"Cơ duyên" ngủ cùng phòng bệnh với nhà văn

ANTD.VN - Bệnh tật vốn không bỏ qua ai, mà các nhà văn cũng không phải thần tiên nên không ngoại lệ. Có điều, khi các nhà văn đi bệnh viện cũng lắm chuyện... khác người thường!

Dây truyền dịch cũng truyền… cảm hứng

Vào khoảng giữa năm 2017, nhận thấy sức khỏe có nhiều bất ổn, nhà thơ Vũ Từ Trang quyết định đi khám bệnh. Các kết quả xét nghiệm của cả ba bệnh viện lớn ở Hà Nội đều có chung một kết luận giống nhau: ông mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Không mất bình tĩnh khi đối diện với sự thật này, ông làm các thủ tục cần thiết để nhập viện điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Những ngày đó, bạn văn chương yêu quý Vũ Từ Trang truyền nhau thông tin nhà thơ bị bệnh, ai cũng lo lắng cho ông. Rất nhiều người bạn nghe tin vội chạy vào bệnh viện thăm hỏi tình hình. Có người đôn đáo đi tìm thuốc dân gian, có người tìm các phương pháp điều trị tân tiến nhất trên thế giới gửi cho ông tham khảo, có người chỉ khuyên ông một câu giản dị: “Cứ yêu đi, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống là mọi bệnh tật đều chào thua. Đặc biệt bệnh ung thư chỉ sợ mỗi tình yêu thôi đấy!”.

Phòng điều trị đặc biệt của bệnh viện cao cấp sạch bong, sáng trưng đèn điện, những người bạn văn chương đến thăm bao giờ cũng ồn ã, rổn rảng đọc thơ, bình thơ như giữa hội thảo văn học khiến các bệnh nhân cùng phòng hết ngạc nhiên rồi lại... vui lây. Nhà thơ Vũ Từ Trang ngồi giữa bạn văn, cả cơ thể nối đầy dây rợ từ các chai hóa chất truyền vào người, miệng luôn mỉm cười hiền hậu.

"Cơ duyên" ngủ cùng phòng bệnh với nhà văn ảnh 2Nhà thơ Vũ Từ Trang

Sau mấy tuần hóa trị, tóc rụng dần khiến nhà thơ như được mang một gương mặt khác: thanh thản và ngây thơ hơn. Hôm ấy, có mấy nhà văn trẻ đến thăm, nhìn những ống dây nhựa loằng ngoằng, một người thốt lên: “Ôi, nhìn những sợi dây này làm em cứ hình dung đến sợi dây rốn nối từ thân thể mình đến bánh nhau trong bụng mẹ. Dây rốn truyền sự sống của mẹ đến con, nay sợi dây nhựa này đang truyền hóa chất để níu giữ mình lại cuộc đời này anh ạ.”

Nghe xong, ông bỗng lặng đi giây lát. Trong ông đã hình thành một ý thơ. Khi các bạn ra về, ông dùng điện thoại ghi lại ngay bài thơ ấy:

DÂY NỐI

Lúc chào đời, bé bỏng sinh linh con được mẹ truyền sự sống

bằng sợi nhau nối liền cuống rốn

mẹ chắt lọc bao tinh túy, bổ dưỡng từ thân thể mẹ cho con

gạt hết đắng cay, mẹ dành ngọt ngào

con lớn lên từ sợi dây nhau yêu thương của mẹ.

Nay con lâm bệnh

mẹ không còn để che chở cho con

sự sống của con lại được nối với dây truyền hóa trị

thuốc đắng dã tật

thân thể con mong manh nuốt từng dòng thuốc độc

cái độc ác, tối tăm này có cứu được đời con?

sao nó ngược với dây nhau ngọt ngào của mẹ thương con.

Ít tuần sau bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ, nhiều người đọc đã không cầm được nước mắt, vừa cảm thương vừa nể phục nhà thơ. Có lẽ nhờ thơ, nhờ sự bình thản, yêu đời mà gần đây sức khỏe nhà thơ Vũ Từ Trang đã khá lên rất nhiều. Ông lại tiếp tục sáng tác, viết những bài phê bình văn học và lại lên đường rong ruổi với những hành trình văn chương...

"Cơ duyên" ngủ cùng phòng bệnh với nhà văn ảnh 3Nhà văn Khuất Quang Thụy

Họp Ban chấp hành trong… phòng bệnh 

Một buổi sáng cuối tuần, nhà văn Khuất Quang Thụy đi dự đám cưới con một đồng nghiệp. Đi gần đến nơi thì bị một chiếc xe máy lao ra từ vòng xoáy ở ngã tư đâm thẳng vào, ông chỉ kịp giơ tay lên che mặt rồi ngã xuống bất tỉnh. Khi mở mắt ra, Khuất Quang Thụy thấy mình đang nằm trong bệnh viện, xung quanh là người thân và các đồng nghiệp cùng cơ quan mà không nhớ được tình huống xảy ra tai nạn như thế nào.

Nhà văn bị tổn thương khá nặng: ngoài phần mặt bị sưng do đập xuống đường, còn bị rách lợi, gãy một chiếc răng hàm và gãy đốt ngón tay út bên phải. Thời gian đó lại đúng vào cuối năm, Hội Nhà văn tiến hành các cuộc họp rất quan trọng: bỏ phiếu xét giải thưởng, xét kết nạp hội viên mới.

Nhà văn Khuất Quang Thụy lại giữ vai trò Tổng biên tập báo Văn nghệ nên công việc làm báo Tết đang phải gấp rút triển khai. Bao nhiêu việc không thể có người thay thế. Vậy là dù đang phải tích cực điều trị, nhà văn vẫn phải điều hành công việc qua điện thoại. Khổ nỗi phần miệng bị tổn thương nên tiếng cũng... méo, mỗi lần “điều hành” qua điện thoại xong, mặt mũi ông lại nhăn nhó vì đau.

Ban chấp hành Hội chỉ có 7 người, thiếu một thành viên thì kết quả bỏ phiếu không hợp lệ. Cuối cùng Chủ tịch Hội quyết định mang thùng phiếu vào tận... giường bệnh để ủy viên BCH tự tay bỏ phiếu.

Một nhà văn nằm viện sẽ có rất nhiều bạn bè, độc giả kéo đến thăm, phòng bệnh lúc nào cũng nườm nượp khiến người nhà liên tục phải nói khó với các bệnh nhân khác thông cảm. Đáp lại những lời “nói khó” ấy, bác bệnh nhân nào cũng vui vẻ bảo: “Được nằm cùng phòng với nhà văn nổi tiếng là... vinh dự của chúng tôi. Nhờ thế mà chúng tôi mới được nhìn thấy nhà văn Khuất Quang Thụy bằng xương bằng thịt, lại còn được nghe bao nhiêu chuyện khi các nhà văn khác đến thăm nữa”.

Đặc biệt, các bệnh nhân cùng phòng đều không hiểu được tại sao khi đi thăm bạn ốm, nhà văn nào cũng oang oang tếu táo, chẳng có ai coi bệnh tật là nghiêm trọng, có lẽ vì thế mà nhà văn thường được xuất viện… nhanh hơn người khác!