Cơ hội tìm kiếm vốn đầu tư trên "sân nhà" cho các nhà làm phim "nội"

ANTD.VN - Thực tế nhiều nhà làm phim độc lập đã phải cất công ra nước ngoài, đem kịch bản và các dự án phim của mình đến với nhiều liên hoan, triển lãm, hội chợ phim nước ngoài để tìm kiếm cơ hội nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế. Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng sẽ phần nào tạo ra cơ hội đó cho các nhà làm phim Việt ngay trên chính sân nhà.

Ý tưởng thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được nhen nhóm từ cách đây hơn chục năm, cụ thể là từ năm 2007. Tính đến thời điểm này, Cục Điện ảnh cũng đã trình tổng cộng 3 dự thảo về sự ra đời của quỹ này song đến nay quỹ vẫn chưa thể “khai sinh”.

Cái khó tựu chung lại vẫn xoay quanh vướng mắc lớn nhất, đó là nguồn thu tăng thêm ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cấp. Theo đó, nguồn thu tăng thêm này sẽ được gộp lại từ một số nguồn như: nguồn thu từ việc phát hành, phổ biến các phim được sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ đi các chi phí theo quy định hiện hành; nguồn thu từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (theo đề án là 3% đối với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% đối với phim Việt Nam); nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp từ những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, nếu trích nguồn thu từ việc bán vé xem phim ngoài rạp chiếu thì lại vướng phải một số quy định về tài chính hiện hành như luật về thuế, phí, lệ phí… Mà như vậy, để có được nguồn tài chính ổn định duy trì quỹ lại là bài toán cần phải được cân đối và cân nhắc lại một cách kỹ càng. Được biết, ban soạn thảo dự án thành lập quỹ cũng đã xây dựng một số văn bản đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với các luật trên song vẫn phải chờ được phê duyệt.

"Bi, đừng sợ!" của đạo diễn Phan Đăng Di cũng từng phải vất vả tự đi tìm kiếm nguồn vốn sản xuất từ các quỹ đầu tư phát triển điện ảnh nước ngoài

Nhận định về sự cần thiết trong việc ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh từng chia sẻ, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, từ đó đẩy mạnh việc quảng bá con người và đất nước Việt Nam. Đặc biệt, người đứng đầu Cục Điện ảnh đánh giá, quỹ sẽ khuyến khích sự sáng tạo trong giới làm phim, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật, tạo sự hài hòa giữa các dòng phim.

Trở lại với đối tượng mà Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh “nhắm” tới thì đó là những bộ phim nghệ thuật, phim tác giả - những phim có sự tìm tòi sáng tạo về mặt nghệ thuật. Đây được xem là thể loại phim thứ ba, bên cạnh phim do Nhà nước đặt hàng và phim giải trí do các hãng tư nhân sản xuất.

"Đập cánh giữa không trung" của đạo diễn Hoàng Điệp cũng được xếp vào dòng phim độc lập, thể nghiệm nghệ thuật

Trên thực tế, trước kia cũng từng có một số phim được xếp vào dòng này như: “Đập cánh giữa không trung”, “Bi, đừng sợ!”...mà nhà sản xuất của chúng như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp từng phải cất công đem ra nước ngoài “chào hàng” để tìm kiếm nguồn vốn sản xuất. Các phim này có thể nói là phim thử nghiệm nghệ thuật. Sau khi được hoàn thành, nhiều phim cũng để lại nhiều dấu ấn tại các Liên hoan phim, sân chơi điện ảnh lớn nhỏ trên trường quốc tế.

Vì vậy, nếu có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam thì bản thân các nhà làm phim Việt cũng sẽ đỡ vất vả hơn trong việc rong ruổi đi tìm kiếm sự tài trợ từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài. Cơ hội làm phim vì thế cũng sẽ được mở ra rộng rãi hơn. Về điều này, TS Ngô Phương Lan cũng thừa nhận, nếu không thành lập được quỹ thì bản thân nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phim đặt hàng cũng không có tiêu chí nào cho phim thử nghiệm nghệ thuật.

Theo dự án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, đối tượng được quỹ hỗ trợ là các nhà làm phim, các tác phẩm điện ảnh; dự án sản xuất phim, bao gồm kịch bản, dự án sản xuất, quảng bá phim, các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác (sáng tác kịch bản và xây dựng dự án sản xuất phim), hoạt động quảng bá, phát hành phim Việt Nam ở trong và ngoài nước.