Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam

ANTD.VN -Từ ngày 12-4 đến hết tháng 7-2018, hơn 300 hiện vật khảo cổ học đặc sắc Việt Nam sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô và du khách quốc tế, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đầu phượng trang trí kiến trúc được giới thiệu tới khách tham quan triển lãm

Trưng bày nhằm giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong 60 năm qua, đặc biệt là những kết quả của sự hợp tác giữa ngành bảo tàng giữa hai quốc gia Việt Nam và Đức.

Theo đó, triển lãm sẽ giới thiệu các hiện vật gồm: báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam; báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam (gồm văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai); khảo cổ học lịch sử gồm: báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Champa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn, văn hóa Óc Eo - Phù Nam cùng các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Với trên 300 hiện vật đặc sắc, đây là một cuộc trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam. Điểm nhấn của trưng bày lần này là chuyên đề “Khảo cổ học lịch sử” đưa người xem trải nghiệm một hành trình lịch sử từ các báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên đến các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Trong đó, vương quốc Champa (192-1471) đã để lại một khối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng, bạc, các loại đồ trang sức… các loại hiện vật này phản ánh những nét sinh hoạt trong xã hội Champa xưa, từ đời thường đến tôn giáo và cung đình và có giá trị về nhiều mặt, nhất là về nghệ thuật. Đặc biệt, một quần thể kiến trúc đền tháp thuộc tôn giáo của Champa ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) còn gọi là “thánh địa Mỹ Sơn” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999.

Đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong dịp này, du khách sẽ được tìm hiểu về những tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam, Tháp Mẫm - Bình Định như: sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, phù điêu tu sĩ, bia Ponaga… và những hiện vật đặc sắc do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Bảo tàng Bình Định khai quật. Đáng chú ý, hiện vật tiêu biểu cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn - Quảng  Nam.

Cùng với đó, kế thừa thành tựu của các nhà khảo cổ học phương Tây, các nhà  khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn. Những tri thức về các vấn đề bản chất, nguồn gốc, địa bàn phân bố, loại hình di tích, di vật cũng như đời sống của cư dân Đông Sơn ngày càng được làm sáng tỏ hơn. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã xác lập được diện mạo cũng như dựng được phổ hệ văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn tại lưu vực 3 con sông lớn ở đồng bằng, trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ: sông Hồng, sông Mã, sông Lam.

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 2

Du khách quốc tế đến tham quan trưng bày sẽ được chiêm ngưỡng trống đồng Sao vàng- Thanh Hóa

Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa thời đại kim khí, có nguồn gốc bản địa, do đó, khán giả đến tham quan trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu; trống đồng Sao vàng - Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, công cụ làm nông nghiệp như: lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái…

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học Việt Nam đã đóng góp nguồn tư liệu quyết định trong việc khôi phục buổi bình minh của lịch sử Việt Nam, làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam. Khảo cổ học còn cung cấp nguồn sử liệu vật thật quan trọng để khôi phục một cách chân xác và sống động hơn lịch sử Việt Nam từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ XX.

Một số hiện vật được trưng bày tại triển lãm:

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 3

Chuỗi hạt thủy tinh

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 4

Tượng sư tử

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 5

Mũi tên đồng

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 6

Tượng động vật

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 7

Mảnh vàng

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 8

Hạt chuỗi

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 9

Phù điêu thần Laksmi

Chiêm ngưỡng hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam ảnh 10

Mô hình nhà