Chuyện nhà văn… "ở cữ"

ANTD.VN - Nếu ví tác phẩm chính là đứa con tinh thần của nhà văn thì phải có cả một quá trình “thai nghén”mới cho ra đời được. Và giai đoạn bắt tay vào viết một tác phẩm đã được dày công chuẩn bị về tư liệu, cảm hứng thì thời gian đó chính là lúc nhà văn“ở cữ”. Mỗi người một vẻ, không ai giống ai kể cả về nỗi cực nhọc hay niềm hạnh phúc khi trông thấy “đứa con” của mình chào đời và được bạn đọc đón nhận.
 


Nhà thơ Trần Dần: Đang mạch viết, bạn chờ chán thì lặng lẽ... về

Nhà thơ Trần Dần tích trữ được một nguồn năng lượng sáng tạo vô cùng dồi dào, chính vì vậy mà ông vừa viết văn, làm thơ, vừa dịch thuật mà ở lĩnh vực nào cũng có những tác phẩm xuất sắc. Trước khi đặt bút, bao giờ ông cũng dành rất nhiều thời gian đi thực tế, nghiền ngẫm đề tài, tìm tòi phương pháp thể hiện, đặc biệt là cách lựa chọn giọng điệu, ngôn ngữ cho mỗi tác phẩm rất công phu. 

Gần đây, bạn đọc hào hứng đón nhận tiểu thuyết mới xuất bản của ông - “Đêm núm sen” - đã có nhiều bài giới thiệu, bài phê bình khen ngợi cuốn sách được viết từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng không hề có sự “cũ kỹ” nào. Vợ nhà thơ Trần Dần kể lại: Trước khi viết tiểu thuyết này, ông ấy có một thời gian dài cứ ngồi xem kiến. Xem nó đánh nhau, nó chuyển thức ăn.

Có khi ông ngồi hàng tiếng đồng hồ, chăm chú y như ngồi viết. Ông ấy viết rất điều độ, cứ đến 12h đêm là ngủ. Khi viết thì cực kỳ tập trung, đến mức con cái bật nhạc ầm ĩ ông cũng không ý kiến gì. Thường những lúc đang mạch viết, vợ gọi ăn cơm ông cũng không để ý. Bạn bè đến chơi, vợ bảo có khách kìa, ông vẫn ngồi bên trang bản thảo dày đặc chữ. Có khi khách phải đợi hàng tiếng đồng hồ, khi nào dứt cơn cảm hứng ông mới ra tiếp. Nhiều lần nhà thơ Dương Tường đạp xe đến chơi, thấy bạn đang viết thì lặng lẽ ngồi đợi, không đợi được lại lặng lẽ… ra về.

Cũng chính vì quý bạn, hiểu bạn đến thế, cho nên sau khi nhà thơ Trần Dần mất, các di cảo còn lại được người thân cất giữ, mỗi lần muốn xuất bản đều có sự “tham vấn” của nhà thơ Dương Tường. Bản thảo tiểu thuyết “Đêm núm sen” sau hơn 50 năm lưu giữ có những chỗ bị mờ nhòe, rách thủng rất khó đọc, khó đoán được chữ, nhà thơ Dương Tường góp nhiều công sức để tìm đúng chữ của bạn, giúp cho đứa con tinh thần tâm huyết của Trần Dần ra đời một cách vạm vỡ, ấn tượng nhất.

Chuyện nhà văn… "ở cữ" ảnh 2

Nhà văn Vũ Xuân Tửu: Biện mâm xôi, thủ lợn làm lễ tạ... văn  

Nhà văn Vũ Xuân Tửu bén duyên văn chương bắt đầu từ một bút ký đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang từ năm 1980. Sau bài bút ký đó, bên cạnh công việc đấu tranh phòng chống tội phạm, Vũ Xuân Tửu dành không ít tâm sức cho văn chương. Khi xong việc cơ quan, xong chuyện nhà, anh ngồi vào bàn viết là quên hết mọi nỗi buồn. Bản thảo gửi đi, lại hồi hộp khi truyện mình được đăng báo, sách mình sắp in... như nỗi hồi hộp trong những lần được hẹn hò với người tình đầu tiên. 

Vũ Xuân Tửu từng tâm sự với bạn văn: “Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Dù ít, dù nhiều, ngày nào tôi cũng đọc và viết. Tôi làm việc nghiêm túc, không cầu may, nhưng vận may hay đến. Tôi được hưởng lộc về văn chương, được nhiều người giúp đỡ, nhưng sáng tác thì chưa được bao nhiêu, nghĩ cũng thấy ngường ngượng, vui vui”.

Anh còn tiết lộ một bí mật nhuốm màu sắc tâm linh, đó là khi ngồi viết, bao giờ anh cũng dùng những viên đạn đá nhặt được trên thành nhà Bầu (một khu thành cổ đã từ lâu bị bỏ thành hoang phế ở tỉnh Tuyên Quang) để chặn bản thảo. Những viên đạn cổ như tiếp thêm cho anh nguồn cảm hứng dồi dào để tiếp tục nối dài những trang viết không chỉ dành cho một thế hệ độc giả nào đó… Những viên đạn đã găm bóng hình vào từng trang viết tiểu thuyết “Chúa Bầu” nổi tiếng của anh.

Nhà văn thành thật chia sẻ: “Trước khi viết, tôi thường tắm, gội sạch sẽ, chọn giấy trắng, bút tốt. Sau khi tác phẩm được xuất bản, thường làm lễ tạ, đận túng bấn thì bày hoa quả, lúc có tí tiền thì biện đĩa xôi, thủ lợn, cốt sao thể hiện lòng thành của mình”.

Chuyện nhà văn… "ở cữ" ảnh 3

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Cố viết được một trang mà không phải… xóa

Trong số các tiểu thuyết gia hiện nay của làng văn, Khuất Quang Thụy gần như giữ ngôi vị “quán quân” về số lượng đầu sách và trang in. Ông từng làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hiện làm Tổng Biên tập tuần báo Văn nghệ, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà văn Việt Nam...

Toàn những chức vụ tốn nhiều thời gian cho những cuộc họp hành, “điều nghiên”, đồng nghiệp thường thắc mắc không hiểu ông viết vào lúc nào mà cứ đều đặn cho ra đời những cuốn tiểu thuyết lên tới cả nghìn trang? Khuất Quang Thụy trả lời: “Nếu để viết thì không cần quá nhiều thời gian, vì chỉ cần mỗi ngày anh viết được một trang mà hôm sau không phải… xóa thì cũng đã nhiều lắm rồi. Đối với nhà văn, thời gian mất nhiều nhất chính là thời gian trước khi ngồi vào bàn viết”.

Vì thế, ông thường giải quyết xong mọi vấn đề sau cánh cửa phòng họp, trên đường đi về phòng mình ông đã chuẩn bị được tâm thế viết, ngồi vào bàn là có thể viết được ngay, viết mà ngày hôm sau không phải... xóa.

Trước đây nhà văn chỉ sáng tác bằng phương tiện duy nhất là giấy bút, tuy thô sơ nhưng không mạo hiểm như viết trên máy tính. Có lần Khuất Quang Thụy bị “mất trắng” nửa cuốn tiểu thuyết chỉ vì thao tác sai trên bàn phím.

Không nản chí, ông quyết tâm tự học vi tính và nhẫn nại ngồi viết lại. Sau đó, hai tác phẩm có sức công phá như hai “cỗ trọng pháo” trên trận địa tiểu thuyết là “Những bức tường lửa” và “Đối chiến” đã ra đời, mỗi cuốn có dung lượng gần 1.000 trang in. Đặc biệt, cuốn “Những bức tường lửa” đã giành được những giải thưởng lớn của Bộ Quốc phòng và Hội Nhà văn Việt Nam.