Có hay không việc "rửa tranh" thông qua các sàn đấu giá?

ANTD.VN - Chuyện một số bức tranh giả đàng hoàng lọt qua vòng thẩm định của những chuyên gia mỹ thuật để triển lãm công khai như một minh chứng cho sự thật rằng, chất lượng thẩm định tranh ở ta còn non.

Sự việc tranh giả ầm ĩ nhất trong mấy năm trở lại đây có lẽ thuộc về cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” cách đây tròn 1 năm. Trong khi đó, một số sàn đấu giá nội địa bắt đầu “ngắm” được cơ hội “rửa tranh”, biến giả thành thật. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi cùng họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam xung quanh việc này.

Có hay không việc "rửa tranh" thông qua các sàn đấu giá? ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn

Sàn đấu giá hỏng ngay khi tập dượt

- PV: Thưa ông, gần đây hình thành một khái niệm mới -“rửa tranh”, ý để nói về tranh giả, thông qua các cuộc đấu giá trở thành tranh thật và được xác định giá trị. Cá nhân ông đánh giá thế nào?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Cũng chưa chắc đã “rửa tranh” suôn sẻ được thông qua các cuộc đấu giá. Đấu giá nghệ thuật đặc biệt là đấu giá tranh ở ta vẫn nghiệp dư lắm.

- Mỗi cuộc đấu giá, người ta đều phải có hội đồng thẩm định để xác nhận tính chân xác của tác phẩm. Vậy ai thẩm định hội đồng thẩm định?

Điều bạn hỏi, cho đến giờ là một ẩn số. Ở các sàn đấu giá trong nước, Hội đồng thẩm định được chọn bởi Ban tổ chức. Bảo chọn là chọn thôi còn để mà chịu trách nhiệm trước giám định của mình, có cam kết đảm bảo tính chính xác không thì giời ơi đất hỡi lắm. Chẳng ai chịu trách nhiệm gì cả.

- Vậy thì chúng ta phải căn cứ vào điều gì để kết luận tranh giả - thật?

Lâu nay việc thẩm định tranh căn cứ vào tình cảm và sự hiểu biết của chính bản thân đối với tác giả. Những họa sĩ thành danh thường có một đĩa màu, màu sắc đó phụ thuộc vào tình cảm nội tâm, đó là lựa chọn đặc trưng dựa trên quan niệm hội họa và khuynh hướng sáng tác. Nhiều khi chỉ nhìn màu, nhìn cách vẽ, quệt toan… là biết của họa sĩ nào rồi. Nói là thế, nhưng vấn đề này là câu chuyện gian nan và khó.

- Thưa ông, đó cũng chỉ là cảm tính, chưa dựa trên những chứng cứ khoa học. Có cách nào xác định bằng phương pháp khoa học không, giám định kỹ thuật hình sự chẳng hạn?

Xác định được. Giám định này chính xác đến 70-80% dựa trên các phân tích khoa học như phân tích loại vải, loại toan… Rồi màu sắc sử dụng, màu của Đức, Nga hay Pháp… Cũng phải lưu ý rằng, trình độ làm tranh giả của Việt Nam hiện nay kém nhất so với thế giới. 

- Ông nhìn nhận thế nào về việc xuất hiện ngày càng nhiều các sàn đấu giá nghệ thuật ở trong nước?

Sự xuất hiện của sàn đấu giá như là những cuộc tập dượt. Tuy nhiên, buồn một chỗ là đã hỏng ngay từ lần đầu tiên tập dượt rồi. Các sàn đấu giá nghệ thuật xuất hiện nhanh, vội vã và nóng ruột. Có cuộc mời hội đồng thẩm định rất không có nghề, sểnh ra là toàn tranh giả. Bản đấu giá thành công thì lại không phải tác phẩm tốt nhất của họa sĩ. Hồi Việt Nam bắt đầu mở cửa, thị trường tranh Việt chủ yếu do nước ngoài định giá. Bảo tàng Nghệ thuật ở Singapore sở hữu tận mấy trăm bức của các tác giả Việt Nam - toàn là tranh xuất sắc cả. Bây giờ nhiều họa sĩ vẽ cho có, họ không thể tìm lại thời kỳ đỉnh cao của mình thời kỳ đầu đổi mới nữa.

- Nếu cứ duy trì những sàn đấu giá thiếu tin cậy thì thị trường tranh Việt mất gì, thưa ông?

Mất lòng tin đối với nước ngoài. Vấn nạn tranh giả tồn tại hơn 30 năm rồi mà loay hoay mãi không giải quyết được. Chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý để xử lý đến cùng việc buôn bán và sản xuất tranh giả. Tôi đã từng góp ý nhiều về việc này lắm rồi. Và cũng có nhiều người bảo tôi rằng, nghệ thuật thì cần gì phải luật. Đấy, bây giờ thì chết dở vì thiếu luật đấy. Nhà quản lý toàn phải đuổi theo vụ việc, kéo xa hơn khoảng cách giữa nghệ sĩ và người quản lý. Chúng ta chưa có Luật Hành nghề tự do. Hầu hết nghệ sĩ có đi làm Nhà nước đâu. Họ hành nghề tự do thì quản lý kiểu gì? Bảo vệ không gian sáng tạo an toàn cho nghệ sĩ cũng là câu hỏi đau đầu.

Có hay không việc "rửa tranh" thông qua các sàn đấu giá? ảnh 2Bức “Phố cũ”- tác giả Bùi Xuân Phái mà nhà đấu giá Chọn đưa ra đang làm dấy lên tranh luận về tính thật - giả

Họa sĩ chấp nhận “sống chung với lũ”

-Vậy Hội Mỹ thuật Việt Nam có cách gì để cùng lên tiếng với các họa sĩ, đảm bảo danh dự và quyền lợi của hội viên?

Các sàn đấu giá được thành lập và có tư cách pháp nhân, được Nhà nước công nhận hẳn hoi. Cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh mỹ thuật trầm lắng, chẳng biết đã đến mức chạm đáy hay chưa thì sự xuất hiện các sàn đấu giá là một tín hiệu vui.

Tuy nhiên, phải làm sạch thị trường, thay máu hoàn toàn thì mới hết nạn tranh giả được. Không ai có thể bảo vệ được họa sĩ bằng chính họ. Họ đang sống trong một không gian sáng tạo thiếu an toàn. Tác phẩm vừa đưa lên mạng xã hội là bị ăn cắp ngay, và thành tài sản của người khác. Hà Nội có cả một con phố bán công khai tranh chép. Nhiều gallery tuồn tranh giả đi cửa sau. Là một hội nghề nghiệp, chúng tôi chỉ lên tiếng chứ không trực tiếp đi giải quyết vụ việc được. Chúng tôi chỉ thực sự vào cuộc khi họa sĩ kêu cứu. Mà các họa sĩ của mình nhiều khi dĩ hòa vi quý, chấp nhận “sống chung với lũ”.

- Nghe nói chúng ta cũng từng có một Trung tâm giám định mỹ thuật. Bây giờ trung tâm này hoạt động như thế nào, thưa ông?

Hơn chục năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có một trung tâm giám định. Bây giờ thì đóng cửa rồi. Đa số nhân viên trung tâm xưa được điều chuyển từ bảo tàng sang, họ không có nghề về giám định. Họa sĩ chẳng bao giờ đến trung tâm này cả.

- Xin cảm ơn ông!