Chọi trâu Đồ Sơn: Gốc tích và sự biến tướng

ANTD.VN - Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 9-8 âm lịch hàng năm, Hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) lại thu hút du khách thập phương đến với lễ hội đậm chất tâm linh nhưng không kém phần đặc sắc này. Tuy nhiên, qua thời gian, lễ hội này đã bị thương mại hóa, đòi hỏi ban tổ chức và chính quyền phải quản lý sát sao để di sản văn hóa này không bị mất đi những ý nghĩa ban đầu.

Hải Phòng - vùng đất có truyền thống văn hoá với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong những di sản văn hoá ấy, nổi bật là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa xuất hiện từ lâu và riêng có ở Đồ Sơn, là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của một cộng đồng trong quá khứ.

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm một đấng quyền uy linh thiêng làm chỗ dựa. Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc.

Từ đó, Hội chọi trâu trở thành nguồn cội trong đời sống tâm linh người Đồ Sơn. Thời điểm chính mở hội là ở bước chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc, là lúc ngư nhàn ít mưa bão. Từ nguồn gốc ấy có thể thấy rằng lễ hội chọi trâu có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống người Đồ Sơn từ xưa tới nay. Ngoài nhu cầu vui chơi, tìm hiểu, qua lễ hội người ta tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh".

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn thu hút nhiều du khách thập phương

Chọi trâu không chỉ đơn thuần "hai con trâu chọi" mà nó đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo ở vùng. Lễ hội chọi trâu của người dân thị xã Đồ Sơn được tổ chức vào 9-8 âm lịch hàng năm. Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen.

Phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước, sau đó là lễ rước kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm dẫn trâu đi trình thành hoàng làng. Phần lễ chủ yếu diễn ra trước phần hội mấy ngày trong một thế giới tâm linh kỳ diệu.

Trước kia, lễ tế thần diễn ra ở tất cả các giáp của tổng Đồ Sơn với sự linh đình về vật lễ tế cũng như các thủ tục hành lễ. Giờ đây, việc tế thần được tổ chức ở từng phường xã, đa phần là do các già làng làm chủ lễ, để cầu xin khí thiêng của sông núi, đất trời và vùng biển này cho được thắng cuộc chọi trâu ngày hôm sau.

Hình ảnh trâu được đưa đi làm lễ

Phần hội diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la.

Ngày hội chọi trâu không chỉ mang lại niềm vui cho mọi người, mà còn là một thú chơi lắm công phu, từ việc chọn trâu, mua trâu, nuôi trâu đến luyện trâu cũng là cả một sự kiên trì, kỳ công. Sự dũng mãnh, ngoan cường của trâu chọi là biểu tượng gửi gắm ý nguyện và khí phách của người Đồ Sơn giàu tinh thần thượng võ.

Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Và đặc biệt hơn nữa là cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hoá, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người.

Tuy nhiên, qua thời gian, việc tổ chức lễ hội này đã đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu, bị thương mại hóa và thậm chí gây nên tai nạn chết người. Người dân cho rằng những năm qua, ngoài việc buông lỏng quản lý trong lễ hội chọi trâu, ban tổ chức cũng thu quá nhiều loại phí, thương mại hóa lễ hội.

Lễ hội cũng là nơi tồn tại nhiều biến tướng trá hình như cổ súy cho bạo lực, tệ nạn cá cược, xả thịt trâu chọi bán với giá “cắt cổ”. Một số chủ trâu chọi cho biết họ đã phải đóng rất nhiều loại phí vô lý để mua suất cho trâu chọi.

Lễ hội chọi trâu bị biến tưởng với tệ nạn cá cược

Nhiều lễ hội chọi trâu được tổ chức nhằm mục đích cá cược ăn thua. Người không có kinh nghiệm huấn luyện trâu cũng có thể tham gia. Thậm chí, trâu không đủ tiêu chuẩn cũng vẫn được chọi. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 1-7-2017, khi trâu số 18 đã húc chết chủ ở phường Vạn Hương có biểu hiện bất thường, hung hăng những vẫn được vào sân thi đấu. Nếu ban tổ chức biết việc này thì đã không có tai nạn xảy ra.

Hành vi xả thịt trâu chọi bán với giá “cắt cổ” đã khiến lễ hội mất đi ý nghĩa tốt đẹp

Lễ hội chọi trâu là nét văn hóa độc đáo. Văn hóa này sẽ phụ thuộc vào ứng xử của con người với truyền thống, chứ không phải bị đem ra lợi dụng để làm méo mó, tác động vào tính hiếu kỳ, tính kinh doanh. Ngày nay, nhiều người nhầm lẫn giữa “chọi trâu sân vận động” với “Lễ hội chọi trâu”.

Lễ hội chọi trâu được tổ chức nhằm mục đích hiểu thêm về truyền thống văn hóa và tinh thần thượng võ của tổ tiên. Tuy nhiên, người xem chọi trâu ở sân vận động lại chỉ quan tâm đến thắng thua và mua thịt trâu với giá đắt mà không thực sự hiểu được những ý nghĩa tâm linh này.

Để gìn giữ nét văn hóa, tinh thần và tâm linh của cộng đồng, ban tổ chức cần cấm những hành vi cổ súy bạo lực, kiếm tiền không chính đáng ăn theo lễ hội, đồng thời đảm bảo tổ chức sự kiện một cách an toàn cho người xem.