Cuộc đời ngắn ngủi của thi sỹ "Hôm qua em đi chùa Hương" và các sáng tác vụt sáng

ANTD.VN -  Nguyễn Nhược Pháp, tác giả phần thơ của ca khúc "Hôm qua em đi chùa Hương" nổi tiếng dù có một cuộc đời ngắn ngủi, mới 24 tuổi đã rời cõi tạm, song khối lượng những sáng tác ông để lại sẽ khiến người đời phải kinh ngạc...

Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), quê làng Phượng Vũ, Phú Xuyên, Hà Nội, là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp viết báo, làm thơ, truyện ngắn và kịch. Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ trữ tình với áng thơ bất hủ nổi tiếng Chùa Hương. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết truyện ngắn, kịch và là tác giả của nhiều bài phê bình văn học thể hiện một nhãn quan tinh tường, mẫn cảm.

Ông được hai nhà phê bình thơ nổi tiếng Việt Nam là Hoài Thanh, Hoài Chân đánh giá: "Với vài ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Thơ ông đậm đà những nét phong tục xưa, những nếp văn hóa truyền thống được thể hiện qua những nét tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng không thể thấy dấu tích một nhà thơ xưa nào".

Cuốn sách "Hoa một mùa" của Nguyễn Lân Bình

Trân trọng tài năng của ông, tác giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột đã tập hợp các sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp để in trong cuốn sách "Hoa một mùa". Trong đó có 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ (Chùa Hương, Sơn Tinh- Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, Sân khấu kịch đương thời)

Các truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp lấy chủ đề chung là các câu chuyện trong gia đình buổi giao thời với những xung đột mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè đồng trang lứa. Lời văn giản dị mà hóm hỉnh, kín đáo bộc lộ tính cách của nhân vật.

Trong thể loại thơ, ông tập trung vào các nhân vật trong truyền thuyết, lịch sử qua đó thể hiện những tâm tư của mình.

Đến thể loại phê bình, Nguyễn Nhược Pháp như một con người khác, ông chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu của từng tác phẩm, tác giả bằng một lối viết điềm đạm. Không thể phủ nhận được trình độ Pháp văn của Nguyễn Nhược Pháp khi ông viết những bài phê bình sắc sảo này lúc mới chỉ ngoài đôi mươi.

Tác giả Nguyễn Nhược Pháp

 Khi đọc những tác phẩm này, độc giả sẽ hiểu cái nhìn của Nguyễn Nhược Pháp đã vượt qua độ tuổi mà ông đã gắn bó với cuộc đời, để chắt chiu những tinh túy cho đời sau. Có lẽ, vì quá ư thiết tha với cuộc đời, cho nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ông đã sáng tác được khối tác phẩm không hề nhỏ với một bút lực khỏe khoắn và dồi dào năng lượng.

Nhưng hơn hết, Nguyễn Nhược Pháp đã viết văn, làm thơ, viết kịch, và cả viết phê bình bằng một cái duyên bút mực hết sức nhã nhặn, đằm thắm mà không hề kém phần hài hước, kín đáo. Có cảm tưởng đằng sau mỗi con chữ lại là một nụ cười của chàng thanh niên  lặng lẽ quan sát và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình.

Cuốn sách "Hoa một mùa" của Nguyễn Lân Bình đã mang lại cái nhìn toàn cảnh về sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp, qua đó, bạn đọc sẽ tự đưa ra nhận định về tài năng và vị trí của ông trên văn đàn Việt Nam, điều mà trước kia còn bị khuất lấp bởi nguồn tư liệu chưa đầy đủ về các sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đưa thêm góc nhìn về đời sống văn hóa của xã hội Việt Nam buổi giao thời và đâu đó người đọc còn cảm nhận những nỗi buồn phảng phất trong góc khuất của một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, cô đơn.