Đám cưới Hà Nội xưa

(ANTĐ) - Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Khoản tiền cheo được làng (xã) dùng vào việc đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng... Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ nay, lệ này bị bãi bỏ. Nhưng, những nghi lễ, nghi thức đám cưới thì vẫn gợi lại nhiều kỷ niệm.

Đám cưới Hà Nội xưa

(ANTĐ) - Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Khoản tiền cheo được làng (xã) dùng vào việc đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng... Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ nay, lệ này bị bãi bỏ. Nhưng, những nghi lễ, nghi thức đám cưới thì vẫn gợi lại nhiều kỷ niệm.

Đám cưới thời chiến - đơn sơ, dung dị

Kể về đám cưới thời chiến, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh - người đã tổ chức đám cưới tập thể 50 đôi đầu tiên tại Hà Nội năm 2003 - nói: Ký ức của tôi về đám cưới thời chiến ấy, rất đơn sơ, mộc mạc và dung dị. Đám cưới thời chiến mang tính chất nghi thức nhiều hơn là nghi lễ.

Đám cưới thời chiến không có những nghi lễ rình rang như ăn hỏi, đưa dâu, rước dâu, thậm chí cũng còn không có cả sự chứng kiến của cha mẹ, ông bà, chỉ có sự góp mặt của tổ chức, chỉ huy, đồng đội, bạn bè. Tiệc cưới là bánh kẹo, trà xanh, thuốc lá, thậm chí ngô rang.

Dán lên phông cưới hồi đó không phải là chữ hỷ mà là những khẩu hiệu: “Tổ quốc trên hết, tiền tuyến trước hết”, “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, “Tất cả cho tiền tuyến”… Gian hạnh phúc của cô dâu, chú rể là những căn lều nho nhỏ, không có giường cưới chỉ có 2 cánh võng mắc song song. Để rồi ngày mai đôi vợ chồng trẻ chia tay nhau: Người đi tiền tuyến, người ra chiến trường với nỗi niềm khắc khoải và nhớ mong khôn nguôi.

Nếu như đám cưới tổ chức ngoài chiến trường đơn sơ, mộc mạc thì đám cưới ở Hà Nội hết sức đơn giản, gọn nhẹ. Đạo diễn Việt Thanh kể, ngay trong nhà anh cũng có đám cưới thời chiến. Anh trai anh lấy chị dâu người Hải Phòng.

Năm 1972, chiến tranh ở Hà Nội diễn ra ác liệt. Gia đình mang trầu cau, chè, thuốc, rượu đi ăn hỏi, xin dâu, đón dâu bằng tàu hỏa từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Mọi người đi sơ tán hết, không có ai ở nhà.

Gia đình mang đến đúng địa chỉ, có người đến nhận, rồi để đó là về ngay. Sau khi đem đồ lễ, đám cưới coi như là đã diễn ra. Gia đình báo tin cho cô dâu, chú rể lúc đó đang sơ tán ở Hải Dương là đã thành vợ, thành chồng.

Chiến tranh ác liệt, mọi hoạt động, trong đó có đám cưới, phải diễn ra thật đơn giản, nhanh gọn, thế nhưng hạnh phúc của những đám cưới ấy không hề mong manh, ngắn ngủi.

Bác Nguyễn Cảnh Loan (Quảng Ninh) tâm sự: “Tôi có tấm thiệp cưới của người bạn thân, được vẽ bằng tay trên nền giấy nâu xù xì, thô nháp. Nhiều lần muốn bỏ đi nhưng rồi lại tiếc. Chẳng ngờ việc giữ lại lại có tác dụng, hiệu quả.

Chính đôi vợ chồng là người bạn thân của tôi đó, trong quá trình chung sống đã xảy ra trục trặc và quyết định chia tay nhau. Khi biết tin, tôi đã mang tấm thiệp cưới của họ cách đây 20 năm, tặng lại họ. Vui mừng thay, tấm thiệp cưới xù xì, thô nháp đã hàn gắn được mọi vết thương, xóa đi mọi điều không vui và họ lại “tay trong tay” đến tận bây giờ”.

Đám cưới thời bao cấp

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại năm 1975, cả nước hân hoan trong niềm vui chiến thắng, đám cưới cũng được thổi luồng gió mát với phong trào đám cưới mới. Nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội cũng thay đổi theo tiến bộ của xã hội. Từ 6 nghi lễ giảm xuống 3 nghi lễ: Chạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới...

Tuy nhiên, sự phát triển cực thịnh của phong trào đám cưới mới chỉ được ghi nhận bằng việc thành lập các ban nhạc “đánh” cho đám cưới vào những năm 1980.

Những ban nhạc nổi tiếng hồi đó có Sắn Lùng (người Hoa), Toán “Xồm”, Hiếu “văn hóa”, Vân “Hàng Bông”... Những bản nhạc được ưa chuộng có: “Tình ca trên Thảo Nguyên”, “Đôi bờ”, “Chiều Matxcơva” (Nga) hay ca khúc cách mạng như: “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây”, “Anh là người lái xe”... Lúc đầu, ban nhạc chỉ “đánh” ở Hà Nội, sau lan về những vùng nông thôn, ngoại thành.

Đạo diễn Việt Thanh kể, do ảnh hưởng của du học sinh từ Nga về nên một số đám cưới ở Hà Nội bắt đầu có khiêu vũ. Đám cưới xong, mọi người đóng cửa, bật nhạc và ôm nhau nhảy. Điệu nhảy chủ đạo là tuýp “Sông Hồng”, dựa trên nền nhạc của đĩa hát “Cây xương rồng”.

Không chỉ rút gọn phần nghi thức, nghi lễ, đám cưới mới còn cách tân cả trong trang trí phông màn, phong cách ăn mặc, đồ mừng cho cô dâu chú rể và những bức ảnh lưu niệm.

Theo ông Nguyễn Đức Thảo - 3B Bảo Khánh (Hà Nội) thì, trang trí đám cưới không chỉ là cái mốt, mà còn là thú vui. Thời kỳ này đánh dấu sự sáng tạo những phong cách chuẩn, lưu giữ đến ngày nay. Đó là cắt, dán, trổ, xé hình trang trí và đặc biết là hình người, chữ lồng dán trên tường và trên phông cưới...

Nếu như trang trí đám cưới là thú vui, thì chọn đồ mừng thể hiện sự thực tế. Ông Nguyên Cầu - nhà nhiếp ảnh đám cưới nổi tiếng Hà Nội thích thú nhớ lại: “Đồ mừng toàn là chậu thau, bếp dầu, lốp xe đạp, ruột phích nước, vỏ phích, bát sứ Hải Dương... Vì là người lo phần hậu kỳ, nên tôi được chứng kiến, có đám cưới tổng kết được 40 - 50 cái chậu thau Hải Phòng, bát sứ, ấm chén Hải Dương”.

Nét đọng lại trong ký ức người có mặt cũng như người tổ chức đám cưới hồi những năm 80 là tính cộng đồng sâu sắc. Tính cộng đồng thể hiện trong công tác chuẩn bị, diễn ra và kết thúc.

Để có một đám cưới, công tác chuẩn bị diễn ra trước đó vài tháng. Sự kiện đó được đánh dấu bằng việc cha mẹ đi vay, đi mượn phiếu thịt, tem vải, để dành mua bột mì, trứng, đường làm bánh quy gai, quy xốp, vòng vừng, xin tiêu chuẩn mua thuốc lá Điện Biên bao bạc, Thủ Đô bao bạc, Sông Cầu, rượu cam, chanh, mơ, táo.

Đôi trẻ thì ra tiểu khu đăng ký kết hôn. Sau khi có giấy đăng ký, đem ra cửa hàng ở Tràng Tiền sẽ được mua vải (đủ may 1 cái chăn hoặc 1 cái màn), ra phố Bạch Đằng sẽ được mua 1 cái chiếu và 1 cái giường giẻ quạt với giá ưu đãi...

Vui nhất sau lễ ăn hỏi là chị em nhà gái xúm xít đóng gói cau, lá trầu, mứt sen, chè, rồi cười đùa, tròng ghẹo, trêu chọc nhau. Tính cộng đồng còn thể hiện ở việc các anh, các chị, các cô, các bác ở quê lên ăn trầu, têm trầu và làm cỗ…

Hồi đó không có tủ lạnh nên phải làm ban đêm. Đêm hôm trước bao giờ cũng là đêm làm cỗ, huy động tất cả nào là thái su hào, làm nộm, làm gà, chân giò, ngâm măng, đãi đỗ, đồ xôi… cùng các loại bếp từ mun cưa, củi lửa, than dầu đều được huy động.

Mặt tiền, sân bãi không có hầu hết phải mượn, hoặc nhờ hàng xóm. Nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, ấm chén… tất tật đều của họ hàng, bạn bè, còn phông bạt, bàn ghế, khăn trải bàn là của nhà trẻ, trường học, hay hội trường cơ quan… Có lẽ cũng vì cái sự nhờ, sự mượn này nên tình hàng xóm, láng giềng cũng thân mật, khăng khít: “Hàng xóm tắt lửa, tối đèn có nhau”.

Trang phục cưới theo định nghĩa của thanh niên thời đó là diện hơn, phẳng phiu hơn, khác hơn so với ngày thường: Cô dâu áo dài, chú rể comple. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để may đo, bởi giá thành may áo dài, comple khoảng 70 - 100 đồng, trong khi lương tháng 50 đồng. Hầu hết là mượn lẫn của nhau.

Người may đầu tiên sẽ may lớn hơn 1 - 2 size để sau này còn cho bạn mượn. Nổi tiếng về áo dài thời đó có hiệu Phúc Trạch ở Lương Văn Can, comple có nhà may Tiến Thành ở Lê Thái Tổ, đóng giày có hiệu Chi Ta ở Đào Duy Từ, ảnh cưới có Lê Linh, Nguyên Cầu…

Bao giờ cho đến ngày xưa

Nét đẹp không thể thiếu của đám cưới thời kỳ đó là phù dâu, phù rể.  Phù dâu, phù rể được coi như đại diện cho cô dâu, chú rể. Nhà trai chọn phù rể, nhà gái chọn phù dâu, với mục đích ngầm ý tác thành cho nhau. Khi đám cưới kết thúc, tất cả ăn uống, dọn dẹp xong nhất định phù rể phải đưa phù dâu về nhà. Có rất nhiều đôi phù dâu, phù rể qua đám cưới của bạn mình đã quen và cưới nhau.

Giở lại những ký ức, kỷ niệm cũ, trong suy nghĩ thế hệ ngày nay, đó là một cái gì xa xôi, xưa xửa, xừa xưa. Thực tế, hoài niệm ấy chỉ cách thời hiện tại 15 - 20 năm mà thôi.

Nhìn lại ngày xưa để bỗng thầm ao ước: “Bao giờ cho đến ngày xưa?...”.

Mỹ Linh