có phải chị đến với chèo từ khi còn rất nhỏ?

Quê tôi là một trong những nơi phát triển nhất về các hoạt động văn nghệ, nên đám cưới ở quê, ở huyện, ở tỉnh bao giờ cũng có đội văn nghệ diễn. 9 tuổi đã được các cậu trong gia đình, các chú ở nhà văn hóa huyện cho đi hát, rồi đi làm công việc phát thanh ở xã. Hồi ấy còn hợp tác xã nên buổi sáng thì đi học, buổi chiều các chú chờ sẵn ở cổng trường đón đi phát thanh hát hoặc đọc tin để tính công điểm. Rồi được bao nhiêu công điểm lại đưa về cho bố mẹ.

Ngày xưa còn bé tôi toàn tập hát vào chum, vại, bể nước để luyện giọng. Ngày đó vốn thích nghe đài, cứ nghe xong một bài cả lương, một bài chèo là toàn soi gương mình xuống bể nước, hát vào để nghe tiếng mình vọng lên rồi chỉnh theo lời bài hát. Từ bé đã rất chăm chỉ tập luyện rồi đi diễn như dân chuyên nghiệp.

Năm 1979 được đi thi hát ở Thái Bình và vinh dự nhận được một giải thưởng tặng thưởng cho thiếu niên của tỉnh. Trong một lần hát phục vụ đại hội Đảng trong huyện, tôi tình cờ biết Nhà hát chèo Việt Nam về tuyển diễn viên. Thế là tôi khăn gói quả mướp lên Hà Nội, một mình đeo đuổi nghiệp chèo.

13 tuổi khăn gói đi học thì phải mất bao nhiêu lâu khán giả mới biết đến chị?

Tháng 10-1979 mới vào Nhà hát, năm đó tôi mới 13 tuổi, dù còn nhỏ nhưng khán giả biết đến tôi trong làng chèo cũng sớm. Năm 1981 Nhà hát chèo tổ chức ba ngày liền để tuyển chọn một đội quân cử đi hội diễn tiếng hát hay tại Thái Bình 1981. Nhà hát rất công tâm trong khâu tuyển chọn, tôi tuy còn nhỏ nhưng lại được đánh giá là có chất giọng đặc biệt.

Nên tôi là người học sinh duy nhất trong khóa đó được chọn vào đội tuyển cùng với các cô, các chú NSƯT, NSND. Mọi người rất vô tư, các cô các chú yêu quý mình như con cái. Ngày ấy ngoài năng khiếu bẩm sinh, mình còn là con nhà nòi nên cũng có học hành nổi trội. Lại được trực tiếp NSND Tống Nam Vũ dạy cho một bài hát trong vai vợ quỷ cái, thầy và nhạc sĩ Trần Vinh cũng tận tâm dạy bảo tôi. Với sự đam mê, nỗ lực và sự chăm chỉ học hành tôi đã dần đứng được trong lòng khán giả.

Thanh Ngoan là một cái tên đã trở thành "thương hiệu" trong làng chèo Việt Nam. Trong thời gian qua, có phải khi diễn viên chèo lao đao tìm đường đi, thậm chí có người phải bỏ nghề thì riêng Thanh Ngoan vẫn sống khá sung túc?

Phải tự hào mà nói, tôi là người biết cách tìm cơ hội và đã sống được bằng nghề. Tôi thậm chí phải hủy nhiều sô diễn vì lịch quá chồng chéo. Có nhiều lần, tôi đi biểu diễn ở nước ngoài nhiều đến mức, hầu như lúc nào cũng vắng nhà, vì vừa từ nước này về lại phải đi nước khác… Tôi nghĩ cũng bởi những vai diễn của tôi luôn luôn được suy nghĩ, cân nhắc kỹ, tuy cũng có nhiều thử nghiệm mới nhưng nếu đã đưa ra công chúng diễn thì mình sẽ gọt rũa, đo lòng khán giả để thể hiện tốt vai diễn của mình. Nên khi đã tung ra sân khấu thì là những vai đã tương đối định hình, ít nhất đối với tôi, ngoài việc tự mình nghiên cứu, thì bên cạnh còn có các đồng nghiệp cùng với đạo diễn nghiên cứu kỹ chứ không làm ẩu.

Với tư cách là phó giám đốc nhà hát chèo, chị thấy nghệ thuật chèo đang ở trong tình trạng như thế nào?

Tôi cho rằng xã hội trong thời điểm bây giờ là đã tốt lắm rồi so với những năm cuối của thế kỷ 20, lúc giao thời còn khó khăn hơn bây giờ nhiều. Người ta tìm đến sân khấu với mong muốn hểu về nghệ thuật truyền thống trong đó có chèo. Nhà nước thì cũng quan tâ

 đến bản sắc dân tộc nên cũng có chính sách hoạch định. Có những đầu tư nhiều hơn, mặc dù vậy đầu tư vẫn chưa triệt để, chưa dài hơi. Nhưng ít nhất thì đất sống của các nghệ sĩ đã khá hơn. Bây giờ người Việt hiểu được văn hóa Việt, những cái đình làng, xã mà trước đây bị phá đi được xây dựng lại, làng nào xã nào cũng có những cái văn bia kỷ niệm, di tích làng xã. Mà chèo thì gắn liền với di tích làng xã rất nhiều nên chúng tôi có thêm đất diễn, đất sống.

Vậy việc bán vé có còn quá nan giải không?

Bây giờ máy tính, truyền hình, người ta không cần đi đâu, chỉ ngồi một chỗ click chuột một cái là biết hết. Tiếp cận và cập nhật nhanh nên việc sân khấu chèo muốn bán vé được càng đòi hỏi phải khai thác được đối tượng, phải có cái hay cái tốt như thế nào thì mới kéo được người xem. Mà suy cho cùng đó là cả một vấn lớn của các loại hình nghệ thuật chứ không riêng gì chèo.

Điều đó bắt buộc nghệ sĩ và các nhà quản lý phải nỗ lực tìm ra định hướng. Phải làm sao cho người ta biết được chèo là của người Việt, mỗi người Việt đều gắn với chèo thì người Việt sẽ không bỏ chèo. Nhưng để làm được điều đó cũng không phải dễ, cần đòi hỏi các nghệ sĩ phải tâm huyết, phấn đấu nhiều hơn nữa vì nghề.

Thú thật là đối với tôi, tình yêu chèo rất lớn nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, chèo sẽ bị mất vị thế vốn có của nó. Có lẽ, khán giả quay lưng với chèo một phần là do thời cuộc, nhưng một phần là do thời gian qua, chúng ta chưa biết cách thay đổi cách thức tiếp cận cũng như thiếu đi nỗ lực của những người làm nghề. Tất nhiên, để làm được điều đó là rất khó và một người thì không làm nổi.

Trong thời cuộc này chị thì có thể sống được bằng nghề vậy còn các đồng nghiệp khác?

Đại đa số thì vẫn yêu nghề, nhưng để mà có cuộc sống như mong muốn thì phải cần có nhiều cơ hội. Nhiều người vẫn diễn chèo, nhưng nếu thời gian rảnh dỗi thì ai có nghề phụ gì lại phải kiếm thêm nghề ấy. Ai biết làm đạo diễn thì đi đạo diễn, có người biết hát văn thì phải đi hát văn, hoặc đi làm bất kỳ một công việc gì khác kể cả kinh doanh. Có nhiều người thì mở những cửa hàng cửa hiệu để buôn bán, còn các bạn trẻ, chưa lập nghiệp được thì lại phải đi hát ở các quán xá để kiếm thêm thu nhập. 

Vậy công tác tuyển sinh có khó không khi nhiều bạn trẻ tâm huyết với nghề nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ phải từ bỏ?

Năm nào nhà hát chèo cũng đào tạo, cũng có học viên ra trường thế nên nỗi lo về thiếu người tâm huyết thì bản thân tôi không lo lắng. Nhưng đam mê thôi thì chưa đủ, cái tôi lo là đam mê thì thừa mà tài năng thì thiếu. Thiếu tài năng thì không thể nắm bắt được các kiến thức của thế hệ trước truyền lại, không gánh vác được trách nhiệm của một nghệ sĩ chèo.

 Vũ Thị Huyền Trang

Các giải thưởng mà NSƯT Thanh Ngoan đoạt được:

- 1981: HCV Giọng hát chèo hay, tổ chức tại Thái Bình.

- 1988: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Nam Định.

- 1990: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái  Bình.

-  1991: Diễn viên xuất sắc của sân khấu chèo Hà Nội.

- 1992: HCV Giọng hát chèo toàn quốc.

- 1993: HCV với Các trích đoạn chèo tuồng hay tại Ninh Bình.

- 1994: Được Tạp chí Sân khấu bình chọn là Ngôi sao sân khấu.

- 1995: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

- 2000: Giải thưởng Sao đỏ của Hội liên hiệp Thanh niên VN.