Cùng Thuận “Viết về Hà Nội”
(ANTĐ) - Thực ra "Viết về Hà Nội" là chủ đề của buổi nói chuyện giữa nhà văn Thuận với sinh viên Văn Khoa, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn. Buổi nói chuyện diễn ra vào 9h ngày 18-4 tại Giảng đường 204, tầng 2, nhà G, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Tiểu thuyết "Vân Vi" của Thuận vừa xuất bản |
Bên cạnh các hoạt động như giao lưu cùng sinh viên khoa Văn, giới thiệu chung về một số tiểu thuyết của Thuận, ký tặng sách, nhà văn Thuận dành phần lớn thời gian để chia sẻ với độc giả về câu hỏi đã và sẽ ám ảnh trong các sáng tác của mình: Viết về Hà Nội như thế nào?
Thuận chia sẻ: "Cuối cùng Hà Nội cũng bước vào năm 2000", tôi đã mở đầu tiểu thuyết đầu tay như thế, không hề biết rằng Hà Nội sẽ còn là ám ảnh trong các sáng tác tiếp theo của tôi. Hà Nội là thành phố tuổi thơ. Hà Nội là quê hương, gia đình, bạn bè, kỉ niệm. Nhưng yêu Hà Nội là một lẽ, mà viết về Hà Nội là một lẽ khác hẳn. Bởi vì yêu thôi không đủ để cầm bút. Bởi vì viết không phải là kể chuyện, viết cũng không phải là ôn lại kỉ niệm. Bởi vì với tôi, viết về Hà Nội không quan trọng bằng viết về Hà Nội như thế nào. Bởi vì tôi không muốn Made in VietNam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, VânVy chìm nghỉm giữa vô vàn tác phẩm dạt dào tình yêu, nỗi nhớ Hà Nội. Viết về Hà Nội như thế nào là một thách thức…”
Thuận từng học ĐH Sư Phạm ngoại ngữ Pyatigorsk ở Cộng Hoà liên bang Nga, khoa Anh ngữ, sau đó học ĐH Paris trình độ cao học văn học Anh cổ điển. Năm 1992-1993 chị học ĐH tổng hợp Sorbonne, cao học văn học Nga đương đại. Tính đến nay chị có những tác phẩm đã xuất bản: tiểu thuyết Made in Vietnam (NXB Văn Mới, California, 2002), tiểu thuyết Chinatown (NXB Đà Nẵng, 2005), tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 (NXB Đà Nẵng, 2006), tiểu thuyết T mất tích (NXB Văn học, 2007), tiểu thuyết VânVy (NXB Hội Nhà Văn, 2008). Tiểu thuyết Chinatown của Thuận được Đoàn Cầm Thi dịch và xuất bản ở Hàn Quốc NXB Seuil, 2009. Bản thân Thuận cũng có các tác phẩm dịch: Xạ thủ nằm bắn, NXB Văn học, 2007; Ba gã cần khử, NXB Văn học, 2008.
Gia Bách