Có một hội thề làm quan trong sạch giữa lòng Hà Nội

ANTD.VN - Sáng nay 29-4, tại đền Đồng Cổ, Hà Nội diễn ra Lễ hội thề “Trung hiếu” gắn với truyền thống trung quân ái quốc của Việt Nam. Hội thề diễn ra với tinh thần: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”.

Không gian linh thiêng đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, một vị thần hiển linh giúp nước. Năm 1020 Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông (1028-1054) vâng mệnh Lý Thái Tổ dẫn quân đi dẹp loạn phương Nam. Đoàn quân của Thái tử tiến tới chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, Thanh Hóa thì hạ trại. Nơi đây có ngôi đền thờ Thần Núi Đồng Cổ.

Canh ba đêm ấy, Thái tử mộng thấy một vị thần cao lớn 8 thước, mày râu sắc nhọn, thân mặc chiến bào, tay cầm binh khí hiện ra trước Thái tử tâu: “Tôi là Thần Núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi dẹp giặc phương Nam xin được theo giúp để phá giặc”. Thắng trận trở về, Thái tử đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ.

Nguồn gốc lời thề “Trung hiếu”

Ngay sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tông cho xây một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành, sắc phong cho Thần “Thiên hạ minh chủ đại vương” và quyết định lấy ngày 25-3 âm lịch hàng năm để tiến hành hội thề. Trước đền đắp một đàn cao, trên bày thần vị, các quan văn võ từ phía Đông đi vào quỳ trước đàn, uống máu và thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi chép về Lễ hội thề: Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trường theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, nhân dân bốn phương nô nức đổ về xem chật ních cả đường phố.

Lễ hội thề không chỉ là sợi dây kết nối con người với tâm linh mà còn là sợi dây gắn kết con cái với ông bà, cha mẹ. Và quan trọng nhất, bề tôi bày tỏ lòng trung thành với vua, quan bộc lộ sự chính trực; không tham nhũng hay vụ lợi; tập trung chăm lo đời sống nhân dân. Từ đó, nhân dân tin tưởng vào sự minh bạch phát triển đất nước. Về sau vì hội thề trùng với ngày kỵ của vua nên chuyển sang mùng 4 tháng tư âm lịch. Đến thời Trần tiếp tục giữ lệ này.

Lễ hội thề “Trung hiếu” 

Lời thề của ngày hôm nay

Thời gian có thể chảy trôi và bào mòn những di tích vàng son rực rỡ bằng rêu phong bụi phủ, nhưng không thể nào bào mòn được giá trị văn hóa di sản, tinh thần. Bởi nếu đặt chân chân tới đền Đồng Cổ (Kẻ Bưởi) Hà Nội, khách hành hương sẽ quên hết thảy những hời hợt, bon chen, ồn ã ngoài kia. Thảnh thơi bước qua cây cầu nhỏ, gặp cây hoa đại gần 600 tuổi đã thành đại thụ từng bông trắng thơm ngát, nhớ lời thề kiên tâm mà gần một thiên niên kỷ còn nguyên vẹn. Nhưng sự thay đổi của Việt Nam qua các triều đại, thời kỳ và Hội thề cũng bị ảnh hưởng thăng trầm.

Xưa kia, người thề trước uy linh Đại vương Thần minh chủ là vua chúa, những người điều hành đất nước; ngày nay là tập thể nhân dân, hàng ngũ chỉnh tề dưới đền hồng xin thề. Nhân dân Đông Xã, ngày ngày mở cửa hương khói chăm nom đền Đồng Cổ. Kết thúc lời thề trung hiếu tại đền Đồng Cổ là dư âm của chiêng trống, là cõi tâm linh, mỗi người đều ngân trong lòng lời cầu nguyện.

Ngày nay, người cầu tài, cầu lộc, cầu danh, có người cầu hạnh phúc lứa đôi chung thủy suốt đời thì nhiều... Liệu còn ai tha thiết mong mỏi như nhân dân nơi đây, đến và đi xin ghi nhớ trọn đạo hiếu nghĩa trong gia đình và lòng trung thành với giang sơn, Tổ quốc?