Cụ Đề Thám yên nghỉ tại Mỹ Đức, Hà Nội?

(ANTĐ) - Sau khi khởi đăng loạt bài “Xung quanh việc tìm thấy phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám: Đâu là sự thật?”, Đường dây nóng Báo ANTĐ nhận được điện thoại của anh Nguyễn Hòa (Phó Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội - 74 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cung cấp thêm cho Báo ANTĐ một câu chuyện về cụ Đề Thám mà gia đình anh bao năm âm thầm gìn giữ... Câu chuyện này đặt ra thêm một giả thiết về nơi đặt phần mộ của cụ Hoàng Hoa Thám...

Cụ Đề Thám yên nghỉ tại Mỹ Đức, Hà Nội?

(ANTĐ) - Sau khi khởi đăng loạt bài “Xung quanh việc tìm thấy phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám: Đâu là sự thật?”, Đường dây nóng Báo ANTĐ nhận được điện thoại của anh Nguyễn Hòa (Phó Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội - 74 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cung cấp thêm cho Báo ANTĐ một câu chuyện về cụ Đề Thám mà gia đình anh bao năm âm thầm gìn giữ... Câu chuyện này đặt ra thêm một giả thiết về nơi đặt phần mộ của cụ Hoàng Hoa Thám...

>>> Lật lại những nghi vấn

>>> Hành trình tìm mộ của cháu nội cụ Hoàng Hoa Thám

Nhà thờ Đề Thám và nghĩa quân tại Khu di tích Yên Thế
Nhà thờ Đề Thám và nghĩa quân tại Khu di tích Yên Thế

Người duy nhất trong gia đình anh Nguyễn Hòa còn lưu giữ những ký ức xung quanh những bí ẩn này là chú anh - ông Nguyễn Thế Đàm  (số 6A ngõ 559 Lạc Long Quân - Hà Nội). Dù đã bước qua tuổi 75, nhưng ông Đàm còn rất minh mẫn. Hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi với chúng tôi, ông Đàm đã nhiều lần rơi nước mắt khi kể về chuyện xưa. Câu chuyện được bắt đầu vào khoảng năm 1940-1941 khi ông chừng 7 tuổi. Thời điểm đó, Hà Nội có nhiều biến động, bố mẹ ông gửi ông về quê (xóm Chợ, Bình Đà, Hà Tây cũ) ở với ông bà nội và học luôn ở trường làng. Ông nội ông Đàm là cụ Nguyễn Duy Thủ, nhưng cả làng vẫn gọi là ông Hai Sừng. Sở dĩ cụ Thủ bị gọi vậy là vì tính cụ ngang tàng, đã làm gì thì phải làm bằng được. Khi còn trẻ cụ đã từng giấu gia đình, mang theo gạo tiền lên Yên Thế làm nghĩa quân của Đề Thám.

Ông chậm rãi kể: “Hình ảnh đã in đậm vào óc tôi suốt gần 70 năm qua, đó là khoảng năm 1941, một lần tan học, về đến nhà, tôi gặp hai người đàn ông, một già một trẻ, cả hai đang ngồi nói chuyện với ông nội tôi. Bàn thờ nhà tôi lúc bấy giờ không có giỗ nhưng nghi ngút khói hương. Lại thêm một mâm cỗ với đầy đủ xôi gà. Thấy lạ, tôi liền hỏi bà nội, sao hôm nay nhà mình lại có cỗ và hai người đàn ông ấy là ai. Bà nội đã  kéo tôi ra sân nói nhỏ: “Hôm nay là ngày giỗ Quan Ngài”. Rồi bà còn căn dặn “không được kể với ai, nếu không cả nhà khổ đấy”. Chập tối hôm ấy, ông nội tôi cùng hai người khách mang một mâm lễ nhỏ ra sân quỳ lạy khấn vái. Đến tảng sáng, hai người khách mới từ biệt ông tôi ra về. Hôm đó là ngày12-3 âm lịch”.

Ông Nguyễn Thế Đàm
Ông Nguyễn Thế Đàm

Hai năm sau, cũng vào ngày 12-3 âm, ông nội ông Đàm lại làm giỗ Quan Ngài: “Lần ấy, anh trai tôi, đang học ở Hà Nội cũng về. Anh hỏi bà nội, hôm nay là giỗ ai mà nhà mình làm to thế. Bà tôi bảo: “Hôm nay giỗ Quan Ngài”. Anh hỏi lại: “Quan Ngài là ai”, bà nói nhỏ: “Là cụ Đề Thám”. Nghe đến vậy anh lầu bầu trong miệng câu gì đó. Chỉ biết sau đó, ông tôi quát tháo ầm ĩ rồi đuổi anh ra khỏi nhà” - ông Đàm kể.

Năm 1944, cụ Nguyễn Duy Thủ mất, một năm sau cụ bà cũng về với tiên tổ. Sau khi ông bà nội mất, ông Đàm lên Hà Nội ở với mẹ. Khoảng những năm 1945, câu chuyện về Đề Thám lại được khơi lên khi chính mẹ ông đã kể lại rằng, ông nội từng tham gia nghĩa quân Yên Thế, và trở thành thân binh của cụ Đề. Đặc biệt, ông nội ông chính là người đã chôn cất Đề Thám khi Quan Ngài qua đời...

Trải qua chiến tranh loạn lạc liên miên, câu chuyện bí ẩn về ngày giỗ Quan Ngài cũng vì thế mà chìm đi. Ông Đàm còn nhớ, đến những năm 1972, trong lần về quê làm giỗ ông bà nội, ông có gợi lại chuyện xưa: “Hôm đó là vào ngày 8-3 âm lịch, tôi nói với anh cả tôi là anh Nguyễn Duy Khiêm (ông Khiêm SN 1914 và mất 1977 - PV) chỉ còn vài ngày nữa là giỗ Quan Ngài nhỉ? Nghe thấy tôi nhắc đến, anh tôi chợt nhớ ra và kể, vào năm 1946, có hai người khách ở Mỹ Đức (Hà Tây nay là Hà Nội) ra thăm ông.

Hai người đó cho biết, họ chính là người trông nom mộ cụ Đề Thám. Ông Khiêm đã thuật lại với ông Đàm cùng cả nhà câu chuyện của hai người khách ở Mỹ Đức rằng: “Khi cụ Đề bị thương cũng là lúc phong trào rơi vào tình cảnh khó khăn, nên thân binh của cụ trong đó có ông Nguyễn Duy Thủ đã đưa cụ Đề vượt qua dãy Tam Đảo, lên Lập Thạch (Vĩnh Phúc) qua sông Lô đến Thanh Sơn (Phú Thọ) từ đó vượt sông Đà sang đất Hà Tây với ý định từ đó vào miền Trung dưỡng bệnh và kết nối với những chí sĩ yêu nước ở đó. Nhưng vì bệnh tình quá nặng, cụ Đề Thám đã mất trên đường đi, nên những thân binh lúc bấy giờ đã chôn cất cụ Đề. Sau khi lo hậu sự cho cụ Đề Thám, ông Nguyễn Duy Thủ lại tiếp tục lên Yên Thế, gặp  một số người và báo tin cụ đã mất”.

Như vậy, theo thông tin mà ông Đàm đã được nghe ông bà nội và anh trai của mình kể lại thì phần mộ cụ Đề không phải ở Bắc Giang mà được chôn đâu đó tại vùng giáp ranh giữa Mỹ Đức (Hà Nội) với Kim Bảng (Hà Nam). Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Đàm rơm rớm nước mắt khẳng định ông tuyệt đối tin tưởng vào câu chuyện của gia đình. Trước đó, cách đây khoảng 10 năm, khi nghe tin hậu duệ của cụ Hoàng Hoa Thám đi tìm mộ, ông cũng đã viết một lá thư dài kể lại câu chuyện này gửi tới bà Hoàng Thị Hải (cháu nội cụ Hoàng, con gái lớn của ông Hoàng Hoa Phồn) thì được bà Hải cho biết, đây là một thông tin mới, rất cần được điều tra, xác minh.

Cho tới nay, chưa có một căn cứ nào thẩm định tính chính xác của thông tin trên. Chúng tôi xin đưa lại lời kể của ông Nguyễn Thế Đàm như là một tài liệu để những nhà nghiên cứu lịch sử, con cháu cụ Hoàng lấy đó làm tiền đề cho việc nghiên cứu và tìm kiếm nơi thực sự là phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám.

Quỳnh Vân