“Chuông vàng vọng cổ” lần đầu ra Bắc

(ANTĐ) - Vốn không phải là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương nhưng vì muốn mở rộng nghệ thuật truyền thống đặc biệt này ra toàn quốc, Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ cho thí sinh bắt đầu từ Nghệ An trở ra tại một điểm thi duy nhất là Nhà hát Cải lương Trung ương. Song nằm ngoài tất cả những phán đoán, cải lương Bắc đã khiến những người Nam ngỡ ngàng.

“Chuông vàng vọng cổ” lần đầu ra Bắc

(ANTĐ) - Vốn không phải là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương nhưng vì muốn mở rộng nghệ thuật truyền thống đặc biệt này ra toàn quốc, Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ cho thí sinh bắt đầu từ Nghệ An trở ra tại một điểm thi duy nhất là Nhà hát Cải lương Trung ương. Song nằm ngoài tất cả những phán đoán, cải lương Bắc đã khiến những người Nam ngỡ ngàng.

Sự vẹn tròn của các nghệ sỹ trẻ từ thanh đến sắc đã khiến những nhà tổ chức thay đổi hẳn quan điểm, rằng người đất Bắc không thể hát được cải lương. 41 thí sinh tham gia cuộc thi này phần lớn đều là những diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trung ương vừa mới về đoàn được vài tháng. Tiêu chí của cuộc thi vốn là tìm kiếm những tài năng trẻ, để bồi dưỡng, đào tạo và thi tài nên các gương mặt “gạo cội” của nhà hát đã nhường sân khấu lại cho lớp trẻ.

Với ý định ban đầu của các nhà tổ chức, chỉ định chọn 2 thí sinh xuất sắc nhất vào chung kết cuộc thi tại TP.HCM cùng các thí sinh xuất sắc từ các điểm thi Cà Mau, Tây Ninh, An Giang và TP.HCM. Nhưng chỉ qua 1 ngày thi duy nhất, Ban giám khảo với thành phần chính là các nghệ sỹ cải lương đến từ phía Nam đã phải thay đổi quan điểm, cải lương Bắc có phong cách riêng và không hề thua kém cải lương Nam. Số thí sinh dự định chọn đã phải tăng lên đến con số 5 và dự bị thêm từ 1-2 thí sinh. Một thành công lớn nằm ngoài dự kiến của các diễn viên chuyên nghiệp và cả không chuyên của sân khấu cải lương phía Bắc.

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ là một cuộc thi phát hiện tài năng có uy tín của ngành nghệ thuật dân tộc. Từ cuộc thi này, những nhân tố mới được phát hiện, được đào tạo và đã trở thành sân chơi nhiều ý nghĩa dành cho các bạn trẻ yêu ngành nghệ thuật này từ nhiều năm nay. Đây là lần thứ tư cuộc thi được tổ chức và lần đầu tiên chọn miền Bắc là điểm đến.

Theo ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương, Chuông vàng vọng cổ là một cái tên đã được xuất hiện từ năm 1947 tại Sài Gòn. Người chủ rạp Chuông Vàng, một người con của đất Hà Nội theo gia đình vào Nam từ năm 1944, đã xây dựng nên thương hiệu cải lương mang tên Kim Chung với 14 đoàn văn công. Nhưng cái tên Chuông Vàng như một miền ký ức ngọt ngào và gợi đến một Hà Nội đang ngập trong khói lửa chiến tranh.

Ông Tiêu Lang, nghệ danh của người chủ rạp Chuông Vàng đã cùng chị gái mình mở ra một cuộc thi mang tên Chuông vàng vọng cổ để luôn nhắc nhở mình về nơi đã ra đi, để không bao giờ quên tiếng ca ngân trong rạp hát nổi tiếng đất Hà thành. Mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, Đài truyền hình TP.HCM có ý định xây dựng một chương trình thi hát cải lương trên truyền hình dành cho những khán giả hâm mộ, cái tên này mới được lật lại trong sử sách và nó thực sự có ý nghĩa nên đã được chọn làm tên của chương trình.

4 năm đã trôi qua, chương trình tổ chức rất thường xuyên, được đông đảo khán thính giả cả nước đón nhận, đặc biệt thu hút không chỉ diễn viên chuyên nghiệp mà còn cả các bạn hâm mộ môn nghệ thuật này nhưng chưa qua một trường lớp nào. Tiêu chí của cuộc thi cũng rất khác so với những hội diễn tài năng chuyên nghiệp.

Trong số 41 thí sinh tham dự cuộc thi lần đầu tiên diễn ra trên đất Bắc, người nhiều tuổi nhất là 37, còn lại đều là những bạn còn trẻ, nhiều trong số đó vừa mới ra trường. Sự thiếu vắng những gương mặt đàn anh đàn chị trong nghề được lý giải là do đây là lần đầu tiên tổ chức tại miền Bắc, không biết tiêu chí chấm giải của ban giám khảo như thế nào nên những “ngôi sao” cải lương không dám tham gia vì sợ... không được giải. Bên cạnh đó, việc các đàn anh đàn chị không tham gia cũng là một cơ hội để các bạn trẻ thể hiện khả năng của mình, nếu được giải cũng là một danh hiệu để vững tin hơn với con đường mình đã chọn.

Trước sự xuất sắc của các thí sinh miền Bắc, Ban giám khảo miền Nam đã phải lựa chọn và cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cuộc thi kết thúc nhưng những người được chọn vào chung kết Chuông vàng vọng cổ vẫn còn đang trong vòng bí mật. Song cái thành công nhất là nơi khai sinh ra cải lương đã phải công nhận một dòng cải lương phía Bắc, cũng được đào tạo bài bản và có những nét đặc trưng rất khác biệt, không “dễ gây thất vọng” như bấy lâu nay vẫn tưởng.

Châu Anh