Cố đô hồng ở Ấn Độ

ANTD.VN - Tôi đến Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan, Ấn Độ khi mặt trời đã lên cao. Bình minh màu hồng nhạt cuộn lên mái vòm Taj Mahal gần ngay sát vách... 

Cố đô hồng ở Ấn Độ ảnh 1Khi Hoàng tử xứ Wales Albert sang thăm cố đô năm 1876, toàn thành phố được sơn lại màu hồng để chào đón vị vua tương lai 

Thủ phủ của những pháo đài

Đồi pháo đài Rajasthan cách trung tâm Jaipur chục cây số là một quần thể các pháo đài chạy dài qua các đỉnh núi của dãy Aravallis được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, bao gồm pháo đài Amer, Chittorgarh, Jaisalmer, Kumbhalgarh, Gagron, Ranthambore. Dãy pháo đài quân sự này hùng vĩ như Vạn Lý Trường Thành, chỉ không dài bằng mà thôi. 

Pháo đài Amer, đồng thời cũng là một cung điện nằm tít trên đồi cao. Từ đường cái ngước mắt nhìn lên, cung điện là một câu hỏi bí ẩn đặt sau những bức tường vàng kiên cố. Muốn lên cổng chính, ô tô loại nhỏ (hoặc cưỡi voi cũng được) phải quanh co qua những con đường làng trải đá hộc dẫn tới đỉnh đồi. Và muốn nhìn toàn cảnh hồ Maota bên dưới, lại phải leo bộ lên sân thượng.

Ngay cả việc ấy cũng rất cầu kỳ: Qua sân chính, lên tầng hai, qua sân giữa, chui vào một hành lang tối dài bất tận, rẽ ngang dọc qua những căn phòng kết cấu hết sức trúc trắc và bí hiểm trong cung điện rồi mới tìm được một cánh cửa nhỏ dẫn lên cầu thang tầng thượng. Trên ấy có 2 nhà lầu với tường gạch mắt lưới. Nắng hắt lốm đốm trên sàn gạch và gió lùa ráo mồ hôi trên cánh tay trần. Giá thử có nhiều thời gian thì cứ muốn ngồi mãi ở chỗ ấy, vị trí mà ngày xưa có lẽ là nơi hóng mát của những công nương xinh đẹp trong triều đình, hoặc giả là nơi có thể giấu thư hẹn hò của mấy nàng công chúa. Lầu vãn cảnh trên đỉnh lâu đài Amer trông xuống trọn vẹn hồ Maota, nơi có một nhà vườn nổi xưa kia là vườn thượng uyển của trăm loài hoa quý đua sắc nhưng giờ đã thành nơi trồng rau củ. Từ chỗ ấy, tôi có thể bao quát những đoạn tường thành sững sững chạy ngang qua đỉnh Aravallis, nhìn xuống đường cái quanh co dưới chân núi và những con đường nhỏ khúc khuỷu bao lấy sườn pháo đài.

Quang cảnh ấy vừa giống Ba Tư, vừa giống Hy Lạp, lại nhác Trung Quốc. Cộng lại nó là hình ảnh đúng như từ ấy gợi nên: “Pháo đài”. Bí hiểm mà hùng vĩ. Đe dọa mà nên thơ. Ấy là tôi còn không đủ thời gian để xuống tham quan hầm ngầm nối giữa các pháo đài để trải nghiệm cảm giác giống như trong phim.

Lý do khiến cả thành Jaipur cứ hồng rực lên như thế là vì khi Albert, Hoàng tử xứ Wales sang thăm cố đô nãm 1876, toàn thành phố đã được sơn lại màu hồng để chào đón vị vua tương lai. Sau đó 10 năm, Bảo tàng  Albert Hall cũng được khánh thành. Bảo tàng cổ nhất thành phố nằm ở vườn Ram Niwas phía ngoài tường thành sở hữu một bộ sưu tập đáng kể những bức họa, thảm thêu có giá trị, các tượng điêu khắc bằng ngà voi, đá, kim loại, pha lê… nhưng như tất cả các bảo tàng khác trên đất Ấn, chỉ vì lý do kinh phí mà chẳng bao giờ có điều hòa. Khách tham quan nóng quá thì không ngại, nhưng tôi ngại rằng cứ để ở nhiệt độ như vậy, không biết các hiện vật có còn nguyên vẹn được đến thế kỷ sau.

Cố đô hồng ở Ấn Độ ảnh 2Đồi pháo đài Rajasthan, Ấn Độ

Chuyện ở Cung điện Gió

Từ Cung điện thành phố đi sang Cung điện Gió và Jantar Mantar khá gần nên chúng tôi gọi xích lô. Lái xe nói rằng một xe có thể chở 3 người. Một trong hai lái xe xích lô là cụ già trông như sắp chín mươi, hom hem và răng rụng gần hết. Tôi kiên quyết không để cụ già chở tận 3 khách du lịch sức dài vai rộng, nhưng từ chối cụ, nghĩa là bớt đi phần cơm tối nay của gia đình cụ thì e rằng còn tàn nhẫn hơn. Chúng tôi gọi thêm 2 xe nữa và để 2 người nhẹ cân nhất ngồi lên xe ông cụ. Lúc xích lô lên dốc, các tài xế đều phải nhảy xuống và đẩy tay. Lần này thì tôi đành ngó ngang, mắt lơ đãng nhìn những tòa nhà cổ kính màu hồng để tránh phải tận mắt dáng hình còm cõi của ông cụ đang đẩy hai bạn đồng hành của tôi đằng trước. Bụng lại gắng nhủ thầm, mình đâu có phải chịu trách nhiệm về sự đói nghèo của thế giới. 

Ðến Cung điện Gió, chúng tôi thất vọng vì nó đầy cọc tre bao quanh. Người ta đang trùng tu tòa nhà nên không thể vào bên trong tham quan. Ðúng lúc đang loay hoay tìm góc chụp ảnh, một anh chàng như từ dưới đất chui lên xuất hiện trước mặt tôi. Anh ta nói một tràng dài tiếng Anh và bảo rằng có thể nói được tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, tôi dùng ngôn ngữ nào để anh ta tiếp chuyện. Tôi nghệt mặt chẳng nói được câu nào, không phải khó hiểu những lời phát âm rất chuẩn như người Mỹ xịn mà vì gã lạ mặt có dáng dấp như… ba anh chàng bị trục xuất vì quá đẹp trai ở A rập.

Nước da rám nắng, sống mũi thẳng, đôi mắt sâu hút đặc trưng của cư dân Ấn Ðộ, cằm xẻ, tóc đen quăn dài chấm vai, thân hình vạm vỡ với áo body đen và quần jean, anh ta hẳn là diễn viên Hollywood đang bí mật đi du lịch. Ngay cả trên màn bạc thì tôi cũng hiếm khi nhìn thấy một nam nhân điển trai nhường này. Ðó là vẻ đẹp pha trộn của những gì tinh túy nhất đến từ cả ba lục địa Âu, Á, Phi. Ðây là người đàn ông của mọi người đàn ông. Cả nhóm ngơ ngác nhìn gã đẹp trai đang xoắn xuýt làm quen và bắt chuyện với tôi. Gã chỉ tay lên nóc nhà đối diện cung điện: 

- Mời cô quá bộ lên kia một lát. Trên tầng ba có một ô cửa sổ tuyệt đẹp có thể nhìn được toàn bộ dãy phố này và Cung điện Gió. Cô có thể ngắm cảnh và thưởng thức những gì lung linh nhất của thành Jaipur. Tôi là một nhà thiết kế đồ trang sức, gallery của tôi ngay trên đó, một căn phòng bé nhỏ thôi nhưng rất nhiều món đồ thú vị. Cô tham quan một chút, thế nào cũng sẽ có vài thứ cô thích. 

Ối giời, cứ như “Nghìn lẻ một đêm” ấy, một anh chàng đẹp trai như hoàng tử xuất hiện trên hè phố mời tôi lên ô cửa sổ tầng ba ngắm cung điện và xem đồ châu báu. Ðúng lúc ấy anh bạn cùng đoàn hốt hoảng ra ghé tai tôi: “Ông cụ lái xích lô kia bảo chớ có nghe chúng nó, rặt một lũ lừa đảo cả đấy. Chúng toàn đứng chực ở đây chèo kéo khách du lịch lên gác để gạ mua đồ lưu niệm. Ðồ vớ vẩn mà giá đắt cắt cổ. Ông ta bảo thế”. Sáu người còn lại cuống quýt kéo tôi đi, rồi vội vã nhảy lên xe xích lô, như thể sợ chậm trễ phút nào là tôi bị lừa đảo thêm phút ấy. Ông cụ lập tức guồng chân đạp xe chở chúng tôi quay trở về Cung điện thành phố, chỗ tài xế Naresh đang đợi, mặc cho anh chàng “Nghìn lẻ một đêm” í ới: 

- Quý cô ơi, chỉ một phút thôi. Cô có thể tham quan và ngắm thành phố, mua hay không mua cũng không sao.

Chao ôi Ấn Ðộ!

Sao ở đâu cũng phải cảnh giác kẻ lừa đảo và đeo bám. Người già, trẻ em, phụ nữ, thiếu nữ, những gã đen nhẻm luộm thuộm và cả anh chàng đẹp như thiên thần này nữa đều muốn chúng tôi phải móc ví đến những đồng rupi cuối cùng hay sao. Bỗng dưng buồn rụi, chỉ vì không quen nhìn thấy những gì tồi tệ gắn liền với một bộ dạng đẹp đẽ. Ðền đài, cung điện là đây, nhìn đâu cũng thấy lộng lẫy và sơn son thếp vàng, vậy mà ngay vách tường thành vẫn còn đấy những người ăn xin bệ rạc, những cô gái nghèo rách rưới sửa giày cũ, những cụ già giơ xương ngồi giữa trưa hè và cả những lão thổi kèn bắt rắn mặt khó đăm đăm.

Ðến Ấn Ðộ, quê hương của những người thổi kèn bắt rắn, tôi cứ tự hỏi giờ liệu có còn nhìn thấy họ. Không ngờ đi đâu cũng gặp. Trước cổng cung điện, những ông già thổi kèn đội khăn xếp hễ cứ thấy khách lại gần là giơ kèn lên thổi, rắn trong giỏ bắt đầu ngóc cổ dậy, mang bạnh ra. Chúng tôi phấn khởi quá giơ máy ảnh lên chụp. Ông già dừng ngay tiếng kèn đòi mỗi người 50 Rupi. Chúng tôi hỏi ướm 50 Rupi cho tất cả nhóm cùng chụp được không. Lão bắt rắn cầm nắp giỏ đậy luôn rắn lại. Con mang bành đang đu đưa bị chiếc nắp giỏ bực tức ụp xuống đầu ngơ ngác không hiểu chuyện gì, lại tiếp tục cuộn tròn ngủ trưa trước khi chờ hiệu lệnh của tiếng kèn 50 Rupi. Thế là người thổi kèn bắt rắn huyền thoại, thầy phù thủy có tài thôi miên cả loài rắn độc mà nhân loại vẫn giữ nguyên hình ảnh bí ẩn giờ hiện ra trần xì là những lão già khó tính, vô cảm luôn nhòm tiền Rupi của khách. 

Vì thế, nếu bạn đến Ấn Ðộ, hãy chỉ nên nhìn từ xa những người thổi kèn bắt rắn, nhìn từ xa những cung điện đền đài và thành phố chết, nếu bạn muốn hình dung về Ấn Ðộ vẫn còn nguyên những huyền ảo và bí hiểm như thuở ban đầu.