Chút lộc văn chương

(ANTĐ) - Tò mò tôi hỏi nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa, với số tiền nhận được từ giải thưởng tiểu thuyết năm 2009 cho tác phẩm “Gió chuyển mùa” chị sử dụng vào việc gì? Chị cười cười “Tớ mua vàng tích trữ”. Tưởng thật, tôi hỏi: “Mười mấy triệu  mua vàng hết à”. Đùa thôi, khao cả anh em, họ hàng độ khoảng 50 người, khao bạn bè ở Hội văn nghệ Hưng Yên, số còn lại tiêu pha linh tinh.

Chút lộc văn chương

(ANTĐ) - Tò mò tôi hỏi nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa, với số tiền nhận được từ giải thưởng tiểu thuyết năm 2009 cho tác phẩm “Gió chuyển mùa” chị sử dụng vào việc gì? Chị cười cười “Tớ mua vàng tích trữ”. Tưởng thật, tôi hỏi: “Mười mấy triệu  mua vàng hết à”. Đùa thôi, khao cả anh em, họ hàng độ khoảng 50 người, khao bạn bè ở Hội văn nghệ Hưng Yên, số còn lại tiêu pha linh tinh.

Hỏi nhà văn Thùy Dương, chị kể, nhận được tiền là về quê ngay, biếu bà ngoại, bà nội mỗi bà một triệu đồng. Sau đó thì dành khao chồng con, bạn văn chương. Rồi thì: “Trong họ hàng cũng có người nghèo, mình giúp ai được thì giúp. Lặng lẽ ấy mà”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thì nhẹ nhàng: “Tôi góp vào việc đầu tư cho sách văn học”.

Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao giải thưởng “Viết về Hà Nội” cho nhà thơ Hoàng Việt Hằng nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao giải thưởng “Viết về Hà Nội” cho nhà thơ Hoàng Việt Hằng nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Nhà văn Y Ban khi nhắc đến vấn đề lộc văn chương cười tươi như hoa: “Để dành mua đất”. Giỏi nhỉ? Đất Hà Nội tiền tỷ chưa mua được, đằng này Y Ban chỉ có hơn mười triệu đồng. Đấy là tính Y Ban thế, cứ thích bông đùa, cả số tiền thưởng cuốn “Xuân Từ Chiều”, giải nhì, giải thưởng tiểu thuyết 2009, Y Ban dành sắm sanh vào cái Tết Tân Mão vừa qua.

Với cú đúp giải thưởng của tập thơ “Cởi gió”, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai dành góp tiền học bổng cho trẻ em nghèo ở Quảng Bình, mua sách, mua truyện cho trẻ em thiếu may mắn ở Huế và Hà Nội. Quế Mai tâm sự: “Điều quan trọng là được giải thưởng, tôi rất vui nghĩ ngay đến chồng và hai con, cha mẹ tôi nữa. Vì thế, cũng phải dành tiền, mua vài món quà cho những người thân thiết nhất. Không có họ tôi viết sao được như hôm nay”.

Khi nhà thơ Hoàng Việt Hằng nhận giải, ai hỏi dùng tiền để làm gì, đắn đo khoảng vài giây chị bảo “Đi du lịch”. Dăm lần, Hoàng Việt Hằng nhận lộc văn chương là “ôm” tiền đi, dọc đường, gặp những thân phận cơ nhỡ là biếu, là cho. “Nhiều cảnh ngộ thương lắm, nhất là những cụ bà sống một mình hiu hắt ở vùng núi cao, bản làng heo hút. Lần đầu còn biếu cụ tiền, lần sau lên cụ đã nằm dưới mộ, trơ trọi một phận người”. Nghe nói, chị còn vào chợ khao các bà mẹ mà chị gặp trong các bữa ăn cơm hàng cháo chợ. Rồi ngồi nghe đủ thứ chuyện đời ở chợ, ở quán dọc đường. Nếu còn tiền mua được ít sách cho trẻ em mình đến các vùng xa thành phố chẳng hạn. Niềm vui được chìa tay ra cho bàn tay bé tý xíu cầm sách cũng là một cách chia sẻ.

Nhà văn Đoàn Lê có lần tâm sự: cứ mỗi dịp chị bán được bức tranh, hay có tiền lộc văn chương lại giúp đỡ những người thân trong gia đình; nhưng có lần được cái lộc xong thì lăn ra ốm. Tiêu vào trận ốm không đủ.

Nhà văn Dạ Ngân nhận giải tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” ở Hà Nội thì điện thoại ngay cho bạn văn chương. Khao nhé! Cả một ngày lui cui trong bếp nấu nướng mời bạn bè thân thiết thưởng thức món ăn Nam bộ. Chị nấu ngon và hể hả nhìn bạn ăn sung sướng. Trong thưởng thức ẩm thực, còn lắng nghe và thưởng thức cả chuyện văn chương.

Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh hồi được giải nhất văn chương báo Văn nghệ,  chị  mua quà tặng mẹ ngay. Rồi mua quà tặng cho các bạn giáo viên. Nhưng giá trị của món quà tinh thần đã giúp chị sau này đi đường dài với thơ ca. Sau chị chuyển sang làm thơ, giải thưởng lớn nhất mà chị có được là câu thơ của chị trong lòng đồng nghiệp “chẳng ai thương lấy thì thương lấy mình”.

Khi nhà văn Lê Minh Khuê được giải thưởng văn học ở Hàn Quốc, Chị lặng lẽ giúp đỡ những người thân gặp khó khăn, tặng bạn những món quà bình dị, lặng lẽ nhưng cách cho của chị cảm động lắm. Nghe bạn kể lại cũng ấm lòng. Chị sống khiêm nhường, hay thu vén cho bạn, giúp được bạn là chị vui lắm.

Tò mò xem lộc văn chương các nhà văn nữ Việt Nam tiêu gì, nhận và cho thế nào cũng là một cách nói lên tính cách của riêng họ. Tràn qua “lộc văn chương”, tất cả là vì tình yêu con người.

Thảo Dân