“Có 3 điều đáng mừng về chất lượng phim Việt Nam”

(ANTĐ) - Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim đồng thời là Phó  Ban Tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 phấn khởi trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô về sự kiện lớn của nền điện ảnh nước nhà...

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh:

“Có 3 điều đáng mừng về chất lượng phim Việt Nam”

(ANTĐ) - Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim đồng thời là Phó  Ban Tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 phấn khởi trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô về sự kiện lớn của nền điện ảnh nước nhà...

PV: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 trở thành điểm nóng của những người yêu điện ảnh nước nhà và cũng đã thu hút được các đơn vị sản xuất phim trong cả nước gửi phim dự thi. Với tư cách một nhà quản lý phụ trách nghệ thuật của ngành và cương vị Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim Trung ương, ông đánh giá thế nào về chất lượng phim của ngành điện ảnh Việt Nam từ sau Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 đến nay?

Ông Lê Ngọc Minh: Số phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam 16 không nhiều bằng một số LHP trước đây. Lý do từ LHP VN 15 đến LHP VN 16 có khoảng cách đúng 2 năm. Và quy định này sẽ là như vậy trở về sau. Còn trước đó, thường là 5 năm tổ chức hai lần, thậm chí 3 năm một lần như từ LHP 14 đến LHP 15. Thêm nữa là trong những năm gần đây, nhà nước vẫn giữ nguyên tổng số kinh phí đầu tư cho sản xuất phim, trong khi đó, những biến động giá cả theo chiều hướng chóng mặt đã làm cho một số dự án phim bị kéo dài, thậm chí có dự án không thể thực hiện được. Tuy nhiên, số lượng phim ít nhưng chất lượng phim có đến ba điều đáng mừng, đó là:

Thứ nhất, có những chùm phim khá chững chạc để tham gia các sinh hoạt điện ảnh lớn của thế giới; có những chùm phimđã thu hút khán giả trong một thời gian dài; có những bộ phim đã được trăn trở tìm tòi ngôn ngữ biểu hiện ở cách tiếp cận hiện thực khiến cho đồng nghiệp nước ngoài phải nhận thức lại điện ảnh Việt Nam ở tâm thế khâm phục;

Thứ hai, ranh giới giữa các phim được sản xuất bằng kinh phí nhà nước và phim do tư nhân bỏ vốn đã gần như bị xóa nhòa, nghĩa là ở mỗi khu vực này đều không có loại đề tài nào bị né tránh, đều được làm kỹ lưỡng, đều hướng tới việc tìm kiếm khán giả.

Thứ  ba, tính chuyên nghiệp trong tất cả các công đoạn làm phim được nâng lên rất nhiều. Có thể khẳng định rằng, phim này so với phim kia còn có độ chênh lệch về ý tưởng, về phong cách thể hiện, song không có phim nào bị “cỏ rả” về nghề nghiệp.

Thời gian qua, điện ảnh Việt Nam (chủ yếu ở khu vực phim truyện) đã giành được một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế uy tín, đáng mừng là những tác phẩm được vinh danh đó thuộc cả cơ sở điện ảnh nhà nước và cơ sở điện ảnh tư nhân. Đó là thành công của chủ trương xã hội hóa điện ảnh. Song có thể hy vọng rằng điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều bộ phim như vậy không, hay điều ấy dường như vẫn chỉ phụ thuộc vào một số cá nhân nghệ sĩ có tài?

Vẫn phải hy vọng ở cả hai. Đó là trong hành trang đi vào tương lai, điện ảnh Việt Nam sẽ được bổ sung những tài năng mới mà giờ đây họ đang bị khuất lấp ở đâu đó, nhưng hiện tại thì rất cần những tài năng đã phát lộ, đã khẳng định, bởi lẽ cũng giống như bất kỳ loại hình sáng tạo nào khác, tác phẩm điện ảnh đích thực là những sản phẩm do những tài năng làm ra.

Tôi rất mừng là thời gian gần đây, có những đạo diễn đã biết từ chối những kịch bản dở, biết trăn trở đi tìm thêm từng đồng vốn cho đầu vào của bộ phim; hoặc có đạo diễn không dám nhận những kịch bản mà mình chưa nhận thức được nó. Nói tóm lại là đã đến lúc biết sợ khi mơ hồ rằng mình sẽ không thành công, hoặc ít thành công trong bộ phim tương lai. Đây là sự đổi mới về nhận thức. Một đổi mới biết xót tiền dân, của nước và hao tốn sức mình.

Tôi nghĩ, đã đến lúc các tài năng có nhiều điều kiện để tỏa sáng, bởi lẽ trên thế giới hiện nay có rất nhiều hoạt động điện ảnh (LHP, các giải thưởng, tài trợ sản xuất phim, chợ phim… ). Nếu các tài năng điện ảnh dốc lòng vào công việc của mình thì cơ hội để được vinh danh là vô cùng rộng mở. Những giá trị, những tài năng được khẳng định, tôn vinh có sức lay thúc và sổ súy rất lớn. và cuối cùng chúng ta có quyền hy vọng rằng, những thành công của điện ảnh nước nhà trong hai năm vừa qua là rất đáng mừng, đáng tự tin để đi tiếo trên con đường của nghệ thuật điện ảnh mà ai đó đã ví như mọt mê lộ đầy quyến rũ và khám phá.

Theo ông, để thúc đẩy sáng tác phát triển, nhà nước cần có thêm những chính sách nào để khuyến khích nghệ sĩ và bảo trợ tác phẩm?

Trên hành trình xây dựng và phát triển hơn nửa thế kỷ qua của điện ảnh Việt Nam, nhà nước đã có nhiều chính sách rất hiệu quả và kịp thời. Luật Điện ảnh là cơ sở hết sức quan trọng về pháp lý, về không gian phát triển và hội nhập cả  bên trong lẫn bên ngoài của điện ảnh Việt Nam. Một chính sách mang tính bao trùm được Luật Điện ảnh bảo hộ đó là phải có một quy hoạch tổng thể xây dựng điện ảnh Việt Nam thành một nền công nghiệp điện ảnh. Để có một nền công nghiệp điện ảnh, Nhà nước cần: Đầu tư phát hiện và đào tạo những người thạo nghề, những tài năng và cao hơn là những nhân tài cho điện ảnh. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đồng bộ có trọng điểm trong khu vực sản xuất lẫn phổ biến phim. Bên cạnh đó còn cần khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cao nhất cho những mục tiêu đột phá về sáng tác và quảng bá phim trở thành hiện thực. Chính những mục tiêu đột phá này sẽ là những máy cái đầy năng lượng kéo con tàu điện ảnh đi vào con đường khám phá và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

       LCCV (thực hiện)