Chưa bao giờ “chạm” đến tuổi già…

(ANTĐ) - Đi quá nửa cuộc đời, người nhạc sỹ khoác áo lính Đức Trịnh năm xưa vẫn vậy, vẫn nụ cười hồ hởi, ánh mắt long lanh và dáng vẻ nhanh nhẹn trẻ trung như chưa bao giờ chạm đến tuổi già. Ngồi dưới hàng ghế khán giả, anh chăm chú nghe lại giai điệu của từng ca khúc mà mình sáng tác, lúc chộn rộn hào hứng, khi rưng rưng xúc động…

Nhạc sỹ Đức Trịnh:

Chưa bao giờ “chạm” đến tuổi già…

(ANTĐ) - Đi quá nửa cuộc đời, người nhạc sỹ khoác áo lính Đức Trịnh năm xưa vẫn vậy, vẫn nụ cười hồ hởi, ánh mắt long lanh và dáng vẻ nhanh nhẹn trẻ trung như chưa bao giờ chạm đến tuổi già. Ngồi dưới hàng ghế khán giả, anh chăm chú nghe lại giai điệu của từng ca khúc mà mình sáng tác, lúc chộn rộn hào hứng, khi rưng rưng xúc động…

Chương trình “Con đường âm nhạc” với chủ đề “Miền xa thẳm” khép lại tối 4-4-2010 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội có lẽ chỉ là cái cớ để người yêu nhạc có dịp gặp lại và ngắm nhìn kỹ càng hơn bức chân dung dệt bằng âm nhạc của anh - người nhạc sỹ từng viết nên những giai điệu trữ tình khiến bao người đắm say.

Có gặp, có nghe rồi mới thấy dường như ở mảng đề tài sáng tác nào, dù là viết về người lính, người thân, người yêu, những con người vô danh lần đầu gặp gỡ hay kể cả những thứ cỏ hoa vô tri vô giác lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống thường ngày… người ta cũng bắt gặp ở anh những gửi gắm chân thành và sâu lắng.

Trong đó, không thể không kể đến những ca khúc mà anh dành trọn cảm xúc viết tặng riêng cho những người đồng chí, đồng đội. Câu chuyện về chặng đường sáng tác của người nhạc sỹ khoác áo lính lần đầu tiên được tái hiện thật xúc động. Trở lại với năm 1974, dù đã quyết định cất đi tấm giấy báo nhập học vào trường Nhạc, tạm gác lại niềm đam mê từ thuở nhỏ để lên đường đi nhập ngũ, song người lính trẻ Đức Trịnh khi ấy vẫn lăm lăm bên súng bên đàn guitar trong suốt chặng đường hành quân.

 Đi đến đâu, anh sáng tác đến đó với mong muốn mang lời ca tiếng hát xoa dịu mọi nỗi đau thương. Bởi thế nên giữa bom rơi lửa đạn rần rần, những nốt nhạc dí dỏm, lạc quan nhưng cũng không kém phần lãng mạn vẫn ra đời và được truyền nhau vang lên đầy hứng khởi: Tình yêu lính tăng, Tình yêu của lính…

Hồ Quỳnh Hương trở lại với “Miền xa thẳm” đầy xúc động...
Hồ Quỳnh Hương trở lại với “Miền xa thẳm” đầy xúc động...

Ngay cả sau này, khi hòa bình lập lại, kỷ niệm về những lần hành quân trên đường Trường Sơn, rồi dọc biên giới Tây Nam vẫn thôi thúc người lính Đức Trịnh năm nào thức trắng đêm cầm bút viết lời, tự đệm piano, phối khí, chỉnh sửa nhạc và thu âm hoàn chỉnh ca khúc “Miền xa thẳm” dành tặng những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường:  “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/ Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau để mãi mãi không về”…

Cùng với mảng đề tài người lính, người ta còn biết đến một Đức Trịnh trẻ trung, lãng mạn với những sáng tác về tình yêu cuộc sống và tình cảm lứa đôi. Cảm xúc bất chợt về một loài hoa bé nhỏ mong manh khẽ khàng nép mình bên bờ dậu cũng khiến tâm hồn người nghệ sỹ bật lên nỗi đồng cảm sâu sắc và viết nên nhạc phẩm “Hoa dại” từng được ca sỹ Thanh Lam thể hiện rất thành công: “Một chút hương thoảng bay trong gió/ một chút sắc màu lẫn vào với cỏ…”.

Ẩn sâu trong những sáng tác ấy của ông luôn hiện hữu sự trẻ trung và một tâm hồn dường như chưa bao giờ thôi bồi hồi và ngừng rung động. Chả vậy mà trở về Hà Nội sau hơn 10 năm vào Nam chiến đấu, trong khoảnh khắc một mình đón những hạt mưa xuân lất phất, hẳn nếu chỉ nghĩ đến nỗi cô đơn của riêng mình chắc người nhạc sỹ trẻ khi ấy sẽ không thấy được niềm hạnh phúc của những đôi trai gái đang dập dìu đi bên nhau trên phố để rồi viết nên những giai điệu rộn ràng và tràn ngập nhựa sống: “Hạt mưa mùa xuân, nhẹ nhàng mưa rơi trên áo em long lanh, rồi rơi trên tóc em…”. Hẳn vì thế mà bài hát  “Mưa xuân” của anh đến giờ vẫn là ca khúc nằm lòng được biết bao bạn trẻ yêu thích.

Nhạc sỹ Đức Trịnh có tiếng là luôn mở lòng và nghĩ về người khác nhiều hơn nghĩ cho mình. Có lẽ phần nào điều ấy được thể hiện rất rõ qua những sáng tác của anh. “Ngược dòng Hương Giang” là một trong rất nhiều những ca khúc như vậy.

Giữa sông nước mênh mông, đồng cảm với nỗi cơ cực của những cô gái nhỏ bé nghiêng mình chèo thuyền ngược dòng trong đêm tối đã khiến anh bật lên giai điệu trầm buồn khiến người nghe bùi ngùi xúc động: “Biết về nơi mô, mênh mang bến đợi chờ ai/ Mây lững lờ trôi Phu Văn Lâu nhớ người xưa/ Giữa dòng nước chảy thuyền em/ Giữa đời xô ngược người ơi/ Mình em cô đơn…”.

Cũng trong đêm nhạc, bức chân dung âm nhạc lẫn đời thường về người nhạc sỹ tài hoa đã được chắp nối thêm qua lời kể của bạn bè đồng nghiệp. Nhờ vậy mà công chúng đã biết thêm về một Đức Trịnh - đội trưởng của ban nhạc Hoa sữa ngày nào, một Đức Trịnh - người thầy đã dìu dắt nên bao thế hệ giọng ca trẻ thành danh sau này và cả một Đức Trịnh - người học trò tài năng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng thầy giáo, nhạc sỹ Chu Minh.

Đêm nhạc “Miền xa thẳm” kết thúc, tấm màn nhung khép lại. Người nhạc sỹ tài hoa ra về vẫn giữ khư khư trên tay bông hoa hồng nhỏ màu vàng. Sau tất cả những lời chúc tụng, những bó hoa ngợp người, anh bảo đây chỉ đơn thuần là dịp để mình thể hiện những trải nghiệm với cuộc đời, trả ơn cuộc đời cho dù chẳng biết trả được bao nhiêu mới hết.

 Dương Cầm