Cùng xuống đường… nhảy múa

(ANTĐ) - Không khí của ngày Đại lễ sẽ trở nên vô cùng sôi động  khi có khoảng 5000 đến 1 vạn người cùng xuống đường nhảy múa. Họ sẽ cùng nhau nhún nhảy trong những điệu múa mang đặc trưng và bản sắc văn hóa Việt Nam được tuyển chọn từ cuộc thi “Các điệu nhảy Việt Nam” do Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp cùng Hội nghệ sỹ Múa Hà Nội tổ chức chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cùng xuống đường… nhảy múa

(ANTĐ) - Không khí của ngày Đại lễ sẽ trở nên vô cùng sôi động  khi có khoảng 5000 đến 1 vạn người cùng xuống đường nhảy múa. Họ sẽ cùng nhau nhún nhảy trong những điệu múa mang đặc trưng và bản sắc văn hóa Việt Nam được tuyển chọn từ cuộc thi “Các điệu nhảy Việt Nam” do Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp cùng Hội nghệ sỹ Múa Hà Nội tổ chức chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Điệu nhảy Tây Nguyên

Điệu nhảy Tây Nguyên

“Nóng” ngay từ những ngày đầu phát động, cuộc thi “Các điệu nhảy Việt Nam” đã dấy lên nhiều ý kiến, nhiều thắc mắc xung quanh bản sắc văn hóa Việt trong các vũ điệu. Bởi các điệu nhảy được phổ biến trong giới trẻ hiện nay chủ yếu là các điệu nhảy nước ngoài như valse, chachacha, dance sport, còn một điệu nhảy tiêu biểu cho người Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành. 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã tạo ra nhiều bản sắc văn hóa đa dạng và sinh động. Từ đó cũng hình thành nên nhiều điệu nhảy mang đặc trưng riêng  cho dân tộc mình. Người Thái có múa sạp, múa xoè, người Mông có múa khèn… Chỉ cần nhìn vào giai điệu và tiết tấu của âm nhạc cùng những động tác múa là  biết được điệu nhảy này  của dân tộc nào. Nhưng khi đi tìm một điệu nhảy biểu trưng cho dân tộc Việt để có thể coi là “quốc vũ” thì thật khó khăn. Có lẽ vì thế mà cuộc thi “Các điệu nhảy Việt Nam” được phát động.

Dựa trên các điệu múa của dân tộc Tây Nguyên, chèo của dân tộc Kinh… các biên đạo đã tạo ra các điệu múa có tiết tấu đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hành mang tính quần chúng cao.

Ngày Đại lễ sẽ trở nên tưng bừng hơn khi có khoảng 5.000 người cùng xuống đường nhảy múa
 Ngày Đại lễ sẽ trở nên tưng bừng hơn khi có khoảng 5.000 người cùng xuống đường nhảy múa

Theo dự kiến ban đầu, cuộc thi sẽ tiến hành trao giải, nhưng để kiểm chứng tính ứng dụng và nghệ thuật của các điệu múa, BTC chỉ lựa chọn 3 điệu múa tiêu biểu nhất mang bản sắc Việt Nam đồng thời mang hơi thở thời đại. Đó là điệu múa “Khát vọng tuổi trẻ” của NSƯT Như Bình, điệu múa dựa trên chất liệu Tây Nguyên của nhà giáo Trương Việt Hùng và điệu múa dựa trên múa trống Triều Khúc của NSƯT Bằng Thịnh. 3 điệu múa này sẽ được phổ biến rộng rãi đến các biên đạo múa  để rồi từ đó tiến hành tập luyện cho 5.000 - 10.000 người đến từ nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội cùng xuống đường nhảy múa trong ngày Đại lễ chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Tuy thời gian từ nay đến ngày Đại lễ không còn nhiều, nhưng theo đánh giá của NSƯT Như Bình, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Hà Nội thì: “Việc tập luyện cho hàng nghìn người tưởng chừng như khó khăn nhưng với những điệu múa đã được tuyển chọn mang tính phổ cập cao, tôi  tin vào tính khả thi của dự án. Bởi có  những điệu múa tập luyện vài ngày mới xong khi độ khó và tính phức tạp cao, còn những điệu múa đã mang tính quần chúng thì việc hướng dẫn rất đơn giản”. Và có thể số lượng người không chỉ dừng lại ở con số này khi tính quần chúng của điệu múa phát huy được mức tối ưu. Những du khách không chỉ đứng ngắm nhìn các diễn viên biểu diễn mà họ sẽ cùng nhau nhún nhảy trong những tiết tấu âm nhạc  mang đặc trưng của Việt Nam. Ngày Đại lễ sẽ trở nên rộn rã và ý nghĩa hơn khi có điệu nhảy mang đặc trưng của Việt Nam.   

Phạm Thu Hương