Chỉ viết khi thấy mình không “rỗng tuếch”

(ANTĐ) - Nhà văn Y Ban tuổi Tân Sửu (1961), sinh ra và lớn lên ở thị trấn Liễu Đề - Nam Định. Đến với văn chương một cách tình cờ như “duyên nghiệp”, nhưng Y Ban đã tạo được dấu ấn riêng và luôn đưa đến cho độc giả những tác phẩm bất ngờ. Nếu 2007, văn đàn xôn xao với “I am… đàn bà” (NXB Công an nhân dân), thì năm 2008 vừa rồi, Y Ban xuất hiện với tiểu thuyết nhiều cách tân mang tựa đề “Xuân Từ Chiều” (NXB Phụ nữ). Nhân dịp bước vào mùa xuân Kỷ Sửu (2009), ANTĐ có cuộc trò chuyện với chị.

Chỉ viết khi thấy mình không “rỗng tuếch”

(ANTĐ) - Nhà văn Y Ban tuổi Tân Sửu (1961), sinh ra và lớn lên ở thị trấn Liễu Đề - Nam Định. Đến với văn chương một cách tình cờ như “duyên nghiệp”, nhưng Y Ban đã tạo được dấu ấn riêng và luôn đưa đến cho độc giả những tác phẩm bất ngờ. Nếu 2007, văn đàn xôn xao với “I am… đàn bà” (NXB Công an nhân dân), thì năm 2008 vừa rồi, Y Ban xuất hiện với tiểu thuyết nhiều cách tân mang tựa đề “Xuân Từ Chiều” (NXB Phụ nữ). Nhân dịp bước vào mùa xuân Kỷ Sửu (2009), ANTĐ có cuộc trò chuyện với chị.

- ANTĐ Cuối tuần là tờ báo đầu tiên có bài viết giới thiệu “Xuân Từ Chiều” khi tiểu thuyết của chị chính thức được xuất bản. Liên tiếp sau đó, cuốn sách đã được các báo trong Nam ngoài Bắc đồng loạt lên tiếng. Chị đã thu nhận được những góp ý gì từ những bài báo đó?

- Đúng rồi. Khi được cầm trên tay cuốn sách đầu tiên, tôi tình cờ gặp nhà văn Trần Thanh Hà và Hà là người đầu tiên tôi ký tặng sách. Sau đó Báo ANTĐ là nơi đầu tiên đăng bài viết của Trần Thanh Hà giới thiệu cuốn “Xuân Từ Chiều” của tôi. Tiếp đó, cuốn sách cũng được nhiều báo giới thiệu, và tôi với tư cách là tác giả cuốn sách cũng được nhiều phóng viên tới phỏng vấn. Nhưng khen hay chê trên báo thì cũng là chuyện bình thường thôi.

Tôi ít quan tâm lắm… Có người đã xếp tôi vào “chiếu” những nhà văn viết sex của Việt Nam. Tôi cũng đã trả lời rằng tôi chấp nhận hết tất cả các “danh hiệu” báo chí hay độc giả dành cho mình. Tôi không chủ trương viết sex, không có ý cổ súy hay phất ngọn cờ nào, nhưng khi đặt bút viết một tác phẩm cụ thể, nếu nhân vật của tôi cần sex thì tôi cho họ sex, nhân vật phải chết thì tôi để cho họ chết, nhân vật cần sự ngây thơ tôi cho họ ngây thơ…

- Có phải đây là tiểu thuyết đầu tiên của Y Ban nên chị đã  dành khá nhiều thời gian cũng như chọn cho nó một cách viết tưng tửng, không chương hồi, không xuống dòng?

- “Xuân Từ Chiều” không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên do tôi viết, nhưng đó là cuốn sách đầu tiên đến với bạn đọc với thể loại là tiểu thuyết. Trước đây, khi viết “Đàn bà xấu thì không có quà” tôi đã ghi ở bìa bản thảo là “Tiểu thuyết”. Nhưng khi sách in ra, NXB đã sửa thành “Truyện vừa”.

Khi viết truyện ngắn thì tôi cố gắng “tiết chế”, các con chữ được “nén” lại; còn khi định đề là truyện vừa hay tiểu thuyết, thì tôi “thả lỏng” hơn, chữ nghĩa cứ “vãi” ra mành mành, giống như người nông dân đi gieo mạ ấy. Nói rằng tôi dành nhiều thời gian để viết tiểu thuyết này cũng không hẳn đúng. Bởi thực sự, tôi viết văn nói chung và tiểu thuyết này nói riêng đều là viết… tranh thủ. Tôi là một người vợ, một người mẹ, một phóng viên của Báo Giáo dục & Thời đại.

Vì vậy, những công việc ấy đã “ngốn” gần như trọn vẹn thời gian của tôi. Tôi chỉ tranh thủ viết vào những giờ nghỉ trưa, hay những khi chiều muộn, mọi người đã về hết và đang… chờ chồng đến đón. “Xuân Từ Chiều” tôi cũng tranh thủ như vậy, trong khoảng 60 ngày thì đặt dấu chấm hết cho tác phẩm. Ban đầu, tôi đặt tên là “Làm vợ”. Còn về cách viết, thì với mỗi tác phẩm, tôi cũng thường chọn lựa một cách để “giải quyết” các ý tưởng và câu chuyện mình muốn đề cập.

- Bước vào năm Kỷ Sửu 2009, chị dự định công bố tác phẩm nào vậy?

- Văn chương không phải là công việc duy nhất của tôi, vì thế mà mỗi khi viết xong một cuốn sách, như viết xong “Xuân Từ Chiều” chẳng hạn, tôi cảm thấy đầu óc trống rỗng. Tôi chỉ có thể viết, khi lúc nào mình cảm thấy mình không rỗng tuếch. Cũng có một vài đơn vị xuất bản gợi ý tôi in tập truyện ngắn mới. Dù chỉ cần viết thêm ba, bốn truyện nữa là thành được tập, nhưng tôi cũng không muốn “ép xác”, cũng không muốn làm “ra vẻ” mình chuyên nghiệp.

Bây giờ, ra một cuốn sách cũng vui thêm được dăm bữa nửa tháng. Rồi mọi chuyện lại bị cuốn đi…

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

H.Giang

 (Thực hiện)