Chinh phục dương cầm
(ANTĐ) - Nghe anh say sưa kể về nghề sửa chữa, bảo dưỡng, chỉnh đàn piano trong suốt gần hai tiếng đồng hồ với ánh mắt tràn đầy niềm vui, tự hào, tôi chợt hiểu, với anh, chiếc đàn piano là những “người tình bí ẩn” mà anh mải miết chinh phục trong mấy chục năm qua. Anh là Nguyễn Đức Phúc, cán bộ của Nhạc viện Hà Nội.
Nghề làm mệt đôi tai
“Nghề này tôi được ông bác là cụ Nguyễn Tài Khánh truyền cho. Cụ là học trò cưng của ông Tây mù nổi tiếng một thời của Hà Nội”. Anh Phúc mở đầu câu chuyện và cho biết, anh có thể “can thiệp” mọi chi tiết trên chiếc đàn piano, từ làm mộc, sửa máy đến chỉnh độ nặng của phím (nếu đặt đồng xu nặng 25g lên mà phím đàn từ từ ép xuống là được)..., nhưng khó nhất là lên dây đàn.
Để làm được điều này, trước hết, người thợ phải có cái tai âm nhạc thật chuẩn xác, chỉ cần bấm qua vài phím là biết được nốt sai, nốt đúng. Ngoài ra, còn cần phải có đôi tay khéo léo, bởi lẽ việc điều chỉnh dây đàn không đơn giản là cầm cờ lê để vặn ốc, nếu vặn hơi quá một chút hay chưa “tới” thì nốt nhạc sẽ bị sai.
Vì thế mới có chuyện, người nghệ sĩ nghe đàn có thể phát hiện chính xác nốt nhạc sai, phím đàn cần chỉnh sửa, nhưng không thể tự mình chỉnh dây mà phải cần đến những người thợ như anh Phúc.
Ngoài anh, hiện chỉ còn 1 người nữa, cũng công tác ở Nhạc viện Hà Nội có thể thực hiện chuẩn xác công việc chỉnh đàn. Cũng có một vài người nữa biết chỉnh đàn piano nhưng hoạt động của họ không thường xuyên. Anh Phúc cũng đã truyền nghề cho một số người, nhưng chưa ai đủ kiên trì và sự đam mê để theo học tới cùng.
Gần đây, có người cháu và con trai được anh truyền dạy, “đã nghe và phát hiện chuẩn xác nốt sai rồi, nhưng cái tay “lắc” cờ lê chưa “dẻo”. Anh không thấy lạ, cũng không sốt ruột khi “bảo mãi mà cháu chẳng nghe ra”, bởi ngày xưa anh cũng vậy, có khi 3 ngày chưa lên nổi dây cho một cây đàn. Rồi thực tế đã rèn người, dần dần thời gian ấy rút xuống một ngày, rồi 3 tiếng. Giờ thì chỉ cần khoảng một tiếng là anh có thể căng chỉnh xong toàn bộ một chiếc đàn piano.
Anh Phúc lúc nào cũng mê đắm “nàng” piano |
“Người tình” ở khắp nơi
Chiếc đàn piano có 88 phím, mỗi phím có 1 đến 3 dây. Khó là ở chỗ phải chỉnh sao cho cả 3 dây đó đều chuẩn như nhau, cả về cao độ. Vì thế, việc chỉnh dây đàn khiến người thợ tốn nhiều công sức, mệt nhất là tai. Theo anh Phúc, buổi sáng là thời điểm tốt nhất để lên dây dàn vì lúc này, con người cảm thấy thư thái, khỏe mạnh. Nếu làm vào buổi tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi thì có khi mất nhiều thời gian hơn mà hiệu quả không cao. Anh Phúc kể: “Nghề nào cũng phải có “mẹo”. Với nghề này, dù chưa chỉnh xong nốt này cũng phải chuyển sang nốt khác để thay đổi âm thanh cho tai. Nếu cứ dồn vào chỉnh mãi một dây đàn thì sự nhàm chán sẽ khiến đầu óc rối tinh cả lên, càng thiếu chính xác. Mỗi ngày, giỏi lắm thì chỉnh được 3 chiếc, bình thường là hai chiếc. Sau đó, nếu có cố làm thì cũng không thể chính xác được”. |
ở Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, anh Phúc cùng một đồng nghiệp nữa mỗi người “cai quản” khoảng 50 chiếc piano. Khi kết thúc công việc tại Nhạc viện, anh lại “cưỡi” xe máy rong ruổi khắp các đường phố Hà Nội để chỉnh đàn thuê cho sinh viên, nghệ sĩ và những người chơi đàn.
Thông thường, người nghệ sĩ kỹ tính cứ 3 tháng phải lên dây đàn một lần, bình thường là 6 tháng, còn người chơi nghiệp dư thì một năm. Trời mưa rét, anh cũng đội áo mưa đi sửa đàn, có khi đến nửa đêm mới về. Dù việc ở Hà Nội làm không xuể, nhưng anh vẫn nhiệt tình về cả các tỉnh lân cận chỉnh đàn cho các đoàn nghệ thuật.
Có người tỏ ra coi thường khi đón anh lần đầu, vì nghĩ rằng đây cũng giống như ông thợ sửa xe đạp, xe máy ngoài đường. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến những thao tác lành nghề của anh, họ mới thấy hết giá trị của công việc cùng công sức mà anh bỏ ra.
Anh Phúc nhớ mãi lần đầu đến sửa đàn cho một gia đình ở gần hồ Hoàn Kiếm. Nhà nghèo, sống chủ yếu bằng mẹt hàng ở góc phố, nhưng họ dồn được 15 triệu đồng để mua chiếc piano cho cô con gái. Nhà chật, họ phải kê đàn ở ban công, trời mưa phải lấy áo mưa “mặc” cho đàn.
Cảm kích trước hoàn cảnh của họ, 5 năm qua, anh đều đặn đến chỉnh đàn mà không lấy một đồng tiền công. Lại có cụ giáo già của một trường thực nghiệm, sở hữu một chiếc đàn cổ, máy móc đã rệu rã lắm rồi, phải sửa chữa liên tục khá tốn kém. Thế nhưng, hễ có người gợi ý mua cây đàn mới, ông cụ lại gạt đi, bởi không nỡ rời xa “người bạn vong niên” của mình.
Lịch làm việc của anh hầu như kín hết tất cả các ngày trong tuần, chẳng có ngày chủ nhật. Anh chìa ra quyển sổ nhỏ luôn nằm trong túi ngực để ghi địa chỉ và lịch hẹn làm việc. Ngày làm ở cơ quan, tối đến lại đi làm, có khi không kịp về nhà ăn cơm.
Nhiều khi vợ cũng phàn nàn vì xót anh vất vả. Lại có khi chị nghi ngờ anh chán vợ đi tìm “phở”. ấy là chuyện hồi anh chị mới cưới. Giờ thì chị đã hiểu tâm tính của anh. Anh có rất nhiều “người tình”, đó chính là những chiếc piano đen bóng, đầy bí ẩn…
Thu Hường