Cuộc đời thăng trầm của những tiểu thuyết gia võ hiệp nổi tiếng Trung Quốc

ANTD.VN - Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An là những cây đại thụ trong thế giới văn học Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết thuyết võ hiệp nói riêng. Cùng nhìn lại cuộc đời thăng trầm của những nhà văn này.

Kim Dung

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu”, trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Kim Dung say mê thế giới võ hiệp từ nhỏ. Nhà văn từng kể những lúc rảnh rỗi, khi ngồi trên ôtô, máy bay, ông thường tưởng tượng "nếu là hiệp khách, mình sẽ thế nào?".

Từ trí tưởng tượng, năm 1955, ông ra mắt bộ kiếm hiệp đầu tiên: Thư kiếm ân cừu lục. Trong sự nghiệp, Kim Dung xuất bản tổng cộng 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp, hầu hết trong số đó gây tiếng vang lớn, như Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Anh Hùng Xạ Điêu... Trong số các nhân vật từng xây dựng, Kim Dung thích nhất Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Kiều Phong (Thiên Long Bát Bộ).

Ông không thích kiểu người như Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký), cho rằng "gặp người như thế cần tránh xa". Các tác phẩm của Kim Dung không những được đón nhận tại Trung Quốc, mà còn trở nên rất nổi tiếng ở Việt Nam cũng như các nước châu Á khác và được chuyển thể thành phim cũng như các tựa game nổi tiếng

Nhà văn từng nói về tâm nguyện của mình "Hy vọng một trăm, hai trăm năm sau khi tôi qua đời, vẫn có người đọc tiểu thuyết của tôi, như vậy là tôi mãn nguyện".

Ông còn được xem là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua.

Sự nghiệp thăng hoa là vậy thế nhưng gia đình Kim Dung lại có cuộc đời khá bất hạnh.

Người vợ đầu tiên của tiểu thuyết gia là Đỗ Trị Phân, là chị gái của một người bạn thân thiết với Kim Dung. Năm 1948, họ tổ chức đám cưới ở Thượng Hải. Sau đó, Kim Dung đưa vợ đến Hong Kong vì được tòa soạn cử đi làm việc. Cuộc sống đất khách quê người khó khăn, cộng với chồng quá bận rộn không có thời gian săn sóc khiến Đỗ Trị Phân không chịu nổi, bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Năm 1951, hai người ly hôn. Sau này, nhắc lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi này, Kim Dung cho biết, người vợ đầu tiên đã phản bội ông.

Người vợ thứ hai của Kim Dung là Chu Mai, một phụ nữ có học vị cao, tốt nghiệp đại học ở Hong Kong, biết ngoại ngữ, vẻ ngoài cũng xinh đẹp. Hai người kết hôn năm 1953. Đến năm 1959, ông bà sáng lập tờ Minh Báo. Khi ấy, Kim Dung là tổng biên tập còn Chu Mai là nữ phóng viên duy nhất của tờ báo. Doanh số Minh Báo phát hành rất thấp, lúc nào cũng đứng trước nguy cơ giải tán.

Khi Chu Mai sinh thêm con, gia đình càng rơi cảnh khó khăn. Để giúp đỡ chồng, bà một tay chăm sóc các con, một tay vun vén công việc với vai trò phụ tá của Kim Dung.

Năm 1970, Kim Dung hoàn thành 14 tiểu thuyết dài và vừa. Đây cũng là giai đoạn Minh Báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Sự nghiệp thăng tiến cũng là thời điểm hôn nhân rạn nứt. Kim Dung là người ngoài mềm trong cứng, bảo thủ. Chu Mai cũng thuộc mẫu phụ nữ hiếu thắng. Giữa hai người bắt đầu hình thành tranh cãi. Kim Dung không thiếu bóng hồng, ông bắt đầu thay lòng, si mê minh tinh Hạ Mộng và một phụ nữ khác. Biết chuyện, Chu Mai kiên quyết đòi chia tay.

Những năm tháng cuối đời, vợ hai của Kim Dung sống trong cô độc và nghèo khó và các con thì đều sống với bố. Tháng 11/1998, Chu Mai qua đời sau cơn bạo bệnh, hưởng thọ 63 tuổi. Ngày bà qua đời, bên cạnh không có người chồng cũ, cũng không có con cái, chỉ có nhân viên bệnh viện. Sau này, trong buổi phỏng vấn ở tuổi 90, khi nói về Chu Mai, Kim Dung đã khóc: “Tôi thực lòng xin lỗi Chu Mai…”.

Trong cuộc hôn nhân lần hai, Chu Mai đã sinh cho Kim Dung 4 người con gồm 2 trai, 2 gái. Trong đó, con trai đầu là Tra Truyền Hiệp từng là niềm tự hào của Kim Dung. Khi 4 tuổi cậu bé đã thuộc Tam Tự Kinh. 6 tuổi có thể ngân nga Tăng Quảng Hiền Văn, do đó mà Tra Truyền Hiệp được khen là “thần đồng văn học”.

Tuy nhiên, vào tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát tại Mỹ ở tuổi 19 sau một cuộc tranh cãi với bạn gái ngoại quốc. Nỗi đau mất con khi đó đã là vết thương không bao giờ lành trong lòng Kim Dung.

Những năm tháng cuối đời, Kim Dung sống cùng vợ ba là Lâm Lạc Di, kém ông 29 tuổi. Hai người quen nhau trong một lần Kim Dung vào quán rượu để giải sầu, còn Nhạc Di là người phục vụ trong quán.Từ cuộc trò chuyện “tâm đầu ý hợp”, hai người dần thân thiết hơn, rồi trở thành vợ chồng. Dù khá kín tiếng trước truyền thông, nhưng mỗi lần xuất hiện công khai, cặp vợ chồng lệch tuổi rất tình cảm, có nhiều cử chỉ thân mật. 

Nhà văn Kim Dung qua đời ngày 30/10 tại Hong Kong, hưởng thọ 94 tuổi. Kim Dung đã mất nhưng những tác phẩm võ hiệp đỉnh cao ông để lại cho nhân loại vẫn luôn sống mãi trong lòng mỗi người.

Cổ Long

Cổ Long (1937 - 1985) tên thật là Hùng Diệu Hoa, là nhà văn Đài Loan viết tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng. Ông cũng là nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể nhiều lần trên phim truyền hình cũng như điện ảnh.

Năm 1952, Cổ Long theo cha mẹ di cư sang Đài Loan sinh sống. Thời thơ ấu, Cổ Long luôn cảm thấy lẻ loi, cô độc. Do hoàn cảnh khó khăn, ông thường phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, gây gổ với nhau. Sau đó, gia đình tan vỡ, cha mẹ chính thức ly dị.

Bởi lý do đó mà ông bỏ nhà, sống một mình tại trấn Thụy Phương, ở ngoại ô quận Đài Bắc, tự lực tìm cách sinh nhai và học hành. Ngay từ thuở nhỏ, Cổ Long đã đọc và rất yêu thích các tác phẩm võ hiệp cổ điển của Trung Quốc. Sau đó mấy năm, ông còn đọc thêm các bộ tiểu thuyết cận đại của Nhật Bản, các tác phẩm văn học của Tây phương.

Thời kỳ đó, tiểu thuyết võ hiệp rất thịnh hành ở Đài Loan. Cổ Long chập chững viết thuê cho ba tác gia võ hiệp nổi tiếng Đài Loan là Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân và Tư Mã Linh. Năm 1960, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay là Thương khung thần kiếm. Từ năm 1960 đến 1965, Cổ Long viết 17 cuốn sách nhưng còn loay hoay, chất lượng các tác phẩm khá thấp.

Trong phụ lục cuốn Thiết huyết đại kỳ, Cổ Long thú nhận: “Vẫn phải cần cơm, cần rượu, cần bạn gái, cần đi xe, cần nhà ở, cần xem phim… Thế là chỉ cần có thể viết được một cái gì đó là vội vàng đem đi đổi lấy tiền… Vì cần tiền cơm mà viết. Đó không phải là nỗi buồn chung của các tác giả, nhưng là nỗi buồn của tôi”.

Tác phẩm Võ lâm ngoại sử sáng tác năm 1966 là bước ngoặt trong sự nghiệp của Cổ Long. Với cuốn tiểu thuyết này, ông tạo ra hình tượng lãng tử, đồng thời không chạy theo mô thức truyền kỳ cũ kỹ của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, mà vận dụng những mô típ của tiểu thuyết trinh thám và huyền ảo. Và tám năm tiếp theo là thời kỳ đỉnh cao của Cổ Long.

Ở giai đoạn này, ông sáng tác Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang, Lưu tinh. Hồ Điệp. Kiếm, Hoan lạc anh hùng, Thiên nhai. Minh nguyệt. Đao, Đại nhân vật, Cửu nguyệt phi ưng… Cũng cần phải kể đến những tập đầu của Sở Lưu Hương truyền kỳ, Thất chủng vũ khí và Lục Tiểu Phụng.

Với các tác phẩm độc đáo, mới mẻ, Cổ Long từ một nhà văn vô danh đã vượt qua bộ ba Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân và Tư Mã Linh để trở thành “võ lâm minh chủ” đất Đài Loan. Danh tiếng của ông ngày càng vươn xa, giúp ông sánh ngang với hai tông sư tiểu thuyết võ hiệp Hong Kong là Kim Dung và Lương Vũ Sinh.

Tuy nhiên, sau Tiêu Thập Nhất Lang Cổ Long bắt đầu rơi vào quá trình suy thoái. Các tác phẩm sau đó của ông trở nên nhạt nhẽo, lặp lại chính mình. tửu sắc quá độ là một nguyên nhân quan trọng khiến Cổ Long đánh mất khí lực và sức sáng tạo dù chưa bước sang tuổi 40.

Tháng 8/1985, Cổ Long qua đời ở tuổi 48. Ông cả đời mê rượu, hầu hết các nhân vật do ông sáng tạo ra đều là phường tửu sắc, nên tại lễ tang bạn bè mang tới tổng cộng 48 chai rượu đặt bên quan tài ông.

Các tác phẩm của Cổ Long ở thời kỳ đỉnh cao hoàn toàn khác biệt so với Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông tiếp thu hình thức câu văn và đoạn văn ngắn gọn của tiểu thuyết phương Tây, khám phá chiều sâu tâm lý của nhân vật, áp dụng mô típ trinh thám - gián điệp… Ở những cuốn tiểu thuyết đặc sắc nhất của Cổ Long, người ta thấy bóng dáng của Điệp viên 007, của phim cao bồi Mỹ hay của cuốn Bố già.

Người đọc tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc thường so sánh thứ bậc các tác giả, và tất nhiên Kim Dung luôn là “võ lâm minh chủ”. Sự tranh cãi quyết liệt luôn nổ ra giữa phe hâm mộ Lương Vũ Sinh và phe yêu quý Cổ Long. Và không bên nào chịu nhường bên nào. Rốt cuộc, theo các nhà phê bình, vì những hạn chế của mình nên Cổ Long chỉ có thể xếp thứ ba trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp, sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh.

Dù vậy, với những người yêu tiểu thuyết võ hiệp, Cổ Long vẫn luôn là tác giả không thể bỏ qua.

Các tác phẩm tiêu biểu: Lục Tiểu Phụng, Đại Địa phi ưng, Võ Lâm Tam Tuyệt, Lưu tinh Hồ Điệp kiếm, Tiêu Hồn Lệnh, Thiên nhai Minh Nguyệt đao, Sở Lưu Hương, Ma Kiếm thư sinh...

Lương Vũ Sinh

Lương Vũ Sinh (1926 - 2009) là một nhà văn Trung Quốc viết truyện kiếm hiệp. Cùng với Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An, Lương Vũ Sinh được tôn làm "Võ hiệp ngũ đại gia".

Với tác phẩm đầu tay Long hổ đấu kinh hoa (20-1-1954) đăng liên tục trên Tân văn báo Hồng Kông (trước Thư kiếm ân cừu lục của Kim Dung một năm), Lương Vũ Sinh được coi là khai sơn tổ sư của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.

So với Kim Dung, thời gian sáng tác của Lương Vũ Sinh dài gấp đôi, số lượng tác phẩm cũng gấp đôi, gồm 35 bộ trường thiên tiểu thuyết với 160 cuốn, tiêu biểu như Long hổ đấu kinh hoa, Thảo mãng xà long truyện, Bạch phát ma nữ, Tái ngoại kỳ hiệp truyện, Thất kiếm hạ thiên sơn, Giang hồ tam nữ hiệp, Vân hải ngọc cung duyên, Bình tung hiệp ảnh, Đại đường du hiệp ký, Vũ Đương nhất kiếm...

Năm 1984, Lương Vũ Sinh tuyên bố “phong đao”, chấm dứt sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, theo con sang định cư tại Úc và dự định chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử chính thống. Ngày 22-1-2009, Lương Vũ Sinh đã qua đời tại Sydney, thọ 85 tuổi. Để tưởng nhớ nhà văn nổi tiếng này, nhiều nhà sách tại Trung Quốc hiện nay đã dành trọn nhiều quầy sách bán riêng các tác phẩm của ông.

Ngọa Long Sinh

Ngọa Long Sinh (1930–1997) tên thật là Ngưu Hạc Đình, là một tác gia võ hiệp nổi tiếng người Đài Loan.  

Ngọa Long Sinh thuở thiếu thời gặp đúng thời loạn lạc, kháng chiến chống Nhật nên chỉ đi học được vài năm, mới học trung học được hai tháng. Do nhà nghèo, ông phải đăng ký đi lính để có lương ăn, và bị đẩy ra mặt trận.

Năm 1948, ông được gửi đến đào tạo tại trường huấn luyện sĩ quan tại Nam Kinh và theo quân đội tới Đài Loan năm 1949, xuất ngũ năm 1955. Ông từng có thời gian thất nghiệp dài, thậm chí đã tính tới việc đạp xích lô kiếm kế sinh nhai. Những lúc rảnh rỗi chờ tìm việc, ông thường tranh thủ đọc tiểu thuyết kiếm hiệp để giải sầu và say mê từ lúc nào không hay.

Ông nảy ra ý định sáng tác văn chương kiếm hiệp và gửi tác phẩm Phong trần hiệp ẩn tới Thành công vãn báo, không ngờ được độc giả rất yêu thích. Thấy nhuận bút thu về nhiều hơn cả lương sĩ quan của mình trước kia, Ngọa Long Sinh quyết định về Đài Trung, sáng tác truyện kiếm hiệp mưu sinh.

Tại đây, bộ tiểu thuyết Kinh hồng nhất kiếm chấn giang hồ của ông được đăng liên tục trên Dân Thanh Nhật Báo, gây chấn động các fan ham thích kiếm hiệp. Ngọa Long Sinh càng tự tin hơn khi thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn.

Ông quyết tâm tới Đài Bắc lập nghiệp năm 1959 và vụt nổi như cồn sau khi bộ tiểu thuyết thứ 3 Phi Yến kinh long được đăng dài kỳ trên Đại Hoa vãn báo. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đánh dấu vị trí Thái Sơn Bắc Đẩu của ông trên văn đàn kiếm hiệp.

Từ năm 1960-1980 là thời kỳ hoàng kim trong sáng tác của Ngọa Long Sinh, đồng thời cũng là thời kỳ hoàng kim của phim võ hiệp ở Hồng Kông và Đài Loan. Rất nhiều tác phẩm của Ngọa Long Sinh đã được chuyển thể thành phim truyện và phim truyền hình dài tập như Phi Yến kinh long, Ngọc thoa minh, Song Phượng kỳ…, phát hành rộng rãi sang cả thị trường đại lục.

Thắng lợi trên phim ảnh mang lại cho ông cả danh tiếng lẫn tiền bạc. Nhận thấy rõ nguồn lợi kinh tế to lớn từ phim ảnh, Ngọa Long Sinh đã nhận lời làm biên kịch cho công ty truyền hình Trung Hoa tại Đài Loan, chuyên tâm sáng tác kịch bản phim truyền hình suốt 8 năm với nhiều kịch bản rất có tiếng vang.

Tuy nhiên cũng trong thời kỳ này, ông vẫn không ngừng sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng chất lượng sụt giảm. Do quá đam mê kiếm tiền, Ngọa Long Sinh không ngừng đầu tư tiền làm kinh doanh, trong đó có cả đầu tư vào truyền hình, xuất bản… nhưng đều không thành công.

Cũng giống một số bạn văn khác như Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân…, Ngọa Long Sinh cũng nghiện rượu và thuốc rất nặng, đam mê tửu sắc, thường xuyên là khách quen của các quán bar vũ trường, chơi bời rất bạt mạng.

Do cường độ làm việc và cường độ ăn chơi đều quá đà, ông từng có thời kỳ bị bệnh nguy kịch năm 1988, phải nằm viện suốt một thời gian dài tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng chỉ vừa khỏi bệnh, ông lại lao vào sáng tác, làm việc và ăn chơi như cũ.

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn này có thể kể đến như: Phong trần hiệp ẩn, Kính hồng nhất kiếm chấn giang hồ, Phi Yến kinh long, Thiết địch thần kiếm, Ngọc thoa minh, Thiên hương tiêu, Vô danh tiêu, Giáng Tuyết Huyền Sương, Tố thủ kiếp, Thiên nhai hiệp lữ, Thiên kiếm tuyệt đao, Kim kiếm điêu linh, Phong vũ yến quy lai, Hoàn tình kiếm, Phiêu hoa lệnh, Song phượng kỳ, Thiên hạc phổ…

Ôn Thụy An

Ôn Thụy An sinh ngày 1 tháng 1 năm 1954, là một nhà văn võ hiệp gốc Hoa nổi tiếng. Cùng với Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An được xếp vào hàng "Võ hiệp ngũ đại gia". Năm 20 tuổi, ông được Kim Dung xem là tri âm.

Trong số các tiểu thuyết gia võ hiệp tân phái, Ôn Thụy An nổi tiếng là nhà văn trẻ tuổi tài hoa nhất. Thậm chí ông còn được gắn trọng trách gánh vác đại cục sau khi nhà văn Cổ Long qua đời và nhà văn Ngọa Long Sinh sức khỏe suy yếu.

Ôn Thụy An chủ trương sáng tác dòng tiểu thuyết võ hiệp siêu tân phái, quyết tâm đổi mới văn học kiếm hiệp với đặc điểm sáng tạo nên hình tượng hiệp sĩ bình dân. Đây cũng chính là một thành tựu của tiểu thuyết võ hiệp siêu tân phái.

Mặc dù  được công chúng ca tụng hết lời, Ôn Thụy An chỉ khiêm tốn thừa nhận ưu thế lớn nhất của ông là tuổi trẻ. Ông kém Kim Dung những 30 tuổi. Do trẻ tuổi, ông có thể dễ dàng hiểu được tâm tư tình cảm và khát khao của giới trẻ, càng thấu đáo hơn về thời đại sống gấp gáp và nắm được sở thích cùng nhu cầu của độc giả thời hiện đại.

Nếu chia các tiểu thuyết gia võ hiệp tân phái ra thành 3 thế hệ: thế hệ 1 như Kim Dung, Lương Vũ Sinh, thế hệ 2 như Cổ Long, thì Ôn Thụy An được xếp vào thế hệ thứ 3.

Các tác phẩm tiêu biểu: Tứ Đại Danh Bổ,Phong trần hiệp ẩn, Kính hồng nhất kiếm chấn giang hồ, Phi Yến kinh long, Thiết địch thần kiếm, Ngọc thoa minh, Thiên hương tiêu, Vô danh tiêu, Giáng Tuyết Huyền Sương, Tố thủ kiếp, Thiên nhai hiệp lữ, Thiên kiếm tuyệt đao, Kim kiếm điêu linh, Phong vũ yến quy lai, Hoàn tình kiếm, Phiêu hoa lệnh, Song phượng kỳ, Thiên hạc phổ…