Chùa Hương vào hội

(ANTĐ) - Hôm qua, ngày 8-2, tức mùng 6 Tết, lễ hội lớn nhất và dài nhất trong năm tại danh thắng Hương Sơn - Mỹ Đức, Hà Nội đã chính thức khai hội. Song từ mùng 1 Tết, mỗi ngày, chùa Hương đã đón xấp xỉ 4 vạn lượt khách hành hương.

Chùa Hương vào hội

(ANTĐ) - Hôm qua, ngày 8-2, tức mùng 6 Tết, lễ hội lớn nhất và dài nhất trong năm tại danh thắng Hương Sơn - Mỹ Đức, Hà Nội đã chính thức khai hội. Song từ mùng 1 Tết, mỗi ngày, chùa Hương đã đón xấp xỉ 4 vạn lượt khách hành hương.

Du khách hành hương thư thái hơn, thanh tịnh hơn
Du khách hành hương thư thái hơn, thanh tịnh hơn

Đã dẹp nạn “ô nhiễm âm thanh”

Trong những ngày đầu năm mới, du khách hành hương về nơi “Nam thiên đệ nhất động” thấy thư thái hơn, thanh tịnh hơn, bởi nạn dùng loa đài quảng cáo sản phẩm của hàng quán dọc hai bên lề đường đã bị cấm. Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, trước mùa hội, BTC đã vận động các hộ kinh doanh tháo dỡ các thiết bị tăng âm, đồng thời lập các đội kiểm tra liên ngành. Hộ kinh doanh nào cố tình vi phạm sẽ phải nộp phạt hành chính, tịch thu trang thiết bị.

Việc làm kiên quyết này của BTC đã được khách hành hương đánh giá là một trong những động thái tích cực nhất trong mùa lễ hội 2011. Thay cho hệ thống tăng âm tự phát, BTC đã lắp đặt một hệ thống loa truyền thanh từ suối Yến vào tới động Hương Tích. Nhiệm vụ của hệ thống truyền thanh này là nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, không mang đồ mã đốt trong nơi thờ tự, bên cạnh đó còn dặn dò người dân cảnh giác đề phòng kẻ gian.

Hệ thống loa truyền thanh tỏ ra khá “chu đáo” khi không quên cảnh báo du khách thỏa thuận giá cả trước khi mua hàng cũng như ăn uống, tránh tình trạng “chặt chém” vẫn thường xảy ra ở những mùa hội trước. Để tăng cường công tác bảo vệ, UBND huyện Mỹ Đức đã đưa cả lực lượng kiểm lâm và cán bộ rừng đặc dụng Hương Sơn vào các tổ thanh tra liên ngành để kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực.

Nhiều dự án được triển khai

Trong năm 2010, chùa Hương đón khoảng 1,3 triệu lượt khách. Vào những ngày “cao điểm” luôn xảy ra tình trạng tắc đường, tắc đò, tắc cáp treo, cả tuyến bộ hành cũng tắc. Chính vì thế, để khắc phục tình trạng này, BTC đề ra nhiều giải pháp. Song song với việc cải tạo, nạo vét suối Yến, khơi thông dòng chảy, bơm nước cưỡng bức từ sông Đáy vào cuối năm 2010 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức đã cho mở rộng bờ phải của bến Thiên Trù thêm 4.000m2, diện tích này tạo sự tiện lợi cho thuyền đò đỗ chờ khách.

Hệ thống đường bộ đi Thiên Trù năm nay cũng đã hoàn thành việc cải tạo nâng cấp, đảm bảo thuận tiện cho khách hành hương bằng đường bộ. Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết thêm, hiện UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư 5 tỷ đồng, cải tạo mở rộng đoạn đường từ Thiên Trù vào Hinh Bồng, cùng với đó, hai trạm y tế, chăm sóc sức khỏe cho du khách đã được xây dựng tại Thiên Trù.

Cũng với số tiền 5 tỷ đồng, Dự án xây dựng bãi xử lý rác thải cho thôn Yến Vĩ đang được thực hiện, nhằm thu gom rác từ đền Trình trở ra. Một dự án khác về vệ sinh môi trường cũng đã được dự tính triển khai là lò đốt rác thu gom quanh khu vực Thiên Trù. Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, theo kế hoạch, lò đốt rác này sẽ được xây dựng tại bãi Mả Mê với công suất từ 1 đến 4 tấn/ngày. Hiện tại, việc xử lý rác thải vẫn đang được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp thủ công.

Nhưng vẫn còn... tồn tại!

Trong những năm vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhắc quá nhiều về việc bán thịt thú rừng giả ở chùa Hương, rồi người ta làm thịt gia súc, gia cầm, treo lủng lẳng ngay trên tuyến đường hành hương, trước cồng chùa Thiên Trù.

Dù đã được nhắc nhở, nhưng hình ảnh phản cảm này vẫn còn ở đất Phật

Dù đã được nhắc nhở, nhưng hình ảnh phản cảm này vẫn còn ở đất Phật

Hình ảnh này không chỉ mất mỹ quan mà còn làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Và cho dù cả năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng phê phán, thanh tra văn hóa nhắc nhở, thì năm nay, thực tế vẫn nhan nhản ở chùa Hương. Được biết, trong năm 2010, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành xử lý 2 trường hợp, nhưng mới chỉ dừng ở… nhắc nhở và yêu cầu tự giác hơn.

Trao đổi với PV ANTĐ, ông Nguyễn Chí Thanh thừa nhận, đây là một bất cập, và để chấn chỉnh cũng cần phải có thời gian. Ông Thanh cho biết thêm, hiện tất cả những tồn tại ở lễ hội chùa Hương đều nằm ở khâu dịch vụ. Việc chèo kéo, tranh giành khách, chủ đò “xin” thêm tiền đò ngoài quy định vẫn còn nhiều… Và tất cả việc này không phải một sớm một chiều có thể làm được, nhất là đối với một lễ hội dài ngày, như lễ hội chùa Hương.

Quỳnh Vân