“Chớp mắt cùng số phận”

(ANTĐ) - Không ồn ào súng đạn, không đao to búa lớn, “Chớp mắt cùng số phận” đã đi vào lòng người xem bằng hình ảnh về những người lính thời chiến đẹp dung dị đến lạ kỳ...

“Chớp mắt cùng số phận”

(ANTĐ) - Không ồn ào súng đạn, không đao to búa lớn, “Chớp mắt cùng số phận” đã đi vào lòng người xem bằng hình ảnh về những người lính thời chiến đẹp dung dị đến lạ kỳ...

PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Lê Ngọc Linh (Hãng phim truyện I) về bộ phim nhựa đầu tay của anh.

Đạo diễn Lê Ngọc Linh
Đạo diễn Lê Ngọc Linh

- PV: Khi bắt tay vào nghiên cứu kịch bản “Chớp mắt cùng số phận”, anh ấn tượng với điều gì ở cuốn truyện của đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Chiến Thắng?

- Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Tôi đã đọc và rất xúc động trước câu chuyện về cuộc đời nhiều bi kịch của những người lính trong cuốn truyện của ông Đại sứ. Bộ phim được dàn dựng dựa trên một câu chuyện không mới về đề tài, nhưng lại nói về cái chưa từng được nhắc đến trong các câu chuyện chiến tranh khác.

Đó là số phận của con người trong chiến tranh cũng như trong cuộc sống đời thường đôi khi được quyết định chỉ trong cái chớp mắt. Chính cái “mới” này đã tạo cảm hứng và tiền đề cho chúng tôi nâng cao kịch bản và thực hiện bộ phim này.

Cảnh trong phim "Chớp mắt cùng số phận"
Cảnh trong phim "Chớp mắt cùng số phận"

- PV: Nhưng kết thúc phim thì người tốt vẫn phải chịu thiệt thòi, còn kẻ xấu vẫn một tay che kín cả bầu trời. Đó là tình huống của cốt truyện hay cách xây dựng nhân vật theo kiểu một chiều mà anh lựa chọn?

- Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Quả thực đấy là cách lựa chọn mà tôi cho là  phương án tối ưu nhằm tránh những lối mòn thường thấy trong phim Việt Nam là: người ở hiền sẽ gặp lành, kẻ xấu sẽ bị trừng phạt. Cuộc đời không hoàn toàn như vậy. Có những người tốt vẫn lận đận tới tận khi xuống mồ, có những kẻ xấu vẫn nhởn nhơ tồn tại, thậm chí còn được vinh danh...

Không có gì ngạc nhiên khi bộ phim “Chớp mắt cùng số phận” tái hiện câu chuyện xảy ra cách đây 30 năm, lại nhận được sự rung động và đồng cảm của khán giả đến vậy.

Phải chăng đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên bất ngờ cho phim, tạo nên hiệu ứng “tẩy rửa cảm xúc”(Aristotle) cho người xem.

- PV: Bối cảnh trong phim có nói đến Hà Nội những năm 70, anh cùng êkip làm thế nào để dựng được những cảnh quay đó một cách chân thực?

- Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Hà Nội của chúng ta thay đổi hàng ngày. Sau 30 năm kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh tàn khốc, Hà Nội đã hiện đại, đã văn minh không ngờ. Bởi vậy một trong những khó khăn đặt ra với đoàn làm phim chúng tôi là việc tìm bối cảnh phù hợp với câu chuyện xảy ra ở những năm 70.

Sự lựa chọn cuối cùng đã dừng lại ở số nhà 87 Mã Mây làm bối cảnh nhà của hai anh em Tâm - Liễu. Nhưng ở đó, chúng tôi cũng chỉ quay được những cảnh nội. Còn phần ngoại được nối với một ngõ ở Cự Đà -  một làng cổ cách Hà Nội chừng 30 km. Chưa đủ, cửa hàng bách hoá - nơi Liễu buôn bán gian lận và Lâm Thành gặp cô ở đấy; nơi Hường nhận ra bộ mặt thật của Lê Thành… chúng tôi đã phải đến tận Nam Định để thực hiện.

Quả thật, phần bối cảnh Hà Nội trong phim nếu có được những cảnh rộng hơn thì tốt biết bao. Nhưng kinh phí eo hẹp nên đành vậy!

- PV: Trong phim bắt gặp một số cảnh quay về chiến tranh khá ấn tượng như: chiếc xe tăng cán một chiến sỹ bị thương… Anh có thể tiết lộ những cảnh quay như vậy được thực hiện như thế nào?

Nam diễn viên Thiện Tùng - Nhà hát Kịch Hà Nội (vai nhân vật chính Lâm Thành):

Ngay từ khi nhận kịch bản, hình ảnh người lính trong câu chuyện đã thực sự làm tôi xúc động. Đó là một nhân vật rất hay và sống nội tâm.
Tuy nhiên khó khăn đặt ra với tôi khi vào vai Lâm Thành là nhân vật, sự kiện và câu chuyện xảy ra vào thời kỳ chiến tranh, bao cấp nên để hóa thân được vào nhân vật, tôi đã phải đọc và nghiên cứu rất nhiều tư liệu nói về thời chiến, đặc biệt là cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc.
Tôi đã phần nào cảm nhận được sự đau thương mất mát, giọt nước mắt chia xa khi mất đi người yêu thương và nỗi khổ của người lính thời bấy giờ và hài lòng với sự diễn xuất của mình.
Cái kết mở của bộ phim chính là hình ảnh cô đọng đẹp đẽ nhất về cuộc đời và phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ.

- Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Trước khi thực hiện những cảnh quay đó, tôi đã phải làm việc rất kỹ với chiến sĩ lái xe tăng bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của người diễn viên.

Những cảnh chiến sĩ bò trước xe tăng đang chạy là thật (khi ấy tôi là đạo diễn cũng đi ngay cạnh mũi xe tăng), cảnh ống kính thay cho mắt chiến sĩ nhìn về chiếc xe tăng thì đến lượt quay phim “liều mình”.

Còn sau đó cảnh chiếc xe tăng cán thân người chiến sĩ (xích xe tăng cán manơcanh) và cảnh máu phụt lên ống kính tất nhiên là giả… Còn lại là thủ pháp dựng trên bàn kỹ thuật CTM.

Xin được nói thêm, chỉ sau khi hòa âm xong những người làm phim mới thấy hết hiệu quả của những cảnh quay ở phần trận đánh ngoài chiến trường.

- PV: Vai chính trong phim lại do một diễn viên trẻ đảm nhiệm, anh có lo ngại áp lực từ của những bộ phim chiến tranh đã rất thành công trước đó?

- Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Xin nói ngay là có. Nhưng xuất thân từ một giáo viên dạy kỹ thuật biểu diễn, tôi hoàn toàn tin vào khả năng chỉ đạo diễn xuất của mình. Tôi biết người diễn viên đó có thể làm được gì và tôi có thể đòi hỏi được gì hơn thế.

Kết quả như mọi người đã thấy đấy, nam diễn viên chính Thiện Tùng đã thành công trong vai Lâm Thành. Còn dàn diễn viên trẻ khác tham gia đóng phim đều đã nỗ lực cống hiến hết mình vì vai diễn. Còn nữa, trước khi làm phim nhựa đầu tay tôi đã có vốn liếng với gần trăm tập phim truyền hình.

Tất nhiên, làm phim truyền hình không giống như làm phim điện ảnh nhưng những kinh nghiệm làm phim truyền hình đã giúp ích tôi không nhỏ trong thời điểm dàn dựng tại hiện trường và cắt nối phim trên bàn dựng.

Bích Hậu thực hiện