Chuyện khó tin ở “Đường lên đỉnh Olympia”

(ANTĐ) - Một sự việc chưa từng xảy ra trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trong suốt 9 năm chương trình được tổ chức đó là lần đầu tiên trong trận chung kết sẽ có 5 thí sinh tham gia chứ không phải là 4 như thông thường.

Chuyện khó tin ở “Đường lên đỉnh Olympia”

(ANTĐ) - Một sự việc chưa từng xảy ra trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trong suốt 9 năm chương trình được tổ chức đó là lần đầu tiên trong trận chung kết sẽ có 5 thí sinh tham gia chứ không phải là 4 như thông thường.

Em Bạch Đình Thắng lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia như một sự kiện hy hữu của cuộc thi này
Em Bạch Đình Thắng lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia như một sự kiện hy hữu của cuộc thi này

Nguyên nhân của sự kiện hy hữu này là do, em Bạch Đình Thắng - học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông trong phần thi về đích đã bắt phải câu hỏi về các hệ cơ thể người. Bạch Đình Thắng đã căn cứ vào sách giáo khoa lớp 8 trả lời là có 6 hệ trong đó có hệ nội tiết. Trong khi đó đáp án của chương trình và phần trả lời tư vấn của các nhà y học lại khẳng định “nội tiết không phải là một hệ” và “không thể cho điểm”.

Phần thi kết thúc, người cao điểm nhất và có quyền tham dự phần thi chung kết là em Hồ Ngọc Hân - trường Quốc học Huế. Tuy nhiên sau đó, gia đình Thắng đã gặp BTC trình bày về cuốn SGK lớp 8 đã có một chương về Hệ nội tiết, trong sách ghi rõ: “Hệ nội tiết là một hệ trong cơ thể người”. Sau khi bàn bạc và trao đổi với những nhà khoa học, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định “cho điểm” phần trả lời của học sinh Bạch Đình Thắng và kết quả Thắng là thí sinh thứ 5 có mặt trong cuộc thi chung kết diễn ra vào tháng 5-2009. Một giải pháp hợp lý của Đài Truyền hình, phù hợp với nguyện vọng của nhiều người và cũng là quyết định không thể khác được. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiện giữa SGK và những nhà nghiên cứu có độ “vênh”. Vậy tất cả học sinh của nước Việt Nam sẽ theo “chuẩn” nào?

Thầy Đinh Hữu Lâm - Giáo viên chủ nhiệm của Bạch Ngọc Thắng: "Đã là SGK thì phải chuẩn"

Tôi cũng đi dự phần thi quý của em Bạch Đình Thắng vào ngày 11-1. Thắng là một học sinh rất chắc về kiến thức. Hôm đó Thắng cũng đã thắc mắc và chương trình đã phải kéo dài gần nửa tiếng để hỏi ý kiến các Giáo sư. Các Giáo sư đều bảo Thắng sai và Thắng đành phải chấp nhận. Nhưng khi về nhà Thắng xem lại sách giáo khoa và thấy ghi rất rõ “Nội tiết là một hệ trong cơ thể người” nên đã đến Đài Truyền hình thắc mắc.

Theo tôi, quan điểm của các Giáo sư, hay của các chuyên gia có thể khác nhau. Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể biết được đâu là đúng, đâu là sai. Nhưng trong một cuộc thi dành cho học sinh thì phải lấy chuẩn theo sách giáo khoa vì các em học sinh học theo chương trình phổ thông. Việc Đài Truyền hình xử lý tình huống này theo tôi nghĩ là hợp lý. Vì nếu để tổ chức thi lại thì cũng gặp khó khăn, nếu kết quả thay đổi sẽ rất thiệt thòi cho em học sinh ở Huế. Theo tôi, về quan điểm của câu chữ, các nhà khoa học nên thống nhất lại cho chính xác. Hiện tại trong sách giáo khoa của mình không phải chỉ có môn Sinh mà rất nhiều môn vẫn còn sai sót và vẫn phải đính chính hàng năm. Khi đã đưa vào sách giáo khoa phải được công nhận là chuẩn vì cả nước học, tất cả mọi học sinh đều học. Đặc biệt là các hiện tượng khoa học, có thể đúng ở thời điểm này, nhưng mười năm sau người ta lại phát hiện thêm những yếu tố mới thì phải thay đổi, bổ sung.

Vũ Thu Trang
Vũ Thu Trang

Vũ Thu Trang, lớp 12A8 trường THPT Quang Trung - Đống Đa: “Nếu sách sai thì phải đính chính lại”

“Qua sự việc của thí sinh Bạch Đình Thắng, tôi mới được biết những kiến thức trong sách giáo khoa mà bấy lâu tôi học lại không hoàn toàn khớp với kiến thức của các nhà khoa học. Tôi nghĩ rằng, học sinh chỉ biết học theo những gì sách giáo khoa cung cấp và coi đó là kiến thức chuẩn để từ đó phát triển kiến thức của mình. Vậy thì, khi chưa có sự phân định rõ ràng về kiến thức thì học sinh vẫn là người thiệt thòi nhất. Vậy, tôi cho rằng, các nhà khoa học cũng như nhóm biên soạn sách giáo khoa cần phải bàn luận với nhau để cùng đưa ra đáp án cuối cùng, nếu như sách giáo khoa sai thì cần phải đính chính”.

Ông Nguyễn Văn Tư - Phó Tổng biên tập phụ trách môn Sinh học - NXB Giáo dục): “Sách giáo khoa không sai”

Thí sinh Bạch Đình Thắng trả lời câu hỏi này hoàn toàn theo kiến thức đã được học theo sách giáo khoa và việc VTV quyết định em Bạch Đình Thắng tiếp tục cuộc thi là điều hợp lý. Sách giáo khoa không sai, theo nội dung của sách, cơ thể con người có các hệ sau: Hệ vận động, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết dưới sự vận động của hệ thần kinh và hệ nội tiết. Thực ra mà nói, sự phân loại này cũng chỉ tương đối, có nơi chỉ gọi là các cơ quan nội tiết.

GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương

GS. Văn Như Cương: “Sai thì phải sửa, đúng cũng phải nói lại cho rõ...”

Em Bạch Đình Thắng cũng như nhiều học sinh khác đều tiếp thu kiến thức từ SGK, mà SGK đã in soạn như thế thì câu trả lời của em đương nhiên phải được chấp nhận. Tuy thế các nhà biên soạn SGK đều là những người có chuyên môn cao, các Giáo sư đầu ngành, vì thế nếu như có ý kiến không đồng tình với kiến thức nêu trong sách thì hai bên nên ngồi lại để thống nhất với nhau. Nếu SGK chưa chính xác thì phải sửa, còn nếu SGK đúng thì cũng cần phải nói lại cho dư luận được rõ.

Vấn đề này thuộc phạm trù khoa học nên nhất thiết phải rõ ràng chứ không thể có chuyện mỗi người một phách được. Các quan điểm về khoa học trên thế giới nhiều khi cũng có sự thay đổi nhưng rốt cuộc vẫn phải đi đến sự thống nhất cuối cùng. Ví như trước kia cũng có sự việc tương tự xảy ra, đó là khi tôi viết SGK Toán học nói rằng xung quanh hệ Mặt trời có 9 hành tinh, nhưng sau đó một Hội nghị Thiên văn học trên thế giới diễn ra ở Tiệp Khắc đã quyết định loại Diêm Vương tinh ra khỏi hệ nên các sách in sau cũng phải sửa lại. Sự tranh cãi về 5 hay 6 hệ của cơ thể con người cũng không ngoại trừ trường hợp như thế. Tuy vậy trên thực tế, đôi lúc cũng có trường hợp nhiều nhà khoa học chưa đồng tình với quan điểm in trong SGK nhưng ngã ngũ ra thì SGK vẫn đúng. Cho nên chúng ta cần cẩn trọng lấy ý kiến, phân tích cho rõ ràng mọi lẽ xem ý kiến nào đúng để chuẩn hóa.

Nhóm PV VH-TT

Trận chung kết “đường lên đỉnh Olympia” sẽ diễn ra vào 17-5, do có 5 thí sinh tham gia nên chương trình có một số thay đổi: ở phần Vượt chướng ngại vật: Thông thường : “4 thí sinh sẽ trả lời 8 câu hỏi để tìm cách vượt qua một chướng ngại vật, 8 câu hỏi hàng ngang đều liên quan đến chướng ngại vật. Như vậy, mỗi thí sinh sẽ có 2 lượt “vượt chướng ngại vật” và tìm ra ẩn số của phần thi. Trong trận Chung kết Olympia 9: Số lượng 8 câu hỏi vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, vì có 5 thí sinh tham gia thi nên mỗi thí sinh sẽ chỉ được 1 lượt mở ô hàng ngang. 3 ô còn lại sẽ do MC của chương trình quyết định (có thể là bốc thăm hoặc một hình thức lựa chọn ngẫu nhiên người chọn ô). Phần thi Tăng tốc, thông thường có 4 câu hỏi IQ. Thời gian suy nghĩ: 30 giây. 4 thí sinh cùng trả lời bằng máy tính. Số điểm của thí sinh căn cứ vào thời gian trả lời sớm nhất lần lượt là 40 điểm, 30 điểm, 20 điểm và 10 điểm. Trong trận Chung kết Olympia 9: Số điểm của các thí sinh tương ứng sẽ chỉ là 30, 25, 20, 15 và 10. Cũng vì số điểm được hạ xuống nên số câu hỏi của phần Tăng tốc sẽ tăng lên 5. Như vậy, nếu trong trường hợp một thí sinh nào đó trả lời đúng cả 5 câu hỏi và nhanh nhất, em đó sẽ có 5 x 30 = 150, khá tương đồng với số điểm thông thường trong trường hợp đó (4 x 40 = 160) (theo VTV.vn).