Cổng làng - nơi ra đi để trở về…

(ANTĐ) - Quê tôi là một làng nhỏ bám dọc ven sông. Thuở xa xưa cũng có mái đình, cây đa, vòm cổng dẫn lối vào đường quanh, ngõ nhỏ. Rồi một ngày cổng đổ. Cây đa cũng lụi đi tự lúc nào. Rồi làng hóa phố. Vòm cổng làng cong cong mái ngói rêu phong cổ kính, giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Cổng làng - nơi ra đi để trở về…

(ANTĐ) - Quê tôi là một làng nhỏ bám dọc ven sông. Thuở xa xưa cũng có mái đình, cây đa, vòm cổng dẫn lối vào đường quanh, ngõ nhỏ. Rồi một ngày cổng đổ. Cây đa cũng lụi đi tự lúc nào. Rồi làng hóa phố. Vòm cổng làng cong cong mái ngói rêu phong cổ kính, giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Cổng Giếng làng Yên Thái
Cổng Giếng làng Yên Thái

Rời quê, ra Hà Nội, sống ở vùng Bưởi, tự nhiên hàng ngày lại được đi ra đi vào qua những cổng làng. Cổng làng Hồ Khẩu, số 370 Thụy Khuê. Cổng làng Đông Xã, số 444. Rồi Cổng Xanh, làng An Thái Thọ, số 514; cổng tòa nhà Ủy ban nhân dân phường Bưởi, số 528. Rồi cổng Hầu, cổng Giếng  liền kề…

Tất cả đều thuộc vùng Bưởi, nằm ở khúc cuối phố Thụy Khuê. Người vùng Bưởi thường kể rằng, cổng làng Yên Thái, số 562 Thụy Khuê (người dân trong vùng quen gọi Cổng Giếng), nghe nói là nơi được vua Tự Đức đặt cho bốn chữ vàng “mỹ tục khả phong” vào năm 1867.

Thụy Khuê được coi là phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội, có lẽ bởi phố này gắn với vùng Bưởi, trước kia là vùng quê ven thành Hà Nội có nghề làm giấy dó. “Nhịp chày Yên Thái” trong câu ca xưa: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” chính là nói về tiếng chày giã dó vọng từ làng Bưởi thuở nào.

Nay cả vùng Bưởi đã hóa phố từ lâu lắm, nghề làm dó ở vùng Bưởi hầu như không còn. Đô thị hóa đã biến cả một vùng quê ven thành Hà Nội xưa thành phường, thành phố, nhưng những cổng làng thì vẫn còn đó, ẩn hiện dưới những tán cây, đan xen giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại.

Loanh quanh trong vùng Bưởi bây giờ, cứ thỉnh thoảng lại bắt gặp một ngõ nhỏ với chiếc cổng đã cũ lắm. Cổng vào làng. Cổng trong ngõ. Ngõ nhỏ quanh co trong làng nhỏ. Cổng và làng là vậy, bao giờ cũng gắn kết với nhau. Có những nhà đã sửa sang xây mới lại, hiện đại, bề thế hơn, nhưng vẫn cố gắng giữ lấy nếp cổng cũ như một niềm trân trọng gửi về quá khứ. Đặc biệt, trong làng thường có nhiều đình, chùa, đền, miếu, cũng góp thêm cho làng những mái cong vòm cổng cổ kính.

Một lý do nữa khiến vùng Bưởi có nhiều cổng làng, có lẽ là do nghề làm giấy dó, người ta phải dựng nhiều tàu seo (là bể dùng để ngâm và lọc bột dó). Cạnh tàu seo thường có miếu thờ tổ nghề làm giấy. Một số đền miếu thờ sau này đổ nát mất đi, còn lại cái cổng được người dân giữ lại, cũng góp thêm vào “danh sách” các cổng làng.

Đi quanh vùng Bưởi, nhiều khi thấy ngõ đang thẳng bỗng sừng sững một cái cổng chắn ngang. Có thể đó là dấu tích còn lại của một đền miếu nào đã mất, lâu dần, đã biến thành cổng làng, nhưng vì nó đẹp và còn tỏ ra hài hòa với cảnh quan xung quanh nên vẫn được giữ lại.

Phía sau cổng làng, người dân vùng Bưởi, đặc biệt là các cụ già, vẫn quen với nếp sinh hoạt, nếp sống hàng ngày theo kiểu làng xã, họ vẫn có một cuộc sống của… làng. Hàng xóm láng giềng quây quần ra vào thân thiết giữa nhà nọ với nhà kia, qua lại thăm hỏi nhau lúc tắt đèn tối lửa.

Các cụ già thường nói “tôi người làng Bưởi”, thay vì nói “tôi ở phường Bưởi”. Đến cả người trẻ cũng thường nói “tôi ở làng Đông” hoặc ở làng Võng (Võng Thị), làng Hồ… Người gốc Bưởi có giọng nói cũng đặc biệt, nó nhẹ, thanh, nhưng có pha một chút lơ lớ kiểu… Hà Tây (cũ), khác hẳn giọng của người… “Hà Nội phố”.

Có một người gốc Bưởi, sinh ra và lớn lên ở làng An Thái, mang duyên nợ với cái cổng làng, đó là ông Vũ Kiêm Ninh. Ở vùng Bưởi bây giờ, người họ Vũ nhiều nhất, họ là người Bưởi gốc từ lâu đời. Ông Vũ Kiêm Ninh vốn là một công chức bình thường nghỉ hưu non, không hiểu suy nghĩ thế nào, mới sắm một chiếc máy ảnh Cannon cũ, để ngày ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng, với chai nước lọc và chiếc bánh mì nguội, ông đạp xe thong dong đi chụp ảnh.

Ảnh ông Vũ Kiêm Ninh chụp nhiều nhất là… cổng làng. Cách đây mấy năm, ông tập hợp ảnh in thành một cuốn sách khá lớn, gọi tên là “Cổng làng Hà Nội xưa và nay”, với 109 bức ảnh về cổng làng ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội mà ông chụp được. Nhiều người muốn tìm hiểu về cổng làng đều phải tìm đọc cuốn sách của ông. Đọc rồi người ta thấy có lẽ ông ham chụp cái cổng làng vì ông sợ nó sẽ mất đi vào một ngày nào đó, ông chụp lại vì đơn giản ông muốn hình ảnh của nó được lưu giữ lại…

Chụp cổng làng, cặm cụi ghi chép sử liệu, phân tích, đánh giá, viết báo, in sách, đến nay người ta đã gọi ông Vũ Kiêm Ninh là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông là một chứng nhân cho thấy một tình yêu những cánh cổng, những ngôi làng, chính là tình yêu của người con quê hương với nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó. Có lần nói về cái công việc đi chụp cổng làng của mình, ông Vũ Kiêm Ninh có nói, đại ý, những bí mật ẩn giấu sau cánh cổng làng, có đến mới biết, có đi mới hiểu…

Con người sinh ra có cội có nguồn, và dù ở đâu, mỗi cánh cổng, mỗi căn nhà hay mỗi ngôi làng, đều là nơi cất giữ cho người ta cả một miền ký ức. Nên dù ở đâu, cổng làng cũng là nơi người ta ra đi là để trở về…

Trang Thanh