Cú "lột xác" ngoạn mục của "Bến không chồng" thành "Thương nhớ ở ai"

ANTD.VN - Cách đây nhiều năm, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng thành công khi chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng thành bộ phim điện ảnh cùng tên. 

Những cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” 

Vì thế nhiều người khá bất ngờ khi biết vị đạo diễn này âm thầm đưa cuốn tiểu thuyết này lên màn ảnh nhỏ với tựa đề thi vị mới: “Thương nhớ ở ai”. Phim dài 34 tập, sẽ lần lượt lên sóng đến với khán giả vào 14h30 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 4-11 tới. 

“Thoát” khỏi phiên bản điện ảnh

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh kể, cách đây 3 năm, anh nhận được lời đề nghị hợp tác làm phim từ đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Thời điểm đó, anh thổ lộ ý định muốn làm phim về đề tài nông thôn và chủ động đưa ra 3 lựa chọn: Làm về miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Bắc bộ.

Ban đầu, anh nhắm làm phim về miền Tây dựa theo chùm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhưng khi liên hệ thì biết cây viết này đã bán bản quyền tác phẩm cho một đơn vị khác. Vì vậy, anh quyết định chọn đề tài nông thôn miền Bắc và nhớ ngay đến cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” từng được mình dàn dựng thành phim điện ảnh. 

Nghĩ vậy, đạo diễn Lưu Trọng Ninh bắt tay vào viết thử 5 tập đầu kịch bản phim truyền hình dựa theo cuốn tiểu thuyết này. Sau khi đưa đạo diễn Đỗ Thanh Hải đọc thử kịch bản của 5 tập đầu, anh nhận được cái gật đầu ưng ý kèm theo nhận định: “Đã thoát được phiên bản điện ảnh trước đó”. Về phần mình, Lưu Trọng Ninh tự nhận chắc chắn phiên bản truyền hình sẽ khác phim điện ảnh, bởi ngay cả phim điện ảnh cũng “thoát” khỏi truyện rồi. 

Cũng theo chia sẻ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, lúc đầu anh định đặt tên phim là “Bến tình” nhưng e bị ảnh hưởng bởi cái tên cũ của phim điện ảnh nên lại chọn tên khác. Vị đạo diễn thổ lộ, với bộ phim này, đặt tên “ăn” khách thì không theo được nên rốt cuộc anh chọn “Thương nhớ ở ai” - cái tên nghe rất mông lung nhưng lại nói lên được nội dung câu chuyện xảy ra ở ngôi làng nơi mọi người thương nhau đến tận cùng nhưng vẫn rơi vào cảnh khổ đau bi đát.  

Kỷ lục với trên 2.000 cảnh quay kỹ xảo 

Theo tiết lộ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh -  người sát cánh cùng đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện bộ phim này thì phiên bản truyền hình của tiểu thuyết “Bến không chồng” được mở rộng ra với nhiều tuyến nhân vật hơn, chuyển tải hiệu quả hơn khung cảnh và câu chuyện về làng quê thời kỳ cũ - đó là bối cảnh ngôi làng Đông những năm 1954, vắng bóng đàn ông, chỉ có những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Những người phụ nữ ấy không chỉ phải gánh chịu nỗi bất hạnh của việc mất mát người thân mà còn phải sống trong những định kiến vô cùng hà khắc. 

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho biết, trước khi bắt tay vào bấm máy “Thương nhớ ở ai”, ê-kíp đã phải đi qua gần 20 ngôi làng nổi tiếng khắp miền Bắc để tìm bằng được những bối cảnh ưng ý. Nỗi lo dây điện, cột điện chẳng chịt trên cao không bằng mối e ngại những ngôi nhà ống, mái prô-xi-măng và các con đường đã bị bê tông hóa, thậm chí ngay cả mặt đê cũng hiếm chỗ còn đường đất đúng kiểu làng quê xưa.

Cuối cùng, hai vị đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh quyết định dựng lại một làng quê cũ hoàn chỉnh bằng việc chắp nối từ nhiều góc khác nhau, cụ thể là bờ ao, giếng nước ở chỗ này, con đường làng chỗ nọ… Để thực hiện được điều đấy, phim đã phải sử dụng kỹ xảo đối với trên 2.000 cảnh quay và riêng thời gian hoàn chỉnh những thước phim nhờ công nghệ này đã mất tới gần 2 năm.

Bên cạnh đó, 34 tập phim còn hứa hẹn gây ấn tượng đặc biệt với người xem nhờ yếu tố âm nhạc. Cụ thể, như tiết lộ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh thì có rất nhiều loại hình âm nhạc được sử dụng trong phim như: xẩm, chèo, ca trù, chầu văn, quan họ… Và để có được bức tranh âm nhạc đa sắc màu này, đã có tới 4-5 nhạc sĩ tham gia và đều bỏ cuộc vì thấy khó quá. Sau cùng, nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng - người từng làm nhạc cho các phim “Ma làng”, “Gió làng Kình” nhận lời vì thấy tuy khó nhưng thú vị. Thậm chí, khi làm nhạc cho bộ phim này, vốn xuất thân từ nghệ sĩ đàn bầu nên nhạc sĩ Quang Hưng còn cao hứng trổ tài chơi đàn bầu.  

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh thổ lộ, anh làm “Thương nhớ ở ai” trong tình trạng sức khỏe rất kém, đứng lên còn phải vịn tường. Vì thế, anh có đề nghị VFC chọn cho mình một người đồng hành với nỗi lo mình có thể gục ngã khi đang làm dở phim. Song rốt cuộc, cũng bởi nỗi lo ấy mà anh có được sự hợp tác rất ăn ý từ đạo diễn Bùi Thọ Thịnh - người cũng khó tính và kỹ tính không kém gì mình, cũng như có được những thước phim ưng ý trong “Thương nhớ ở ai”.