Cuộc chơi "tranh xấu" của 5 họa sỹ

ANTD.VN - 5 họa sỹ được lựa chọn để làm chung triển lãm “tranh xấu” là những người có xu hướng tân biểu hiện tương đối rõ nét. Có người đi theo con đường tự phát, bản năng, có người có ý thức nghiên cứu, học hỏi về chủ nghĩa tân biểu hiện trên internet.

Triển lãm "Tân biểu hiện" đang diễn ra tại Vicas Art Studio, giới thiệu tới công chúng yêu hội họa thủ đô 44 tác phẩm của nhóm năm họa sĩ (gồm: Nguyễn Văn Thể, Phạm Thanh Toàn, Hoàng Khánh Dư, Đặng Thành và Lê Thừa Ngọc Hải).

Dù theo cách nào thì ngôn ngữ hội họa của họ cũng có chung hệ quy chiếu với ngôn ngữ tân biểu hiện mà các bậc thầy trên thế giới đã làm và có đóng góp vào sự đa dạng, thêm sắc thái cá nhân cho ngôn ngữ của dòng tranh này. Trong ngôn ngữ đời thường, trường phái này còn được gọi là trường phái “tranh xấu” (Bad Painting).

Tranh của Nguyễn Văn Thể

Các tác phẩm trưng bày đã thể hiện rõ nét trường phái tân biểu hiện trên thế giới, đó là sử dụng ngôn ngữ hội họa với những đường nét thô ráp, mang tính biểu trưng như các hình vẽ thời tiền sử, bút pháp nhanh, mạnh, quyết liệt, các nghệ sỹ biểu hiện cảm xúc một cách trực diện và tác phẩm cũng phản chiếu phần vô thức trong tâm hồn người nghệ sỹ.

Tuy ngôn ngữ hội họa của 5 họa sĩ  có nhiều điểm chung, song mỗi tác giả vẫn tạo được dấu ấn riêng trong các sáng tác của mình.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thể có cách vẽ khá bản năng, phóng túng. Tranh của anh có sức hút tự thân từ bút pháp trừu tượng với những mảng màu loang, biến hóa linh hoạt.

Tranh của Đặng Thành

Phạm Thanh Toàn (sinh năm 1992) - họa sỹ trẻ nhất trong nhóm. Anh nắm khá chắc, nhuần nhuyễn tinh thần và đặc trưng ngôn ngữ của dòng tranh này để tổng hợp chúng và sáng tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của mình. Tranh của Phạm Thanh Toàn đầy ám ảnh về cái chết, những cơn ác mộng và suy tư về sự vĩnh hằng… Bề mặt tranh Phạm Thanh Toàn ngập tràn những vệt màu xù xì, bạo liệt.

Hoàng Khánh Dư là một họa sỹ dân tộc Tày và tranh của anh luôn thể hiện thế giới quan tộc người của mình bằng những bức tranh siêu thực. Có hai thế giới luôn song song tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau: một là cuộc sống trần tục và một khác là thế giới siêu hình, nơi có thần linh, có tổ tiên mình ở đó.

Tranh của Hoàng Khánh Dư

Những hình người được vẽ theo cách biểu trưng trộn lẫn với những hình hài con người của thế giới mà chúng ta đang sống, sự phân chia không gian và thể hiện mối quan hệ giữa chúng cũng mang tính tượng trưng đã tạo nên phong cách hội họa của riêng anh.

Họa sĩ Đặng Thành là một trường hợp đặc biệt tại triển lãm lần này với loạt tranh về phụ nữ. Anh mắc chứng trầm cảm, cuộc sống vật chất rất khó khăn. Thế nhưng hôm nay, anh đã vượt qua được những khó khăn bằng chính việc vẽ tranh.

Chỉ với những nét bút mau lẹ cùng vài mảng màu đơn giản nhưng Đặng Thành đã thể hiện tư tưởng nữ quyền rõ nét trong những sáng tác của mình: Tại sao việc hưởng thụ những thú vui trong cuộc sống lại chỉ dành cho đàn ông?

Tranh của Phạm Thanh Toàn

Lê Thừa Ngọc Hải là một họa sỹ trẻ mê vẽ tranh theo trường phái tân biểu hiện. Trong anh luôn tồn tại những mâu thuẫn nội tâm phức tạp. Hình ảnh những chiếc ghế (tượng trưng cho quyền lực xã hội), những con người mang đôi cánh (với khát vọng sải cánh bay cao, bay xa nhưng lại không vượt thoát được chính thực tại đang sống) xuất hiện nhiều trong loạt tranh "Đôi cánh" của Lê Ngọc Hải tại triển lãm lần này; thể hiện những trăn trở, suy tư của anh về những góc khuất trong xã hội đương đại.

Tranh của Ngọc Hải

Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm cùng sắc thái cá nhân của mỗi họa sỹ đã góp phần làm sinh động đời sống hội họa hiện nay. Triển lãm "Tân biểu hiện" kéo dài từ nay cho tới hết ngày 28/4/2019 tại Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội).