Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011-2015): Những trang viết mang nặng thế sự

ANTĐ - Ngay khi Hội Nhà văn Việt Nam công bố giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011-2015), dư luận đã dõi ánh nhìn về phía các tác phẩm đoạt giải. Không có giải A, cơ cấu giải thưởng gồm 3B, 9C đã phần nào phản ánh sự đồng đều về chất lượng tác phẩm dự thi năm nay. 

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011-2015): Những trang viết mang nặng thế sự ảnh 1Tiểu thuyết “Cuộc đời ngoài cửa”-Nguyễn Danh Lam được đánh giá cao khi khai thác giá trị bền vững của gia đình

Đầy đủ hỉ nộ ái ố

3 giải B được trao cho “Người thứ hai” của Tô Hải Vân, “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền, “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ cùng 9 giải C như: “Gã tép riu” của Nguyễn Bắc Sơn, “Bác sỹ trưởng khoa” của Vũ Oanh… 12 tác phẩm được trao giải lần này, ngoài “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, “Vùng sâu” thì có đến 9 tác phẩm bám sát cuộc sống đương đại với đầy đủ những hỉ nộ ái ố, những nhức nhối từ thực trạng xã hội. Không một biên độ giới hạn nào được đặt ra đối với ngòi bút sáng tạo của các nhà văn.

Các cây bút không né tránh mà đề cập trực diện vào từng vấn đề “nóng” của xã hội. “Cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và liệt vào một trong những cuốn tiểu thuyết có giá trị khi đề cập đến giá trị bền vững của gia đình với thông điệp: mất gia đình là mất tất cả. Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết “Seo sơn” của Vũ Quốc Khánh lại miêu tả không gian và thời gian của một vùng miền núi bị tàn phá bởi nạn khai thác rừng trái phép, cả vùng đất hồn nhiên, trong sáng bỗng trở nên nghi kỵ, chụp giật...

Đặc biệt, tình trạng người tài không được trọng dụng, kẻ nịnh bợ, luồn lách được ngồi ở vị trí cao được đề cập  ở 3 tác phẩm. Đó là “Người thứ hai” của Tô Hải Vân, “Dư chấn 3,5 độ richter” của An Bình Minh, “Bác sỹ trưởng khoa” của Vũ Oanh. Trong đó tác phẩm “Người thứ hai” của Tô Hải Vân dự thi gần như cuối cùng nhưng lại soán ngôi vị cao của cuộc thi cũng bởi tác phẩm đã phơi bày hiện trạng sử dụng nhân tài tại các công sở hiện nay. Đan cài trong tiểu thuyết của mình, Tô Hải Vân còn chỉ ra một xã hội ưa hình thức, chuộng bằng cấp với các anh tiến sỹ giấy…

Không chỉ mang nặng thế sự, những trăn trở suy nghĩ của con người đương thời trước một xã hội hiện đại còn nhiều bất an và khiếm khuyết, các tác phẩm dự thi còn hướng tới những góc khuất của đời sống để truy tìm sự thật và giải oan cho những số phận, kiếp người không may mắn. Đó chính là hơi thở nhân văn của tác phẩm khi nhà văn giúp con người vượt lên, thoát ra khỏi cái bẫy của sự hận thù dai dẳng và vô lý. Tác phẩm “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền (giải B) đi sâu vào khai thác những phận người đi qua chiến tranh bằng cái nhìn của người hậu chiến. 

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011-2015): Những trang viết mang nặng thế sự ảnh 2

Tiểu thuyết “Người thứ hai”-Tô Hải Vân đoạt giải B cuộc thi

Vẫn thiếu sự bứt phá

Cuộc thi cũng ghi nhận sự thành công của các cây bút tay ngang khi lần đầu lấn sân sang lãnh địa tiểu thuyết nhưng lại ẵm ngay giải thưởng. Với tác phẩm “Bác sỹ Trưởng khoa”, Vũ Oanh đã thể hiện ưu thế của một người lâu năm hoạt động trong ngành y tế, còn Vũ Quốc Khánh, anh bộ đội Trường Sơn làm kinh tế giỏi đã tạo nên tác phẩm “Seo sơn” với những trang viết miêu tả về miền núi đầy chất hiện thực.

Với độ tuổi của các tác giả tham dự lần này đều trên 40, cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư đã cho người đọc nhận diện lực lượng viết tiểu thuyết hiện nay đều là các cây bút có kinh nghiệm sống, đi qua nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Tuy vậy, điều thiếu ở cuộc thi lần này lại nằm ở ngay sự thận trọng, chỉn chu của các cây bút lão làng. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận xét: “Đa số các tiểu thuyết vẫn bị gò vào những khuôn thước truyền thống. Cấu trúc tiểu thuyết vẫn làm theo lối quen thuộc, vẫn dàn dựng và sắp xếp, gắn nối các bộ phận theo lịch trình thời gian”. 

Dù được đánh giá thành công, chất lượng các tác phẩm tương đối đồng đều nhưng vì thiếu đi sự bứt phá nên Hội đồng Giám khảo đã không chọn được tác phẩm xứng đáng để trao giải A. Nữ nhà văn Lê Minh Khuê, thành viên Hội đồng giám khảo chia sẻ: “Chúng tôi đã bỏ phiếu để trao giải Nhất cuộc thi nhưng các tác phẩm khá ngang bằng nhau, rất khó để chọn lựa”.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam) - Phạm Hoa, cuộc thi tiểu thuyết lần này đang cho thấy sự chuyển động trong hướng khai thác đề tài của các cây bút. Phần lớn các nhà văn đều tiếp cận với đời sống hiện đại. Tuy nhiên hạn chế của cuộc thi lần này là việc một số tác phẩm dự thi lại tập trung miêu tả sự việc mà thiếu đi các chi tiết hấp dẫn, đã làm cho tác phẩm ít có tính văn chương.